Sách: Phát hiện và sử dụng nhân tài

Phát hiện và sử dụng nhân tài
Độc đáo, sâu sắc về tư tưởng, kiến thức uyên thâm, văn phong tươi mới,...

vi
216

Mô tả

bianhantai2

Tác giả: Nhiệm Ngạn Thân 

Số trang: 216 trang

Độc đáo, sâu sắc về tư tưởng, kiến thức uyên thâm, văn phong tươi mới, ngôn ngữ đơn giản nhưng sinh động, giàu trí tuệ… là những nhận xét mà nhiều độc giả và người biên tập dành cho cuốn sách Phát hiện và sử dụng nhân tài của học giả Nhiệm Ngạn Thân (Trung Quốc). Quả thực, những điều chưa từng được nói, những điều chưa ai dám nói đã được tác giả cuốn sách đưa ra một cách phù hợp, với cách thể hiện chân thành, không hoa mỹ, mang hơi thở cuộc sống, đem lại cho người đọc những trải nghiệm mới, thú vị và sự tâm đắc. Đối với độc giả Việt Nam, cuốn sách tuy không dày, nhưng sẽ là một tài liệu tham khảo thực sự thiết thực, hữu ích, bởi những vấn đề được đề cập trong cuốn sách này cũng là những điều mà chúng ta đang trăn trở từng ngày.

Bàn về văn hóa và giá trị của văn hóa, tinh thần “đại học”, cuộc cách mạng truyền thông…, nhưng phần tinh túy nhất và cũng chiếm nhiều dung lượng của cuốn sách nhất, đó là vấn đề cán bộ, cụ thể là “nghệ thuật” phát hiện và sử dụng nhân tài. Theo Nhiệm Ngạn Thân, lãnh đạo không phải là người dựa vào bản thân để làm việc, mà là người hướng dẫn, thúc đẩy mọi người làm việc, là người đoàn kết và dựa vào mọi người để làm việc, thông qua mọi người để thực hiện chủ trương của cấp trên và quan điểm của cá nhân. Như tác giả đúc rút, người lãnh đạo hay người đứng đầu, đều phải dành một phần ba thời gian làm việc của mình cho công tác nhân sự. Bởi chỉ cần lựa chọn đúng người, đánh giá đúng người, công việc sẽ được thực hiện suôn sẻ; ngược lại, nếu coi nhẹ công tác quản lý nhân sự, xử lý công việc cặn kẽ, tỉ mỉ nhưng quản lý nhân sự đại khái, qua loa thì đó là sự thiếu trách nhiệm lớn nhất của người lãnh đạo.

Có rất nhiều vấn đề mà người làm công tác lãnh đạo nào cũng quan tâm, trăn trở làm sao để giải quyết tốt, thì thông qua cuốn sách này, họ hoàn toàn có thể tìm ra câu trả lời cho chính mình. Hiểu rằng cán bộ lãnh đạo thường xuyên phải đối mặt với những lựa chọn có tính chất quyết định, tác giả đã đưa ra một số lựa chọn cơ bản mang tính chất đối lập nhưng có mối quan hệ biện chứng với nhau, như: giữa làm người và làm quan; giữa nói thật và nói dối; giữa làm quan và phát tài; giữa lãnh đạo đương nhiệm và lãnh đạo tiền nhiệm; giữa ứng xử với cấp trên và ứng xử với cấp dưới; giữa rập khuôn máy móc và đổi mới sáng tạo; v.v.. Đây là những lựa chọn đối lập mà bất cứ người lãnh đạo nào cũng phải trải qua, và việc lựa chọn như thế nào sẽ quyết định sự thành, bại của người lãnh đạo đó.

Chẳng hạn như trong vấn đề tưởng chừng như đơn giản nhất là nên nói thật hay nói dối, thì trong cuộc sống thực tiễn, đây lại chính là vấn đề nan giải nhất. Trong dẫn chứng mà tác giả đưa ra thông qua kết quả điều tra thực tế trong suốt 20 năm của hai chuyên gia nổi tiếng người Mỹ thực hiện xoay quanh vấn đề “phẩm chất riêng của người lãnh đạo”, có bốn phẩm chất lớn được coi là điều kiện tiên quyết của người lãnh đạo: thành thực, có tầm nhìn, biết khuyến khích nhân tài, có năng lực vượt trội. Trong đó, thành thực là điều kiện quan trọng số một, là yêu cầu đầu tiên và là nguyên tắc cao nhất của người lãnh đạo. Và để giải quyết vấn đề nan giải “nói thật, nói thẳng”, tác giả đã giới thiệu một biện pháp rất trí tuệ và sách lược mà Khổng Tử đã đưa ra, theo đó, một người thông minh, khi nói cần xem xét hoàn cảnh, đối tượng, vừa phải nói thẳng để người ta biết, nói hay để khuyên bảo, vừa phải biết chừng mực, biết dừng lời đúng lúc đúng chỗ. Và tác giả đưa ra một kinh nghiệm sống quý báu, đó là để trở thành một người hay nói lời chân thực không khó, bởi nếu cảm thấy hoàn cảnh, bối cảnh không thích hợp, bạn có thể không nói.

Quan niệm lãnh đạo là một khoa học, một kiểu trí tuệ, một nghệ thuật, Nhiệm Ngạn Thân đưa ra 5 đòi hỏi, yêu cầu để có thể nâng lãnh đạo lên tầm “nghệ thuật”, đó là: có tầm nhìn sâu rộng; biết nắm bắt thời cơ, quyết đoán nhanh chóng; có lòng rộng lượng khoan dung; có trí tuệ nhưng không được cho rằng mình điều gì cũng biết, làm gì cũng được, hơn tất cả mọi người, hay nói cách khác là “đại trí nhưng tỏ ra ngu muội”; tính thiện như nước.

Cũng theo Nhiệm Ngạn Thân, khi lựa chọn cán bộ cần phải đặt nhân phẩm lên vị trí hàng đầu, trên cơ sở đó tiếp tục đánh giá về chính trị, trình độ, thành tích công tác. Xuyên suốt cuốn sách, tác giả luôn đề cao nhân cách, phẩm chất của con người, đặt giá trị đạo đức lên hàng chính yếu trong công tác cán bộ. Ông khẳng định, những tiêu chuẩn, quy tắc đối nhân xử thế được hình thành qua chiều dài lịch sử đất nước Trung Quốc, đã trở thành một phương thức giao tiếp, thói quen hành vi, thái độ sống của mọi người trong xã hội, là một loại hương quy dân ước; và chính phương thức kết hợp cách quản lý 7f49 đất nước bằng đạo lý và quản lý đất nước bằng pháp luật đã trở thành phương pháp quản lý xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Là một học giả nổi tiếng trong giới nghiên cứu của Trung Quốc, Nhiệm Ngạn Thân viết cuốn sách này qua những điều đúc rút được từ thực tiễn 40 năm công tác, những điều mắt thấy, tai nghe từ góc độ của người quản lý, viết “sau khi thoát khỏi sự ràng buộc về danh lợi”, do đó nội dung sách có tính hiện thực cao, các vấn đề được nêu lên một cách hết sức thẳng thắn, không lẩn tránh nhưng với cách luận đàm chân thành, tinh tế mà rất sâu sắc. Năm 2011, cuốn sách đã được bình chọn là một trong những cuốn sách có nội dung hấp dẫn nhất trong các ấn phẩm được xuất bản tại Trung Quốc thời gian qua.

Giao Linh




Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận