Dưới đây là mô hình công ty chứng khoán ở một số nước trên thế giới.
Mô hình Mỹ.
Nét nổi bật của mô hình này là sự tách rời hoạt động của ngành ngân hàng và ngành chứng khoán. Đạo luật Glass-Steagall chỉ cho phép ngân hàng thương mại tiến hành chào bán các loại chứng khoán Chính phủ mới phát hành lần đầu nhưng cấm các tổ chức này bảo lãnh phát hành chứng khoán doanh nghiệp hoặc tham gia vào hoạt động môi giới.
Do thị phần các ngân hàng thương mại giảm xuống, năm 1997 Cục Dự trữ Liên bang đã áp dụng điều luật 20 của Đạo luật Glass-Steagall cho phép các công ty mẹ thuộc ngân hàng bảo lãnh phát hành một số chứng khoán nhất định.Và tới tháng 7/1988 Cục Dự trữ Liên bang tiến hành thí điểm công ty mẹ thuộc ngân hàng thương mại J.P Morgan được bảo lãnh phát hành trái phiếu công ty và bảo lãnh phát hành cổ phiếu, dần dần mở rộng cho phép đối với các ngân hàng thương mại khác.
Các tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh chứng khoán tại Mỹ bao gồm các ngân hàng đầu tư và các công ty môi giới. Việc thành lập các công ty chứng khoán được thực hiện theo chế độ đăng kí. Các công ty môi giới và tự doanh muốn tham gia kinh doanh chứng khoán chỉ cần đăng kí với SEC (Uỷ ban Giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ) và phải tham gia một tổ chức tự quản phù hợp (như NASD) hoặc xin trở thành một thành viên của Sở giao dịch.
Một tiêu chuẩn quan trọng mà công ty chứng khoán ở Mỹ phải tuân thủ là tiêu chuẩn về vốn. Mức vốn yêu cầu cho hoạt động kinh doanh được xác định bằng sự kết hợp giữa yêu cầu về vốn của pháp luật và mức vốn cần thiết của công ty. ở Mỹ không có sự phân biệt trong qui định giữa công ty chứng khoán trong nước và các tổ chức nước ngoài tham gia khinh doanh chứng khoán tại Mỹ.
Mô hình Nhật.
Trước đây, mô hình kinh doanh chứng khoán của Nhật là mô hình chuyên doanh, ngân hàng không được phép tham gia vào hoạt động kinh doanh chứng khoán. Theo Luật cải cách các định chế ban hành 4/1993, các tổ chức ngân hàng được phép tham gia vào thị trường chứng khoán thông qua các công ty chứng khoán con. Đồng thời các công ty chứng khoán lại được phép thành lập công ty con làm dịch vụ ngân hàng.
Kinh doanh chứng khoán Nhật Bản được chia thành 4 loại hình và mỗi loại hình lại có giấy phép kinh doanh riêng biệt, đó là nghiệp vụ: môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành, chào bán chứng khoán ( hay tham gia vào hệ thống bán lẻ các chứng khoán phát hành ra công chúng). Ngoài ra, các công ty chứng khoán chuyên doanh được phép cung cấp các dịch vụ khác liên quan tới chứng khoán như tư vấn đầu tư, làm đại lí thu tiền mua các trái phiếu phát hành ra công chúng, thanh toán gốc và lãi trái phiếu, đại lí trả lợi nhuận, mua lại hoặc huỷ từng phần tiền mua chứng chỉ quĩ đầu tư, lưu kí chứng khoán...
Công ty xin tham gia kinh doanh chứng khoán phải đáp ứng được các tiêu chuẩn:
Có nguồn tài chính lành mạnh.
Nhân sự phù hợp với hoạt động kinh doanh.
Chứng minh được việc xin tham gia kinh doanh chứng khoán là thiết thực đối với công ty.
Vốn điều lệ tối thiểu đối với công ty chứng khoán thay đổi tuỳ theo loại hình kinh doanh mà công ty đó tham gia:
Đối với các công ty không phải là thành viên của Sở giao dịch chứng khoán:
+ Tokyo hoặc Osaka SE : 300 triệu Yên.
+ Nagoya SE : 150 triệu Yên.
+ Các Sở khác : 100 triệu Yên.
Đối với các công ty không phải là thành viên: 100 triệu Yên.
Đối với công ty bảo lãnh phát hành:
+ Công ty tham gia 3 loại hình môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành: 10 tỷ Yên.
+ Công ty chuyên bảo lãnh phát hành hoặc là người quản lí cho tổ hợp bảo lãnh phát hành: 3 tỷ Yên.
+ Các loại hình khác: 500 triệu Yên.
Cho tới năm 1972 Nhật Bản mới cho phép công ty chứng khoán nước ngoài mở chi nhánh tại Nhật Bản. Theo luật hiện hành, các công ty chứng khoán nước ngoài khi mở chi nhánh tại Nhật Bản phải được sự cho phép của Bộ tài chính Nhật.
Mô hình Đức.
