Thông tin thêm về Tứ đại mỹ nhân Trung Quốc - Dương Ngọc Hoàn Nữ giới là phong cảnh của loài người, còn người đẹp là bông hoa của phong cảnh. Một dân tộc không có người đẹp thì đó chỉ là thế giới hoang vu, nhưng có người đẹp mà lại không biết thương yêu che chở thì lại chính là man rợ. Ở Âu châu, người đẹp Helen là nguyên nhân gây nên cuộc chiến tranh thế kỉ giữa Athens và thành Troy; còn người đẹp Venus đã dùng cách chặt đứt một cánh tay để cho giấc mộng yêu cái đẹp của bao nhiêu thời đại và bao nhiêu quốc gia được trở thành hoàn mỹ. Riêng tại Trung Quốc, thi nhân thời đại Xuân Thu đã từng nhiệt liệt ca ngợi cái đẹp: Tay nõn nà như mầm non cỏ tranh; Da trắng mịn như mỡ đông; răng đều đặn như hạt bầu, Đầu tròn trịa như đầu ve sầu,lông mày cong như mày con ngài; Cười duyên đẹp thay, mắt liếc tình thay! Đó là bài thơ “Thạc Nhân” (Người Đẹp) trong Vệ Phong ( Kinh Thi) mà Khổng Tử kiên quết đòi xoá bỏ, vì cho đó là loại thi ca mang tinh chất dâm ô. Nhưng rồi xuất phát từ công tâm, Khổng phu tử cuối cùng đã đi gặp Nam Tử, cho dù ông đã từng thề với Tử Lộ như thế nào đó, vì nếu không làm như vậy thì “trời sẽ ghét bỏ” (Thiên yếm chi, thiên yếm chi!). Thế là kể từ đó trở đi, thi phú ca ngợi cái đẹp của người phụ nữ được ngâm nga khắp mọi nơi không bao giờ chấm dứt. Đào Uyên Minh bằng long biến thành cổ áo, thành thắt lưng, thành phấn đen tô mắt , thành gối nằm, thành giày mang, hoặc thành cây nến để luôn luôn được gần kề mỹ nhân. Lý Thái Bạch cũng từng viết những câu thơ hay như: “Hoa đẹp hai lần nghiêng thành đó, luôn được quân vương nhìn mỉm cười” (Danh hoa khuynh thành lưỡng tương thứ, trường dắc quân vương đới tiếu khan). Đáng tự hào hơn cả là bốn hạt minh châu trong vô số những mỹ nhân suốt mấy nghìn năm qua của nước Trung Quốc: Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền, Dương Ngọc Hoàn. Mọi người đã dùng những lồi lẽ như cá lặn chim sa, nguyệt thẹn hoa nhường để hình dung cái đẹp của họ. Ngay đến các loài động vật, thực vật và cả mặt trăng trên trời cũng không dám nhìn thẳng vào cái đẹp kiêu sa của họ, mà phải dùng mây che mặt, thẹn thùng không thốt nên lời! Tây Thi – cô gái vùng Giang Nam nầy là tinh anh của nước, là một đoá hoa đẹp còn ngậm sương. Nàng giống như một chiếc cầu vồng ngũ sắc, xuất hiện trên bầu trời đời Xuân Thu, phá tan bầu không khí âm u lâu dài trong lịch sử, tô điểm rực rỡ cho cả thời đại, đồng thời, cũng đã làm cho những tên tuổi vốn đã xán lạn như Phạm Lãi, Câu Tiễn, Phù Sai, Ngũ Tử Tư, Văn Chủng lại càng thêm xán lạn loá mắt như những vì sao trên trời. Vương Chiêu Quân xem khinh tệ đút lót hối lộ, xem khinh những con người hồ đồ ngu xuẩn, cũng như xem khinh việc a dua nịnh bợ, tự nguyện đi lấy chồng người Hung Nô ở tận xứ xa, dể cho tuổi thanh xuân và sắc đẹp của mình có dịp toả ra một thứ hào quang khác thường. Nàng cũng giống như một nguồn ánh sáng, vừa bước chân đến vung sa mạc mênh mông, là cả thảo nguyên liền vì nàng mà bốc cháy, và cả núi sông ở đây cũng phải xao động để nghêng đón nàng. Ngay đến con chim nhạn đang bay trên trời cũng không dám tự kiêu, bằng lòng rơi xuống mặt đất để tỏ lòng kính mộ sắc đẹp của nàng. Điêu thuyền là một vầng ánh sáng mê ly, lập loè giữa giáo gươm khói