Hoa Mộc hay cây mộc, mộc tê, quế hoa (tên khoa học: Osmanthus fragrans) là loài thực vật bản địa của châu Á, từ đông Himalaya đến Hoa Nam (Quý Châu, Tứ Xuyên, Vân Nam), Đài Loan, nam Nhật Bản.
Hoa Mộc là cây bụi hoặc cây gỗ nhỏ, thường xanh, có thể cao 3–12 m. Lá dài 7–15 cm và rộng 2,6–5 cm. Hoa màu trắng, vàng nhạt, vàng hoặc vàng cam, dài khoảng 1 cm, mùi thơm mạnh. Quả màu tím đen, dài 10–15 mm, chín vào mùa xuân, khoảng sáu tháng sau khi hoa nở
Hoa mộc chữa hôi miệng, đau răng
Cây hoa mộc thường được trồng ở các vườn cảnh, đặc biệt trong các đền chùa danh thắng. Cây hoa mộc dùng để ướp trà uống rất thơm, là loại cây giàu dược tính nên được sử dụng hoa, quả, rễ, vỏ thân để làm thuốc chữa bệnh.
Đông y cho rằng, Hoa Mộc có vị cay, tính ấm, có tác dụng tán hàn phá kết, hoá đàm, chữa đau răng, ho nhiều đờm, kinh bế, đau bụng. Còn quả mộc có vị cay ngọt, tính ấm, có tác dụng tán hàn, bình can, ích thận, chữa đau dạ dày do hư hàn. Rễ cây mộc có vị ngọt, hơi chát, tính bình, tác dụng khử phong, chỉ thống, chữa phong tê thấp, đau gân cốt, đau lưng, thận hư, đau răng...
* Chữa hôi miệng, đau răng: Dùng 2 - 3g hoa mộc sắc hoặc ngâm với rượu, lấy nước thuốc ngậm và súc miệng nhiều lần trong ngày.
* Chữa viêm họng, ho nhiều đờm: Dùng 2 - 3g hoa mộc đem hãm hay ngâm rượu hoặc sắc rồi uống hay ngậm và khò họng, ngày dùng 2 - 3 lần.
* Chữa loét miệng: Lấy 3 - 5 hoa mộc, phơi khô trong râm, tán thành bột mịn rồi lấy bột này rắc vào nơi miệng loét ngày vài lần sẽ khỏi.