NƯỚC HÀ LAN VÀ BIỂN
Nước Hà Lan có một địa hình đặc biệt, vì phần lớn đất đai nằm trong vùng châu thổ sông Rhine và sông Maas và có những đai đất rộng lớn ở độ cao của ngay mực nước biển và thậm chí thấp hơn cả mực nước biển. Việc sinh sống ở gần những vùng mỗi ngày bị ngập hai lần, hoặc ở những vùng cao hơn thường bị đe dọa bởi những trận lụt bất thường là một điều khó khăn. Từ đầu thời kỳ Trung cổ, lãnh thổ này đã có người Flisian cư ngụ, sống bằng nghề nuôi gia cầm và buôn bán, vì đất đai ở đó không thể trồng được lúa mì. Chẳng bao lâu sau người Frisian đã xây dựng những quả đồi nhân tạo để lập các nông trại và làm chuồng ngựa, tránh những trận lụt lớn.
Khoảng năm 1000, nhiều ngọn đồi nhân tạo này đã được nối với nhau bằng những tường đất bao quanh một vùng khô ráo ngay cả khi khu vực chung quanh bị ngập lụt. Đó là những con đê đầu tiên. Sau đó nhiều con đê khác đã được xây dựng, cùng với những cối xay gió để hút nước ra khỏi khu vực bị ngập và những kênh đào để điều tiết luồng nước và làm đường giao thông. Những con đê này đôi khi còn được sử dụng vào những mục đích khác ngoài việc ngăn nước. Vào thời chiến, mặt đê là đường di chuyển thuận lợi cho kỵ binh, vốn bị nước ngăn trở.