SỰ BỔ DƯỠNG CỦA YẾN SÀO
Yến sào - tổ của loài chim yến, là nguồn tài nguyên quí hiếm, là loại thực phẩm cao cấp có nhiều chất bổ dưỡng, từng được dùng trong bữa yến tiệc của vua chúa thời phong kiến. Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, yến sào là hợp chất bao gồm 2 yếu tố chính: glyco và protein. Phần glyco bao gồm 7 loại, cơ thể dễ hấp thụ. Phần protein có chứa nhiều acid amin không thay thế, mà cơ thể không tổng hợp được.
Theo số liệu của Trung tâm Công nghệ Sinh học Đại học Thủy sản và Viện Công nghệ sinh học thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và công nghệ quốc gia, trong thành phần yến sào có 18 loại acid amin, một số có hàm lượng rất cao như Aspartic acid, Serine, Tyrosine, Phenylalanine, Valine, Arginine, Leucine, ... Đặc biệt, acid syalic với hàm lượng 8,6% và Tyrosine là những chất có tác dụng phục hồi nhanh chóng các tổn thương khi bị nhiễm xạ hay chất độc hại, kích thích sinh trưởng hồng cầu. Ngoài ra, yến sào có cấu trúc glucoprotein, có năng lượng cao, cơ thể dễ hấp thụ. Các nguyên tố đa, vi lượng trong yến sào rất phong phú, có đến 31 nguyên tố xuất hiện bằng phương pháp huỳnh quang tia X, rất giàu Ca và Fe là các khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Các nguyên tố có ích cho ổn định thần kinh trí nhớ như Mn, Br, Cu, Zn cũng có hàm lượng cao. Một số nguyên tố hiếm tuy với hàm lượng thấp, nhưng rất quý giá trong kích thích tăng tiêu hóa hấp thụ qua màng ruột như Cr, chống lão hóa, chống chất phóng xạ như Se. Qua đó chúng ta càng không ngạc nhiên về giá trị dinh dưỡng cao và quý giá của yến sào. Yến sào có tác dụng làm sạch phổi và các cơ quan hô hấp, làm giảm bệnh cúm và các triệu chứng dị ứng, làm tăng thể trọng, cân bằng các quá trình trao đổi chất trong cơ thể, tăng cường khả năng hoạt động thể lực và phản xạ thần kinh, bổ đối với hệ huyết học, làm tăng số lượng hồng cầu, huyết sắc tố, giảm thời gian đông máu, tăng cường các kích thích sinh trưởng cho các tế bào, phục hồi các tế bào bị thương tổn, chống lão hóa, hồi xuân, tăng tuổi thọ. Gần đây, khi nghiên cứu tác dụng của yến sào trong trường hợp cơ thể bị nhiễm chất độc hại, người ta nhận thấy yến sào hạn chế mức độ sút cân, phục hồi sức khoẻ nhanh , ổn định các chỉ tiêu huyết học. Người ta cũng đang nghiên cứu dùng yến sào điều trị các bệnh ung thư và HIV/AIDS vì phát hiện có một số hoạt chất sinh học kích thích sinh trưởng tế bào bạch cầu ngoại biên trong yến sào.
Có thể nói rằng, khi ăn món yến sào, thưởng thức được hương vị đặc trưng và bổ dưỡng của yến, người ta sẽ cảm thấy tự hào vì đã nếm được một trong những tinh hoa của trời đất, tạo vật.
CÁCH CHẾ BIẾN TỔ YẾN
Nên làm từng ít một khoảng một hai tai yến mỗi lần. Thả ngâm tai yến ngập trong một tô nước sôi nhỏ. Chuẩn bị một cái nhíp (kẹp gắp nhỏ). Đậy kín, để qua nửa giờ hoặc hơn tùy chất lượng, độ dày mỏng của miếng yến. Tai yến sẽ nở mềm ra, rất dễ dùng nhíp gở tổ yến ra thành từng dề mỏng hoặc từng sợi. Những vụn rêu, bụi, những sợi lông yến nhỏ li ti sẽ rơi ra trong nước.
Dùng nhíp kẹp nhúng rửa từng ít một cho thật sạch như bạn đang tháo một cái đồng hồ đeo tay vậy (đây là thao tác cần kiên nhẫn và tỉ mỉ mà ngay trong những cơ sở sản xuất quy mô, hàng trăm công nhân cũng phải ngồi làm như thế, từng chút một bằng tay rồi sau đó sấy khô lại chứ không có một máy móc nào cả).
Đừng ngâm lâu quá, yến sẽ tan đi phần nào, đừng quên đây là món ăn đắt như vàng đúng nghĩa. Nếu chất lượng yến quá kém như nhiều tạp chất bụi bẩn, lông nhỏ thì thay tô nước nóng sạch khác. Sau khi ngâm rửa, nếu yến loại tốt, sạch thì có thể còn dạng miếng lớn còn không thì ở dạng sợi sắc trong, nhìn giống như sợi rau câu, nở lớn gấp ba bốn lần dạng sợi ban đầu. Nhấm thử qua sẽ thấy vị lạt, không mùi nhưng nếu ngậm hẳn một nhúm nhỏ khoảng trong miệng qua mươi phút, mới thấy có vị ngọt rất nhẹ, hơi hơi thoảng mùi biển, miệng sẽ trở nên rất sạch và có cảm giác mát rất lạ. Hãy ghi nhớ lại mùi vị này và dùng làm chuẩn về sau để so sánh hàng thật giả tại vì sau khi nấu yến chung với các loại thực phẩm khác, sẽ rất khó nhận ra vị yến sào.
CÁCH ĂN YẾN
Thứ nhất là món “yến thả” hay món “yến thả gà”, đây là món ăn mặn hay món khai vị trước khi ăn cỗ. Phải chọn gà giò hay gà mái tơ, cắt tiết, làm lông, mổ bụng, lấy sạch lòng, gan… rồi cho vào nồi nước đun “sủi tăm”; để lửa to quá thịt gà chín quắt, mất ngon. Khi thịt gà chín tới, vớt ra, xé từng miếng nhỏ. Đem sợi yến đã làm sạch (chừng nửa tổ), hấp cách thủy cho vừa chín tới (chừng 20-30 phút), rồi thả vào bát nhỏ (loại bát ăn chè), đặt gà xé phay lên trên, chan nước dùng thật trong, thật nóng… Đặt bát “yến thả” trên đĩa, rồi bưng lên dâng các cụ xơi khai vị.
Thứ hai là món chè yến. Đun nước đường kính, đổ lòng trắng trứng và vỏ trứng bóp vụn vào cho quyện lấy tạp chất trong nước đường, rồi dùng môi vớt ra. Như thế nước đường mới thật trong. Múc nước đường đun sôi ra bát nhỏ, thả yến đã hấp chín vào là được bát chè yến.
Thứ ba là món yến hấp đường phèn. Chọn loại đường phèn trong vắt, bỏ vào bát nhỏ, thả yến đã làm sạch lên trên (có khi cho thêm lát sâm) rồi hấp cách thủy cho chín.