Tài liệu: Khái niệm Tiền lương

Tài liệu
Đại Học Kinh Tế Quốc Dân

Tóm tắt nội dung

Khái niệm Tiền lương.
Khái niệm Tiền lương

Nội dung

Khái niệm Tiền lương

* Tiền lương

Theo quan niệm của các nhà kinh tế hiện đại: Tiền lương là giá cả của sức lao động, được xác định bởi quan hệ cung cầu trên thị trường lao động.

Ở Việt Nam, trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hoá tập trung, tiền lương được hiểu là một bộ phận thu nhập quốc dân dùng để bù đắp hao phí lao động tất yếu, do Nhà nước phân phối cho CNVC bằng hình thức tiền tệ, phù hợp với quy luật phân phối theo lao động. Hiện nay theo điều 55 Bộ Luật Lao động Việt Nam quy định tiền lương của người lao động là do hai bên thoả thuận trong hợp đồng lao động và được trả theo năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công việc, mức lương của người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định (là 290.000đ/tháng được thực hiện từ 11/2003).

Trong điều kiện của nền sản xuất hàng hoá nhiều thành phần hiện nay bản chất của tiền lương được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh của quá trình tái sản xuất. Sức lao động là yếu tố quyết định trong các yếu tố của quá trình sản xuất, nên tiền lương là vốn đầu tư ứng trước quan trọng nhất, là sự đầu tư cho sự phát triển và là một phạm trù sản xuất. Nó yêu cầu phải tính đúng, tính đủ trước khi thực hiện quá trình lao động và sản xuất. Sức lao động là hàng hoá nên tiền lương là phạm trù của trao đổi, nó đòi hỏi phải ngang giá với giá cả các tư liệu sinh hoạt cần thiết nhằm tái sản xuất sức lao động. Sức lao động là một yếu tố của quá trình sản xuất cần phải dựa trên hao phí lao động và hiệu quả lao động của người lao động để trả cho họ, do đó tiền lương là phạm trù của phân phối. Sức lao động cần phải được tái sản xuất thông qua việc sử dụng các tư liệu sinh hoạt cần thiết, thông qua quỹ tiêu dùng cá nhân, do đó tiền lương là một phạm trù của tiêu dùng. Như vậy, tiền lương là một phạm trù kinh tế tổng hợp quan trọng của nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần hiện nay. Về bản chất của tiền lương có thể nói là đòn bảy kinh tế mạnh mẽ, có tác dụng to lớn đến sản xuất, đời sống và các mặt khác của kinh tế xã hội.

Thu nhập của người lao động, ngoài tiền lương lao động còn được hưởng một số khoản khác như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các phúc lợi xã hội khác.

* Bảo hiểm xã hội (BHXH):

Quỹ BHXH được hình thành do trích lập và tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước. Theo quy định hiện hành hàng tháng đơn vị tiến hành trích lập quý BHXH theo tỷ lệ quy định trên tổng số tiền lương cấp bậc phải chi trả cho công nhân viên trong một tháng và phân bổ cho các đối tượng liên quan đến việc sử dụng lao động.

Người sử dụng lao động phải trích một tỷ lệ nhất định trên tổng số quỹ lương cấp bậc và tính vào chi phí sản xuất kinh doanh, còn một tỷ lệ do người lao động trực tiếp đóng góp và được khấu trừ vào thu nhập trực tiếp của họ ;.

Quỹ BHXH được thiết lập nhằm tạo ra nguồn tài trợ cho công nhân viên trong trường hợp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, nghỉ hưu. Theo chế độ hiện hành nguồn quỹ BHXH do cơ quan chuyên trách quản lý và chi trả các trường hợp nghỉ hữu, mất sức lao động, tai nạn, tử tuất, ở tại doanh nghiệp được phân cấp trực tiếp chi trả các trường hợp như ốm đau, thai sản và tổng hợp chi tiêu để quyết toán với cơ quan chuyên trách.

Việc hình thành nên quỹ BHXH còn do một số nguồn khác như các doanh nghiệp làm ăn phát đạt ủng hộ theo các chương trình xã hội, thành lập quỹ đền ơn đáp nghĩa. Việc trích lập quỹ BHXH là một việc làm cần thiết và nhân đạo, đây là một nội dung quan trọng của chính sách xã hội mà Nhà nước đảm bảo trước pháp luật cho mọi người dân nói chung và cho mỗi người lao động nói riêng.

* Bảo hiểm y tế (BHYT)

BHYT theo quy định của chế độ tài chính hiện hành gồm hai nguồn: một phần do doanh nghiệp gánh chịu được tính trách vào chi phí sản xuất kinh doanh hàng tháng theo tỷ lệ quy định trên tổng số tiền lương cấp bậc phải trả công nhân trong kỳ, một phần do người lao động gánh chịu được trừ vào tiền lương của công nhân viên. BHYT được nộp lên cơ quan chuyên môn, chuyên trách (dưới hình thức mua BHYT) để bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ công nhân viên.

BHYT thực chất là sự trợ cấp về y tế cho người lao động thamgia BHYT nhằm giúp họ một phần nào tiền khám chữa bệnh, tiền viện phí, thuốc thang. Mục đích của BHYT là lập một mạng lưới bảo vệ sức khỏe cho toàn cộng đồng không kể địa vị xã hội, thu nhập cao hay thấp, với khẩu hiệu "mình vì mọi người, mọi người vì mình".

* Kinh phí công đoàn (KPCĐ)

Công đoàn là một tổ chức đoàn thể đại diện cho người lao động nói lên tiếng nói chung của người lao động, đứng ra bảo vệ quyền lợi của mình đồng thời công đoàn cũng là người trực tiếp hướng dẫn, điều khiển thái độ của người lao động đối với công việc, với người sử dụng lao động.

KPCĐ được hình thành từ việc trích lập và tính vào chi phí sản xuất kinh doanh hàng tháng của đơn vị theo tỷ lệ nhất định trên tổng số tiền lương thực tế phải trả cho nhân viên trong kỳ. Số KPCĐ được phân cấp quản lý và chỉ tiêu theo chế độ, một phần nộp lên cơ quan quản lý công đoàn cấp trên và một phần để lại doanh nghiệp để chi tiêu cho hoạt động công đoàn cơ sở tại đơn vị.

Cùng với tiền lương và các khoản nộp theo lương: BHXH, BHYT, KPCĐ hợp thành một khoản chi phí về lao động sống trong tổng chi phí của doanh nghiệp. Việc xác định chi phí về lao động sống phải dựa trên cơ sở quản lý và sử dụng lao động trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tính đúng thù lao lao động, thanh toán đầy đủ, kịp thời tiền lương và các khoản phải nộp theo lương. Một mặt kích thích ngời lao động quan tâm đến thời gian, kết quả và chất lượng của lao động; mặt khác góp phần tính đúng, tính đủ chi phí, giá thành sản phẩm hay chi phí của doanh nghiệp.




Nguồn: voer.edu.vn/m/khai-niem-tien-luong/76161517


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận