Tài liệu: Hàn Quốc - Đô thị hóa

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Hàn Quốc là một trong những nước có mức độ đô thị hóa lớn nhất ở châu Á với 80% số dân sống trong các khu đô thị vào năm 2003, so với 65% ở Nhật Bản và chỉ 39% ở Trung Quốc.
Hàn Quốc - Đô thị hóa

Nội dung

Đô thị hóa

Hàn Quốc là một trong những nước có mức độ đô thị hóa lớn nhất ở châu Á với 80% số dân sống trong các khu đô thị vào năm 2003, so với 65% ở Nhật Bản và chỉ 39% ở Trung Quốc. Quá trình đô thị hóa của Hàn Quốc đã diễn ra rất nhanh chóng. Năm 1950, chỉ có 21% dân số sống ở các đô thị nhưng đến năm 1975, con số này tăng hơn hai lần, lên tới 48%. Quá trình này diễn ra đặc biệt nhanh vào những năm 1960. Hàng loạt kế hoạch kinh tế 5 năm (bắt đầu từ năm 1962) đã gia tăng nhanh chóng quá trình công nghiệp hóa và tạo ra hàng nghìn việc làm mới. Cùng thời gian này, dân số tăng cũng làm tăng sức ép về đất nông nghiệp, do đó nhiều người phải chọn giải pháp chuyển lên sống ở các thành phố. Trong những năm 70, dân di cư từ nông thôn lên thành thị chiếm tới 55% tỷ lệ tăng dân số ở các khu đô thị.

Trong các thập niên 60 và 70, Seoul và Busan là hai thành phố phải chịu nhiều sức ép nhất của đô thị hóa. Trong giai đoạn 1960-1980, tỷ lệ tăng dân số của hai thành phố này là 350% và 270%. Tốc độ tăng này chậm lại vào những năm 1980 và từ những năm 1990, dân số đã giảm ở cả Seoul và Busan. Sự suy giảm này có thể được giải thích do sự phát triển của các thị trấn và thành phố vệ tinh. Các thị trấn và thành phố này phát triển là do đất ở các thành phố chính trở nên chật chội và giá nhà ở cao đã khiến dân nhập cư không thể sống ở đó được. Tại các thị trấn và thành phố vệ tinh này, chỗ ở rẻ hơn và chúng được nối với các thành phố lớn bằng đường sắt và xe buýt. Chẳng hạn, Inchon và Suwon đã trở thành những thành phố vệ tinh quan trọng của Seoul và có số dân tăng gấp đôi kể từ năm 1985.

Tái phân bố dân cư

Từ cuối những năm 1980, người dân Seoul dần dần rời khỏi thành phố, tuy nhiên hầu như họ chỉ chuyển sang các khu vực xung quanh. Kết quả, dân số Hàn Quốc vẫn trong tình trạng cực kỳ mất cân đối với gần nửa số dân sống ở thủ đô Seoul. Khu vực này ngày nay đã được mở rộng ra khoảng 40-50 km tính từ trung tâm Seoul. Từ cuối thập niên 70, chính phủ đã cố gắng khuyến khích quá trình đưa dân cư ra khỏi khu vực Seoul, nhưng nói chung đã không thành công lắm. Một số khu liên hợp công nghiệp mới, ví dụ các nhà máy sản xuất thép ở Pohang hay các nhà máy hóa chất ở Ulsan đã thành công trong việc thu hút khá nhiều người dân chuyển tới vùng đông nam Hàn Quốc. Thành phố cảng công nghiệp Busan cũng nằm ở vùng này. Khoảng 30% dân số Hàn Quốc hiện sống ở khu đô thị phía đông nam. Khu đô thị bao quanh Seoul vẫn đang tiếp tục phát triển, tuy nhiên, chính phủ cần phải hành động nhiều hơn nếu muốn thu hút người dân đến định cư ở các thủ phủ các tỉnh khác.

Thành phố New Songdo

Khoảng 64 kilômét về phía Nam Seoul là một thành phố công nghiệp công nghệ cao mới, với diện tích trên 600 hécta đất lấn được của biển Hoàng Hải. Đến khoảng năm 2015, ở Songdo sẽ có các công ty quốc tế lớn, một trung tâm hội nghị, cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu giải trí, bán lẻ và nhà ở cho khoảng 200.000 người. Do gần với sân bay quốc tế Incheon (cửa ngõ chính tới Hàn Quốc) và hệ thống cơ sở vật chất cảng biển đã được nâng cấp, Songdo sẽ trở thành một trung tâm đô thị mới trong thế kỷ 21.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2827-02-633547558104227500/Dan-cu-va-cac-bien-dong/Do-thi-hoa.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận