THỜI KỲ TRUNG CỔ
Năm 476 trước Công nguyên, hoàng đế La Mã bị Odoacer, thủ lĩnh người Đức, tấn công và truất ngôi. Đến năm 488 vua xứ Ostrogoths là Theodoric lại xâm lược Italia và truất phế Odoacer, lên làm vua xứ Italia. Theodoric cai trị đất nước này cho đến khi ông ta qua đời vào năm 526.
Năm 535, Justinian I, là hoàng đế của Đế quốc La Mã phía Đông đã đánh đuổi những người ngoại xâm khỏi Italia. Một trận chiến tàn khốc đã kết thúc vào năm 553 với cái chết của Teias, vị vua Gô-tích cuối cùng.
Nhưng đến năm 572 Italia lại bị Lombardy, một bộ tộc khác của Đức, xâm lăng. Thủ lĩnh của bộ tộc này là Alboin, đã lấy Pavia làm kinh đô. Lúc này, những người lãnh đạo tôn giáo quan trọng nhất ở đây là các tổng giám mục ở Ravenna.
XUNG ĐỘT TÔN GIÁO
Sau khi Alboin qua đời vào năm 572, Lombardy đã có một thời gian không có thủ lĩnh. Người Lombardy, theo một tín ngưỡng gọi là Arian, đã xung đột với người bản xứ ở Italia, vốn đa số theo đạo Cơ đốc chính thống. Cuối cùng, một vị vua mới của Lombardy là Agiluf, trị vì từ năm 590 đến 615, đã cải đạo sang Cơ đốc giáo; và từ đó đã làm dịu được tình hình trong một thời gian.
Đến năm 754, dưới sự lãnh đạo của Pepin the Short, người Franks đã tấn công người Lombardy, truất phế vị vua cuối cùng của bộ tộc này vào năm 774. Năm 800, Charlemangne, con trai của Pepin the Short, đã được Giáo hoàng Leo III phong làm hoàng đế phương Tây.
Khi người Saracens đe dọa thành phố Rome vào thế kỷ thứ 9, giáo hoàng Leo IV đã cầu viện vua Louis II, là cháu nội của Charlemagne. Trong nhiều năm sau đó, lịch sử Italia đã chứng kiến sự thăng giáng của rất nhiều vị vua. Tình trạng vô chính phủ chấm dứt vào năm 962, khi lãnh đạo của người Đức là Otto I, sau khi đã chiếm hữu phía Bắc Italia và ngai vàng của người Lombardy, đã được phong vương bởi giáo hoàng John XII. Sự kiện này được một số người coi là đánh dấu cho việc hình thành cả Đế quốc La Mã Thần thánh lẫn nước Đức.
GIÁO HOÀNG VÀ ĐẾ CHẾ LA MÃ THẦN THÁNH
Đến cuối thời kỳ Trung cổ, các hoàng đế của Đế chế La Mã Thần thánh đã thao túng quyền hành ở Italia. Nhưng bắt đầu từ thế kỷ 14, quyền lực của các hoàng đế chỉ còn là hư danh.
Trong khi đó, miền Nam Italia nằm dưới quyền cai trị của người Byzantine và người Lombardy. Tuy nhiên, đến thế kỷ 11 người Norman đã phá vỡ quyền lực của Byzantine và đánh đuổi người Lombardy. Người Norman hợp nhất những lãnh thổ họ đã thôn tính được vào năm 1127, cùng với Sicily vốn đã bị họ lấy từ Sacacen.
Những biến cố này trùng hợp với sự hồi phục của quyền lực giáo hoàng, và cuộc xung đột giữa đế quốc và giáo hoàng đã lên đến cao điểm. Sau đó hoàng đế đã phải nhượng bộ bằng cách công nhận quyền bầu giáo hoàng của các hồng y giáo chủ. Cùng với sự gia tăng ảnh hưởng của giáo hoàng, sự đối kháng mạnh mẽ với việc cai trị của các hoàng đế La Mã Thần thánh đã xuất hiện qua các cuộc nổi dậy tại những thành phố của Italia.
Những thành phố phía Bắc đã bất chấp sức mạnh của hoàng đế La Mã là Frederick I, người đã tiến hành với họ những cuộc chiến tàn khốc nhưng không đi đến kết cục rõ ràng. Cuối cùng, Liên minh Lombardy, đứng về phía đồng minh với các thành phố của Italia, đã hình thành. Frederick đã bị đánh bại ở Legnano năm 1176; và đến năm 1183, qua việc ký hòa ước Constance, những thành phố phía Bắc Italia đã giành lại được quyền tự trị.
Trong khi đó, năm 1266, miền Nam Italia và Sicily lại nằm được quyền thao túng của người Pháp. Đến năm 1282, Sicily đã vượt ra khỏi tròng áp bức của Pháp và tự đặt mình dưới quyền lực của Aragin.
CUỘC NỔI DẬY CỦA CÁC THÀNH PHỐ ĐỘC LẬP
Qua hoạt động thương mại, một số thành phố ở Bắc Italia đã trở nên phồn thịnh và thiết lập những chính quyền có khuynh hướng dân chủ. Những thương gia giàu có của những thành phố này chẳng bao lâu đã đứng lên đấu tranh với giới quý tộc có quyền lực. Dần dần, những người quý tộc đã bị tước đoạt hết quyền hành và từ bỏ việc sở hữu nhiều đất đai của họ.
Thành phố Venice đã sở hữu một phần lớn đất đai ở phía Đông Byzantine và phát triển thành một đế quốc thương mại. Pisa, Genoa, Milan và Florence cũng trở nên cường thịnh. Chẳng bao lâu, một cuộc đấu tranh gay gắt để giành thế lực giữa Genoa và Venice đã nổ ra. Cuộc xung đột này chấm dứt vào cuối thế kỷ 14 với thắng lợi về phía Venice.