Các ngân hàng đa năng được tham gia vào tất cả các loại hình kinh doanh chứng khoán mà không phải chịu sự ràng buộc nào. Các ngân hàng thường tiến hành các nghiệp vụ tự doanh và môi giới các chứng khoán được phép giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán. Các thành viên của Sở giao dịch chứng khoán, ngoài các ngân hàng và tổ chức tín dụng, còn bao gồm những người được Nhà nước cử ra để lập giá và nhóm các nhà lập giá tự do. Số lượng các ngân hàng và người lập giá tự do không bị hạn chế, chỉ hạn chế số lượng người do Nhà nước đề cử để lập giá.
Chức năng của các thành viên này được thể hiện: chỉ có ngân hàng mới được nhận lệnh mua và bán chứng khoán của khách hàng rồi chuyển tới Sở giao dịch chứng khoán. Chi nhánh của các công ty chứng khoán nước ngoài tại Đức cũng phải có giấy phép kinh doanh chứng khoán với tư cách là một ngân hàng.
Người lập giá gồm có người lập giá tự do và người lập giá do Nhà nước đề cử. Nhiệm vụ của người lập giá do Nhà nước cử ra là xác định giá chính thức của chứng khoán trên cơ sở tình hình giao dịch thực tế ở Sở giao dịch. Người lập giá tự do là người trung gian môi giới các nghiệp vụ giao dịch giữa các ngân hàng khác với người lập giá tỷ giá do Nhà nước cử ra.
Mô hình tại một số nước Châu á điển hình.
Mô hình Hồng Kông.
ở mô hình này không có ; sự tách biệt giữa hai ngành chứng khoán và ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng đều tham gia kinh doanh chứng khoán thông qua công ty con của mình.
Công ty kinh doanh chứng khoán có thể tồn tại dưới bất cứ hình thức nào: cá thể, công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp doanh... khi tham gia kinh doanh chứng khoán, công ty chứng khoán chỉ cần đăng ký với Uỷ ban giao dịch chứng khoán. Mức vốn pháp định không được đặt ra, nhưng công ty chứng khoán phải duy trì mức vốn khả dụng theo quy định của pháp luật, chẳng hạn: công ty chứng khoán chỉ làm một nghiệp vụ môi giới chứng khoán, vốn khả dụng tối thiểu là 500.000 H$, đối với nhà kinh doanh chứng khoán tham gia hoạt động tự doanh vốn khả dụng tối thiểu đối với các pháp nhân (công ty) là 3.000.000 H$; đối với thể nhân là 500.000 H$; đối với công ty hợp danh, từng thành viên pháp nhân là 3.000.000 H$, thể nhân là 500.000 H$.
Hồng Kông không có quy định nào riêng biệt đối với các công ty chứng khoán nước ngoài kinh doanh trên thị trường và không có một sự phân biệt đối xử nào giữa các công ty trong nước và công ty nước ngoài.
Mô hình Malaysia.
Trước đây các nhà kinh doanh chứng khoán Malaysia có thể là các cá nhân, công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh... Từ 1986, các nhà quản lý cho phép ngân hàng thành lập công ty con kinh doanh chứng khoán. Các hoạt động nghiệp vụ chủ yếu bao gồm: môi giới, tự doanh và bảo lãnh phát hành.
Cũng như những thị trường mới nổi, Malaysia có các quy định hạn chế sự tham gia của nước ngoài. Công ty chứng khoán nước ngoài chỉ được phép tham gia kinh doanh chứng khoán dưới hình thức liên doanh với công ty chứng khoán trong nước. Tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài lúc đầu là 30%, sau đó là 49%. Do thị trường và quản lý còn nhiều bất cập nên trên thực tế chưa có công ty liên doanh nào nâng mức góp vốn trên 30%.
Mô hình Trung Quốc
Các công ty chứng khoán Trung Quốc là công ty TNHH hoặc công ty cổ phần được thành lập theo luật công ty. Các công ty chứng khoán được thành lập theo chế độ cấp phép. Cơ quan quản lý Nhà nước đảm nhiệm việc cấp phép là cơ quan giám quản chứng khoán thuộc Quốc vụ viện.
Các nghiệp vụ kinh doanh chính gồm: môi giới, bảo lãnh phát hành, tự doanh. Công ty chứng khoán gồm 2 loại: công ty môi giới chỉ thực hiện chức năng môi giới, công ty chứng khoán đa năng thực hiện đồng thời 3 nghiệp vụ.
Điều kiện thành lập công ty đa năng và công ty môi giới chứng khoán:
+ Về vốn: đối với công ty đa năng, vốn điều lệ tối thiểu là 500 triệu Nhân dân tệ, công ty môi giới là 50 triệu Nhân dân tệ
+ Những người điều hành và nhân viên nghiệp vụ phải có giấy phép hành nghề chứng khoán.
+ Phải có địa điểm kinh doanh cố định và thiết bị giao dịch đủ tiêu chuẩn.
+ Có chế độ quản lý hoàn chỉnh và có hệ thống kiểm tra nội bộ hoạt động tự doanh và môi giới chứng khoán hợp lý.