Miến dong đen Cao Bằng.
Theo những người làm nghề lâu năm kể lại, nghề làm miến ở Nguyên Bình, Cao Bằng không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng đến khoảng những năm 80 của thế kỷ trước thì phát triển mạnh, nhiều gia đình từ làm nông chuyển sang làm miến. Do điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ưu đãi, giống dong riềng trồng trên đất Nguyên Bình (ở độ cao 900 - 1.200m so với mực nước biển) có chất lượng cao, hơn hẳn các nơi khác. Kết hợp với sự khéo léo và kinh nghiệm của những người làm, đã tạo nên những sợi miến bóng đẹp, dai, giòn, có hương thơm đặc trưng của bột dong mà không hề sử dụng hóa chất. Bát canh miến Nguyên Bình có thể không cần thịt, không cần nhiều gia vị, nhưng hương vị khó nơi nào sánh kịp.
Củ dong riềng bắt đầu được trồng từ tháng 2, tháng 3 âm lịch. Đến khoảng tháng 10, 11 thì được thu hoạch. Quy trình làm miến đòi hỏi từng công đoạn cầu kỳ, tỉ mỉ, ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Để có sợi miến ngon, người sản xuất phải chọn loại dong củ to, đều và già. Dong được cắt rễ, rửa sạch rồi cho vào nghiền nát, lọc bỏ bã để lấy tinh bột. Lọc bột nhiều lần cho đến khi đạt độ trắng cần thiết, quá trình lọc sạn cát và tạp chất ra khỏi bột là khâu rất quan trọng. Ông Long Đức Bình (tổ 10, thị trấn Tĩnh Túc), người đã có nhiều năm kinh nghiệm làm miến, "bật mí": Miến có ngon hay không còn phụ thuộc vào bí quyết pha chế tỷ lệ nước khi đun bột. Bột được đổ vào trong nước có tỷ lệ 90 - 93% nước sôi và 7 - 10 % nước lã, khoắng đến khi bột chín, sánh, cho vào khuôn ép thành sợi miến, rồi dàn miến ra phên đem phơi. Ngoài yếu tố nguyên liệu và kỹ thuật chế biến, chất lượng và độ đẹp của miến còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Ngày nắng đều và không gắt là thời điểm phơi miến đẹp nhất. Miến sau khi phơi kỹ sẽ được bó thành các bó miến nhỏ và mang đi tiêu thụ.