lửa đời Tam Quốc. Nàng là tiên nga trong cung trăng, xinh đẹp và trong trắng không nhiễm bụi trần. Điêu Thuyền yêu anh hùng và cũng làm anh hùng phải khuất phục: Sự kình chống nhau giữa bọn người vì danh lợi như Đổng Trác, Lữ Bố, Viên Thuật… đã liên tiếp làm cho nàng thất vọng, và cuối cùng nàng phải chọn lựa một người anh hùng chân chính – thanh gươm. Dương Ngọc Hoàn là một nụ mẫu đơn chưa nở hẳn, là một người đẹp cao sang mê hồn. Đường Huyền Tông, một nhà vua anh hùng đã si mê nàng, đã run rẩy và bốc cháy trước nàng. Họ đã mê say nhau trong sự dung hoà giữa xác thịt và tâm linh, họ đã sống lại mối tình thời trẻ tuổi. Trên vũ đài của nước Đại Đường, hoàng đế Lý Long Cơ đánh trống, thi nhân Lý Bạch viết lời ca, nhạc sĩ Lý Quy Niên tấu nhạc, Dương Ngọc Hoàn tự múa “khúc nghê thường vũ y”. Tứ đại mỹ nhân cổ điển của nước Trung Quốc đã tô điểm thêm hào quang cho người đẹp nghìn năm ở phương Đông. Mặt trời, mặt trăng, các vì sao trên bầu trời cũng như tất cả núi, sông, hồ, biển, tất cả anh hùng hào kiệt, tất cả hoa lá chim muông đều xoay quanh họ mà nhảy múa. Người đẹp không già, vì cái đẹp không bao giờ già, Người đẹp không chết vì cái đẹp không bao giờ biến mất! Tây Thi và Phạm Lãi cùng bơi một chiếc thuyền con lẩn trốn vào khói sóng của Thái Hồ; Vương Chiêu Quân ôm cầm ra đi; Điêu Thuyền dùng gươm tự tận để hương hồn bay trở về cung trăng; còn hồn thiêng của Dương Ngọc Hoàn đã từ cây lê bay vèo qua biển. Những mỹ nhân đó luôn luôn trẻ đẹp, mỹ miều, như chiếc cầu vông ngũ sắc trên bầu trời cao,như ánh trăng huyền diệu trong nhân thế. Sắc đẹp của họ đã hoá thành một luồng gió thơm tồn tại mãi mãi từ đời này sang đời khác trên đất nước Trung Quốc. Những người phụ nữ lưu danh trong sử sách là những liệt nữ , là những chinh phụ, là những thiếu nữ, là những phụ nữ có tài, là những vị nữ hoàng, hoàng hậu, công chúa, và những bậc hiền mẫu hoặc kể cả những người đàn bà bị xem là mầm mống của tai hoạ như Bao Tự, Muội Hỷ, nhưng riêng các cô gai đẹp thì bao giờ cũng sống mãi trong lòng của mọi người. Cho nên truyền thuyết trong dân gian về Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền và Dương Ngọc Hoàn thì cũng giống như những đoá hoa xuân đếm không bao giờ hết. Mọi người đã dung cái tên đẹp đẽ của họ để đặt tên cho tất cả những thứ gì xinh đẹp nhất trong đời: cá Tât Thi, cúc Quý Phi, mũ Điêu Thuyền, nón Chiêu Quân… Các sử quan không chịu dành một trang sư nào cho họ, trong khi truyền thuyết trong dân gian lại vụn vặt manh mún, cho nên Kim Tư Đốn phải dùng bút pháp tiểu thuyết lịch sử để làm sống lại linh hồn của những người đẹp phương Đông này, cũng như tái hiện lại nét thanh xuân , tình yêu và phong thái của họ qua bộ truyện “ Trung Quốc Tứ Đại Mỹ Nhân”, vì: Người đẹp không chết, vì cái đẹp không bao giờ biến mất! Kim Tư Đốn, tác giả của quyển sách này là một nhà văn trẻ, có tài hoa nghệ thuật và có trí tưởng tượng phong phú. Góp sức vào việc xây dựng quyển sách này còn có một số nhà văn trẻ khác như Quách Bửu Lượng, Dương Bằng, Trịnh Dũng, Triệu Kim Khánh. người sách hoạch tổng thể là Thư Lâm, người chịu trách nhiệm biên tập là Dật Văn, Mục Nguyên, đều là những người đã góp phần một cách tế nhị và có tính chất quyết định.
|