Sách: Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX - Nhân vật và sự kiện

Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX - Nhân vật và sự kiện
64.000
Trải qua hơn 2.000 năm du nhập và phát triển, Phật giáo Việt Nam đã luôn...

vi
396

Mô tả

Phat giao resizeTác giả: Lê Tâm Đắc – Nguyễn Đại Đồng

Số trang: 396

Giá tiền: 64.000đ

Trải qua hơn 2.000 năm du nhập và phát triển, Phật giáo Việt Nam đã luôn đồng hành cùng dân tộc. Phát triển rực rỡ dưới thời Lý - Trần, sau nhiều thế kỷ trầm lắng dưới thời Lê - Nguyễn, bước sang thế kỷ XX, đạo Phật đã hưng khởi trở lại, với phong trào chấn hưng Phật giáo. Sự "lên ngôi" của Phật giáo trong thời kỳ này, dĩ nhiên, không thể tách rời những nhân vật và sự kiện tiêu biểu.

Lý giải cho sự "thăng hoa" của Phật giáo ở thế kỷ XX, TS. Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), trong Lời giới thiệu cuốn sách Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX - Nhân vật và sự kiện cho rằng, có được một đạo Phật đầy sức sống ở thế kỷ XX không thể chỉ là kết quả của thời cuộc ngắn ngủi, mà nó bắt nguồn từ truyền thống sâu xa của đạo Phật Việt Nam ở thời kỳ Bắc thuộc hơn 1.000 năm, thời kỳ tự chủ và độc lập bắt đầu từ thế kỷ X, vụt lớn dưới thời Lý - Trần, trầm lắng nhưng lan tỏa khắp đất nước dưới triều Hậu Lê và triều Nguyễn.

Cuốn sách Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX - Nhân vật và sự kiện, thông qua việc khắc họa những nhân vật tiêu biểu cùng những sự kiện tiêu biểu của Phật giáo, đã đem đến cho độc giả một bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của Phật giáo Việt Nam trong hai giai đoạn của thế kỷ XX: 1900-1954 và 1955-2000.

Nhắc đến những người đầu tiên đón nhận và khởi xướng công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam đầu thế kỷ XX (diễn ra trong khoảng 10 năm, từ năm 1924 đến 1934), không thể không nhắc đến những nhân vật như: hòa thượng Thích Tâm Lai, Thích Trí Hải (Bắc Kỳ), hòa thượng Khánh Hòa, giáo thọ Thiện Chiếu (Nam Kỳ). Mỗi nhân vật này có những quan điểm, xu hướng, cách thức vận động tiến hành công cuộc chấn hưng Phật giáo không giống nhau, chẳng hạn nếu sư Tâm Lai tập trung chủ yếu vào việc tranh luận về lý thuyết trên báo chí thì Thích Trí Hải lại vận động thông qua các việc làm rất cụ thể, hay hòa thượng Khánh Hòa và giáo thọ Thiện Chiếu còn trực tiếp lặn lội đi vận động ở nhiều tự viện. Dù vậy, ở họ đều có điểm chung là sự nhiệt huyết đặc biệt với vận mệnh Phật giáo Việt Nam thời kỳ hạ nguyên mạt pháp, và đều có những đóng góp lớn lao cho phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam.

Một nhân vật có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp phát triển Phật giáo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đã được các tác giả cuốn sách dựng lại chân dung "đức vọng như sao sáng non cao, phẩm giá tựa nước trong trăng tỏ", "một nhà Phúc Tuệ, Bi Trí đầy đủ", đó là Đại lão hòa thượng Thích Thanh Hanh (Tổ Vĩnh Nghiêm). Trụ trì một trong những tổ đình lớn nhất miền Bắc, được suy tôn lên ngôi Pháp chủ Hội Phật giáo Bắc Kỳ, Tổ Vĩnh Nghiêm là người đã trọn đời cống hiến cho sự nghiệp phát triển Phật giáo Việt Nam. Với kiến thức uyên thâm, hiểu biết sâu sắc, lòng vị chúng thống thiết, Tổ Vĩnh Nghiêm đã có công đầu trong việc trùng hưng Phật pháp, thống nhất Phật giáo xứ Bắc, nhờ đó Phật giáo xứ Bắc mới có sức mạnh hoàn thành nhiệm vụ chấn hưng Phật giáo giai đoạn 1935-1945, xứng đáng để các tổ chức Phật giáo ở ba miền lúc đó học tập.

Ngoài ra, còn có thể kể đến những cái tên ở nửa đầu thế kỷ XX như: Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật, Tổng đốc trí sĩ Nguyễn Năng Quốc, cư sĩ Nguyễn Hữu Kha, hòa thượng Tuệ Tạng, hòa thượng Tố Liên; và nửa sau của thế kỷ: hòa thượng Tố Liên, hòa thượng Kim Cương Tử... Đây là những nhân vật đã đóng góp không nhỏ vào tiến trình chấn hưng và phát triển Phật giáo thế kỷ XX.

Tuy các nhân vật và sự kiện được trình bày qua những bài viết nhỏ trong cuốn sách, nhưng giữa các nhân vật và sự kiện luôn là sự liên quan mật thiết, các nhân vật luôn gắn với sự kiện, và ngược lại, các sự kiện không thể diễn ra nếu thiếu sự đóng góp của các nhân vật. Xin lấy một vài ví dụ: trước sự bác tạp, biến tướng diễn ra ở nhiều ngôi chùa miền Bắc, chủ trương cải cách nơi thờ tự đã được hòa thượng Thích Trí Hải cùng các tăng ni, cư sĩ tiến hành và đã đạt được những kết quả cụ thể; cư sĩ Nguyễn Hữu Kha, trong số những đóng góp quan trọng cho phong trào chấn hưng Phật giáo, thì có thể nói, những đề xuất về phương thức tu tập và sinh hoạt Tăng già của ông là một đóng góp nổi bật; trong sự kiện thành lập Tổng Hội Phật giáo Việt Nam năm 1951, không thể không kể đến những hoạt động đóng góp tích cực của hòa thượng Tố Liên; hòa thượng Kim Cương Tử với công lao trong việc đẩy lùi những hành vi và nghi lễ mê tín trong sinh hoạt Phật giáo Việt Nam, giúp Phật giáo nước nhà phát triển một cách lành mạnh và chính tín...

Có thể nói, cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích không chỉ cho những nhà nghiên cứu mà còn cho đông đảo bạn đọc, nhất là những người quan tâm tới sự phát triển văn hóa, tôn giáo, Phật giáo Việt Nam. Tất nhiên, nghiên cứu Phật giáo Việt Nam là một vấn đề rất rộng lớn và phức tạp, nhưng với những điều bổ ích trong cuốn sách này, tin rằng công sức của hai tác giả sẽ được bạn đọc trân quý và đón nhận. 

Giao Linh




Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận