Trong cuốn sách, tác giả đã chú ý phân tích những mối liên hệ cơ bản, khách quan giữa hệ thống pháp luật quốc gia với pháp luật quốc phòng - an ninh; những vấn đề của hệ thống pháp luật quốc phòng - an ninh với hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực này. Công trình cũng đề cập những hiện tượng và vấn đề thường nảy sinh trong thực tiễn hoạt động xây dựng pháp luật quốc phòng - an ninh và áp dụng pháp luật quốc phòng - an ninh.
Hệ thống pháp luật quốc phòng - an ninh là vấn đề lớn, bao trùm lên tất cả các phương diện của đời sống xã hội, trong phạm vi cuốn sách tác giả xác định chỉ nghiên cứu những cơ sở lý luận, thực tiễn của việc bảo đảm tính hệ thống cho pháp luật quốc phòng - an ninh phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam về hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quốc phòng - an ninh. Từ đó rút ra những nhận xét, đánh giá về hệ thống văn bản quy phạm hiện hành và nhu cầu hệ thống hóa các quy phạm pháp luật quốc phòng - an ninh cũng như những định hướng và giải pháp chủ yếu để phát triển và hoàn thiện hệ thống hóa pháp luật quốc phòng - an ninh.
Vấn đề được đặt ra và giải quyết trong cuốn sách không chỉ nhằm thực hiện một ý tưởng hay quan niệm riêng của tác giả về nghĩa vụ của các nhà khoa học pháp lý trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, mà đây là một ý kiến thiết thực dù ở phạm vi hẹp, góp thêm vào công cuộc lớn lao - sửa đổi Hiến pháp, mà toàn Đảng và toàn dân đang quan tâm, đồng thời tham mưu cho ủy ban Quốc phòng và An ninh trong việc định hướng tham gia hoạt động lập pháp, giám sát thực thi pháp luật cũng như giải quyết những vấn đề khác thuộc thẩm quyền.