Bạn làm gì trong phòng ngủ
Chúng ta bỏ ra 1/3 cuộc đời giữa các bức tường phòng ngủ. Mỗi ngày 8 giờ 55 phút nằm nhìn lên trần, nhưng chỉ ngủ 7 giờ rưỡi so với 9 giờ đầu thế kỷ 20. Sự tăng tốc trong lối sống đã lấy đi của chúng ta những đêm dài yên tĩnh...
Đó là kết quả từ cuộc điều tra của hãng sản xuất đồ gỗ nổi tiếng Ikea tại 27 quốc gia.
Theo đó, 3/4 số viên chức than phiền về chất lượng giấc ngủ để rồi lạm dụng thuốc an thần hay thuốc ngủ. Giáo sư Daimen Léger ở Bệnh viện Hotel-Dieu (Paris) nhận xét: “Thành công trong cuộc sống để làm gì nếu ta không thành công trong giấc ngủ”.
Tuy nhiên chúng ta đã thay đổi thói quen sống. Phòng ngủ trước đây phong kín cho giấc ngủ và sự riêng tư, nay đã dần mở ra cho các sinh hoạt khác: 48% dân Pháp đọc sách hay học trong phòng ngủ; 40% giải trí, xem tivi hay chơi đùa với con cái; 18% làm việc và 15% chơi video game. Vẫn còn 43% ân ái trong phòng ngủ.
“Phòng ngủ vẫn là một không gian thầm kín, riêng tư. Song nó dần trở thành phòng sinh hoạt chứ không đơn thuần để ngủ, một phần do sự phổ biến tivi và máy vi tính”, chuyên gia Francois Bellanger giải thích. Tất nhiên thiếu niên và sinh viên là những người ủng hộ hăng hái nhất cho các sinh hoạt mới đó. Trong không gian riêng, gần như là “vùng cấm”, từ lâu họ đã kết hợp giải trí, làm việc và ngủ.
Hiện có 40% số hộ ở Pháp có 2 tivi trong nhà, và chiếc thứ nhì đặt ở phòng ngủ (62%). Có 27% gia đình Pháp kết nối Internet, trong đó 17% ngồi lướt mạng từ phòng ngủ.
- 97% người Đức có đồng hồ báo thức. Một điều lạ là 28% người Pháp không có.
Cuộc sống hiện đại đã biến đổi cách bài trí phòng. Chỉ cần lật một catalogue của Ikea hay Redoute để khám phá ra 1001 cách xắp xếp những thiết bị đa phương tiện trong 9 m2 buồng ngủ. “Ngày nay người ta mua các vật dụng cho phòng ngủ dùng để thư giãn, làm việc và chất chứa”, Giám đốc Kinh doanh Christine Morin của Ikea cho biết. Mỗi năm doanh số bán các loại giường “tiết kiệm không gian” (có ngăn kéo, tủ nhỏ, bàn giấy...) tăng đều đặn 10%.
Phòng ốc của chúng ta ngày càng giống như phòng thượng hạng ở khách sạn, với những góc đọc sách và bàn giấy, do vậy người ta thường xuyên có cảm tưởng phải sắp xếp quá nhiều thứ vào những không gian nhỏ bé. Thực ra không phải vậy. Dù diện tích các phòng không thay đổi, nhưng chúng ta sống trong những ngôi nhà ngày càng rộng hơn. Và như nhà xã hội học Gérard Mernet đã viết: “Những thời gian khác nhau trong ngày ngày càng có ít tính chất riêng biệt. Như thế người ta có thể coi sóc công việc nhà tại nơi làm việc, và cũng có thể làm việc tại nhà hay trong kỳ cuối tuần. Người ta có thể xem tivi khi dùng bữa hoặc điện thoại trong lúc đi đường”. Sự lẫn lộn đó phản ảnh trong phòng ngủ của chúng ta. Tuy nhiên nó vẫn chưa đe dọa đến sự ưu tiên của chiếc giường ngủ, vật chủ yếu trong cuộc sống một khi thế giới hiện đại chưa loại bỏ giấc ngủ.
Đến 82% người Pháp thường đắp chăn, đó là thói quen bắt nguồn từ phương Bắc. Nhưng người Đức lại thích cuộn tròn trong chăn như một cái túi ngủ, và mỗi người có chăn riêng.
(Theo Ca m’intéresse)