Tác giả: Nguyễn Thị Nga (Chủ biên)
Số trang: 208 trang
Giá tiền: 37.000đ
Xây dựng, phát triển một nền giáo dục mới là khát vọng cháy bỏng, là mục tiêu cơ bản của cách mạng Việt Nam và đó cũng là tư tưởng mang tính nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Truyền thống văn hóa giáo dục, tinh thần nhân ái, lòng yêu nước, tư tưởng dân sinh, dân chủ của các sĩ phu Việt Nam yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; triết lý giáo dục, triết lý nhân sinh của Nho giáo, Phật giáo; tư tưởng nhân văn về con người, giáo dục con người thời cận đại… là các tinh hoa văn hóa nhân loại đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp cận, tiếp thu có chọn lọc phê phán và sáng tạo.
Với tư cách hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trên cơ sở phân tích và chứng minh sự phát triển của nền giáo dục nước ta theo tư tưởng Hồ Chí Minh, các tác giả khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nền giáo dục cách mạng là hệ thống các quan điểm phong phú và hoàn chỉnh.
“Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng Người”, tinh thần này được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, nhắc lại như một nguyên tắc bất biến trong nhận thức cũng như trong chỉ đạo hành động của người. Trong lĩnh vực giáo dục, Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng, mà còn luôn hiện thân là người thầy mẫu mực chăm sóc cho sự nghiẹp trồng người của dân tộc. Sau khi nước nhà độc lập, trên cương vị Chủ tịch nước, Người luôn chú trọng đến sự nghiệp giáo dục. Cùng với thời gian, với rất nhiều biến đổi ở trong nước cũng như thế giới, những chỉ dẫn về giáo dục của Người vẫn giữ nguyên tính khoa học, tính cách mạng, có ý nghĩa phương pháp luận lớn lao với sự nghiệp đổi mới và phát triển giáo dục nước ta.
Coi trọng sự phát triển giáo dục là quan điểm nhất quán của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới. Sự nghiệp phát triển nền giáo dục Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XXI đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng việc phát triển giáo dục, đào tạo. Điều này được thể hiện ở nhiều chủ trương, chính sách lớn về công tác giáo dục. Những thành tựu sau hơn 65 năm phát triển nền giáo dục cách mạng và những thành tựu đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội trong hơn 25 năm đổi mới vừa qua đã tạo ra cơ sở vật chất và tinh thần cho viẹc mở rộng và nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh những thành tựu rất đáng tự hào mà nền giáo dục mới đã đạt được, nền giáo dục nước ta vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước, thêm vào đó là cả những yếu kém trong việc quản lý điều hành hệ thống giáo dục. Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, hiện nay, về mặt phương pháp luận, chúng ta cần đổi mới tư duy theo hướng kiên định phát triển nền giáo dục khoa học, dân tộc và đại chúng với những mục tiêu và điều kiện cụ thể của Việt Nam trong những thập niên đầu thế ký XXI.
Cuốn sách Phát triển nền giáo dục Việt Nam trong những thập niên đàu thế kỷ XXI theo tư tưởng Hồ Chí Minh do PGS, TS. Nguyễn Thị Nga (chủ biên) đã phân tích khái quát tư tưởng cơ bản của Hồ Chí Minh về giáo dục trên những khía cạnh như mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục để trên cơ sở đó khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục không chỉ là ánh sáng soi đường, kim chỉ nam cho chiến lược phát triển con người, phát triển giáo dục ở Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua, mà còn định hướng cơ bản đối với việc đổi mới, chấn hưng phát triển nền giáo dục Việt Nam trong thời gian tới.
Với những vấn đề đã được trình bày, cuốn sách sẽ giúp những người làm công tác giáo dục, những nhà khoa học, các cán bộ giảng dạy và nghiên cứu trong các học viện, nhà trường nắm bắt, nhận thức được sự phát triển của nền giáo dục nước ta; đồng thời có cơ sở để truyền đạt, phổ biến ảnh hưởng to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của nền giáo dục Việt Nam trước sự phát triển của khoa học giáo dục thế giới.
Nguyễn Thị Mạc