Cảnh quan thiên nhiên và khí hậu
Lục địa nước Mỹ (không bao gồm Alaska) có thể được chia thành ba khu chính: khu vực núi phía Tây, cao nguyên phía Đông và khu vực đồng bằng rộng lớn trung tâm. Phía Tây có rặng núi Rocky gồm một số ngọn núi cao trên 4.270m. Đồng bằng Lớn trong lục địa chủ yếu nằm dưới độ cao 400m. Phía Đông là cả một hệ thống núi Appalachy, trong đó có cả dãy núi Blue Ridge. Đồng bằng ven biển trải dài xuống phía Đông nước Mỹ và bao quanh Vịnh Mêhicô, bao gồm vùng châu thổ sông Mississippi. Phần lớn đường bờ biển phía Đông và Nam đều thấp, với nhiều hòn đảo và mũi đất làm rào chắn.
Núi lửa St Helen phun trào
St Helen là ngọn núi lửa trong dãy núi Cascade. Tại đây, địa tầng Juan de Fuca bị hút phía dưới địa tầng Bắc Mỹ. Tháng 4 năm 1980, cạnh Bắc của ngọn núi lửa đột ngột phình ra. Ngày 18 tháng 5, một trận động đất 5,0 độ Richter đã gây sạt lở đất. Sau đó vài giây xảy ra tiếp vụ nổ khí và hơi khủng khiếp, từ ngọn núi lửa bốc lên một đám bụi khổng lồ. Cả một khu vực với diện tích hơn 500km2 đã bị tàn phá, với nhiều khu rừng bị san phẳng còn trên mặt đất phủ kín một lớp tro tàn. Mặc dù việc núi Lửa hoạt động sẽ tàn phá cuộc sống của động thực vật ngay tức thời nhưng đồng thời nó cũng mang đến những nguồn dinh dưỡng mới cho đất và theo thời gian, sẽ có lợi cho đất tại khu vực có núi lửa phun trào.
Các dãy núi đá trải dọc sát bờ biển phía Tây và Alaska tạo nên những nét địa hình nổi bật như mũi núi, đường vòng cung và đỉnh núi đá cao. Khu vực này liên tục bị thay đổi bởi sức gió và sức nước, ngoài ra dưới mặt đất còn có các lực tác động khác. Dọc theo cạnh Tây của nước Mỹ, có một số đường biên giới địa tầng.
Những đường biên giới này làm nổi rõ các đường viền của những địa tầng lớn tạo nên bề mặt trái đất. Sức nóng khủng khiếp trong lòng trái đất tạo nên những dòng đối lưu lớn, làm dịch chuyển các địa tầng về phía trước, đẩy ra xa hoặc lùi lại phía sau tùy thuộc vào hướng của dòng.
Trận động đất ở Northridge
Ở bang California, địa tầng Bắc Mỹ và Thái Bình Dương dịch chuyển bên cạnh nhau trong Hệ thống San Andreas Fault (khu vực đứt gãy về địa chất). Dọc theo một số nơi, do va chạm nên hai địa tầng này chặn nhau lại làm áp suất tăng lên cho đến khi một địa tầng đột ngột di chuyển về phía trước, gây ra động đất.
Ngày 17 tháng 1 năm 1994, một trận động đất 6,7 độ Richter đã xảy ra tại một vùng ngoại ô rất đông dân cư ở Northridge, Los Angeles. Mặc dù chính quyền bang California đã phải rất tốn kém khi đầu tư xây dựng các tòa nhà có khả năng chịu được động đất, song thiệt hại vẫn rất lớn và cướp đi sinh mạng của 57 người. Thiệt hại lớn hơn so với dự tính vì tâm chấn nằm ngay bên dưới vùng ngoại ô này. Những tòa nhà bị hư hỏng khi trận động đất xảy ra toàn là những ngôi nhà cũ, không được thiết kế theo kiểu chịu động đất. Một dải đường cao tốc bị hỏng khi bê tông cốt sắt sụp xuống. Phần lớn số người thiệt mạng đều ở những khu vực này. Hiện tại các nhà chức trách đang cố gắng để gia cố các tòa nhà cũ bằng vật liệu chịu động đất, và đặt ra các quy tắc khắt khe hơn liên quan đến việc quản lý xây dựng đường cao tốc để phòng chống tốt hơn trước sự dịch chuyển của các địa tầng có thể xảy ra trong tương lai.