Tác giả: TS. Hồ Bá Thâm (Chủ biên)
Số trang: 360 trang
Giá tiền: 71.000đ
Phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội, cũng như phát triển văn hóa đồng bộ với tăng trưởng kinh tế, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững là một trong những định hướng lớn trong tiến trình xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đã được các đại hội Đảng thời kỳ đổi mới khẳng định. Nhưng trong thực tế, sự phát triển trong lĩnh vực còn theo lối cũ, bị mất cân đối, thiếu bền vững, đang đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu.
Góp phần vào việc nghiên cứu những vấn đề nêu trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn Phát triển đồng bộ và tương xứng văn hóa với kinh tế. Cuốn sách được biên soạn trên cơ sở kết quả đề tài nghiên cứu Giải pháp phát triển văn hóa đồng bộ và tương xứng với sự phát triển kinh tế nhằm tạo ra sự phát triển bền vững ở Thành phố Hồ Chí Minh được nghiệm thu năm 2008.
Nội dung chính của cuốn sách làm rõ cả về lý luận - phương pháp luận, khái quát thực tiễn thông qua đánh giá sự phát triển chưa đồng bộ và nguyên nhân của thực trạng phát triển văn hóa, đồng thời đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ và những nhóm giải pháp định hướng. Về phương pháp trình bày, chủ yếu là đi từ phương pháp trừu tượng đến cụ thể: phát triển bền vững - phát triển văn hóa - phát triển đồng bộ mang tính khái quát từ lý luận đến thực tiễn.
Những đóng góp có ý nghĩa thực tiễn của cuốn sách là chỉ ra 4 nhóm giải pháp, phân tích vị trí nội dung từng nhóm và nhấn mạnh nhóm đột phá, mũi nhọn, các giải pháp đặc biệt nhằm khắc phục những trường hợp không đồng bộ dẫn đến nảy sinh những vấn đề gay gắt, không chấp nhận được.
Nội dung vấn đề tuy được xem xét từ thực tế một địa phương ở đây là Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng là một tương quan biện chứng giữa cái chung và cái riêng. Từ đó rút ra những kết luận, kiến nghị có tầm khái quát, có ý nghĩa chung cho cả nước và từng địa phương, đơn vị.
Vấn đề phát triển văn hóa dù đã có khá nhiều công trình đề cập tới, nhưng nội dung cuốn sách này là một hướng tiếp cận mới, có tính độc đáo, sáng tạo nhất định. Do vậy, cuốn sách có thể làm tài liệu tham khảo bổ ích cho việc nghiên cứu, học tập và tham mưu cho các cấp lãnh đạo, quản lý hiện nay, nhất là trong quá trình đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI vào cuộc sống, từ đó tiếp tục tổng kết kinh nghiệm, đổi mới tư duy lý luận và tư duy tổ chức thực tiễn.
Cuốn sách được chia thành các phần như sau:
Mở đầu: Tổng quan các vấn đề đặt ra và phương pháp tiếp cận
Phần I: Những cơ sở lý luận
Phàn II: Đánh giá tổng quát về thực trạng và nguyên nhân
Phần III: Quan điểm và định hướng phát triển
Phần IV: Các nhóm giải pháp chính