Hiện trạng ban đầu: Đất trống ven sông
Phương án thi công: Xây mới
Số tầng lầu: Trệt, gác
Số phòng: 1 sân, 1 khách, 1 bếp, 3 phòng ngủ, 2 WC, 1 phòng thờ, 2 giếng trời...
Nhà nằm ven sông, hướng Đông, sáng ra nắng tràn vô nhà xua tan sương lạnh và làm hồng đôi má em bé chưa đầy 1 năm tuổi mà cô giúp việc sớm sớm vẫn đẩy nôi ra phơi nắng. Chủ nhà không hoài cổ, thậm chí còn rất tân thời với công việc chính hàng ngày là làm văn phòng, suốt ngày Word Excel với Microsoft.
Nhưng, hình ảnh mái nhà với những hàng ngói ta chạy dài, những hàng gạch trần không áo màu cam vẫn cứ ám ảnh cô, mời gọi cô về với ký ức quê thao thiết. Và hình như, bây giờ, truyền thống đang là giá trị khiến nhiều con người trẻ tìm về, nâng niu, hòa quyện. Thị trường có vẻ cũng vậy. Mình đi nhậu, mấy em chân dài thơm phức đứng bên nhưng mắt thì cứ dán lên mái nhà. Hồi này, người ta đang xính ngói. Ngói Đồng Nai, khoảng 8.000 đồng 1 viên, xe chở hàng phải chạy chậm, xóc ổ voi ổ gà coi như vựa vật liệu xây dựng méo mồm. Hôm lợp mái, cả phó giám đốc lẫn đội trưởng đội thi công đều leo lên. Có lẽ vì phấn khích. Lâu lắm rồi, họ mới thấy nhiều ngói như vậy. Y hệt quê nhà.
Khi nhờ thiết kế và thi công, anh chồng mới vô tình cho biết mình đang đi học lái xe. Suy đoán đã đi học, sẽ có xe hơi. Đã có xe hơi thì phải có gara. Trong khi cô thì cứ khăng khăng phải thiết kế làm sao phải có khoảng sân to đùng trước nhà để… phơi quần áo. Một nhu cầu “rất đàn bà” và dễ thương nhưng không thể nghe theo bởi lãng phí diện tích và mất thẩm mỹ.
Không phải là thuyết phục mà chúng tôi đưa ra ngay điều kiện của mình: Sẽ nhận lời thiết kế nhưng nhà phải có chỗ đậu xe hơi. Bởi cái cảnh có xe hơi mà phải đi bộ gửi xe là “nhục vô cùng” mà nhiều chủ nhà trước đây đã không lường trước. Vậy nên, trong bản thiết kế này, tạm thời, khi chưa có xe thì “gara” sẽ làm phận sự của phòng khách. Dưới đó một bậc cấp là khu để xe máy, sau đó trở ra phía ngoài mới là một khoảng sân nhỏ. Nhà Nhỏ Đẹp “tính toán” đến mức hỏi anh chồng thích mua xe gì? Anh bảo, thích thì thích 7 chỗ nhưng điều kiện trước mắt chỉ mua được 4 chỗ thôi.
OK. Vậy là trước mắt phòng khách và nhà để xe máy sẽ được thiết kế liên thông, chỉ bị ngăn bằng một bậc cấp thấp với tổng chiều dài gần 6 mét, thừa sức cho một “con” Innova chui vô lọt. Khi đã có xe hơi, phòng khách sẽ “di chuyển” ra phòng ngủ 1 sát mặt tiền, nơi mà chủ nhà rất thích vì đã đặt được bàn thờ đúng hướng và rất tôn nghiêm, trang trọng.
Vốn đã ở nhiều chung cư, chủ nhà rất thích sự gần gũi trong không gian nối liên tiếp giữa các phòng, phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách… Cho nên, đặc biệt dị ứng với kiểu thiết kế “cầu thang giữa nhà, hai phòng hai bên cầu thang” và bị nâng lên thành vài “tấm”. Cô bảo, cho con cái lên phòng riêng biệt như thế không hề an tâm, sợ thiếu an toàn và không quản lý được con xem tivi, lên mạng internet. Quan trọng, con người như bị nhốt trong những chiếc hộp riêng biệt, rất khó chia sẻ và gần gũi với nhau. Và làm như vậy, sẽ rất… tốn tiền.
Nên, trong thiết kế này, một lối đi dài xuyên suốt từ trước đã được thiết lập, phân chia rõ ràng hai không gian “tĩnh và động”. Về phần “tĩnh”, đó là 3 phòng ngủ liên tiếp nhau theo hướng bên trái ngôi nhà. Phần động là không gian nhà để xe phòng khách, phòng ăn, sân sau. Riêng biệt, nhưng lại kín đáo, các không gian liên hòan và rất chia sẻ.
Yếu điểm lớn nhất của các căn hộ chung cư cũng được khắc phục và phát triển: Nhờ ô giếng trời ở giữa nhà, hơi thở thiên nhiên đã lùa vô được cả 2 phòng ngủ ở giữa, làm cho nhà có 3 phòng ngủ thì phòng nào cũng có cửa sổ đón được ánh sáng mặt trời. Sân sau, lại một ô giếng trời nữa, vừa để phơi quần áo, để máy giặt, vừa là “cái bếp” lộ thiên để cho mỗi ngày cuối tuần, chị vợ lại có thể mang nhưng thứ đồ ăn “tanh tanh” ra đó ngồi, rửa và “chặt chém” mà không sợ văng ra những vẩy cá, xương thịt…
Nhà chỉ hơn 100 mét vuông và không có “tấm” nào cả. Nhưng có 1 gara, 3 sân vườn kiêm giếng trời, 3 phòng ngủ, 2 toalét. Cô cứ hỏi tại sao các anh lại xoay xở và “sáng tác” được trong một diện tích nhỏ như thế. Chẳng biết sao mà trả lời. Lựa lời mà nói chúng tôi đã từng ở nhiều chung cư nên thấu hiểu...
Cái khó thường ló cái khôn. Một giải pháp đưa ra mà cả chủ nhà lẫn thiết kế, thi công đều hài lòng thì như vậy đã đạt được sự hài hòa trong phong thủy rồi. Sau này, nhiều bạn bè đến chơi, cứ hỏi nếu diện tích nhỏ hơn có “làm y chang” được như vậy không. Chủ nhà chỉ biết cười như hoa nở còn chúng tôi lại phải thức thêm những đêm dài để vắt óc suy nghĩ…
Nhà làm không mắc, không rẻ. Với những vật liệu hầu như có sẵn ngoài thị trường. Nhưng mà có gu. Thợ lành nghề nên đường nét sắc sảo. Gần sông, nhưng bảo hành 20 năm không lún (đó là mấy ông thợ tếu táo nói vậy, hihi, mình thì không). Lâu nay, người ta cứ tưởng lợp ngói thì nóng. Mình không nghĩ vậy. Mái nhà chẳng mất một xu đóng trần thạch cao chìm - nổi gì cả. Cũng chẳng mất dây điện đi âm đi ngầm. Hơi nóng, cứ theo những khe ngói mà bốc lên. Mái nhà cao gần 9m, trưa nằm không cần bật quạt.
Nhà lợp ngói ta. Nhìn ngoài ai cũng tưởng nóng. Nhưng hàng xóm cứ đòi đến chơi hoài. Nói nhà này... kỳ kỳ.
Nhưng mà đẹp...