Kim Tự Tháp
Một nền văn mình huyền thoại
Ai Cập là quê hương của một trong những nền văn minh xuất hiện sớm nhất trong lịch sử xã hội loài người. Đây là một vùng thung lũng hẹp và dài, nằm dọc theo hạ lưu sông Nin, được bao bọc bởi những dãy núi đá của miền sa mạc khô khan nồng nực. Chính con sông Nin đã góp phần cải tạo khí hậu khắc nghiệt của Ai Cập và mang lại những vụ mùa tốt tươi, làm cho đất nước này ''liên tiếp là một đồng cát bụi, một biển nước và một vườn hoa''.
Các châu ở Ai Cập là hình thức nhà nước phôi thai, có chừng 40 châu nằm dọc theo hai bờ sông Nin. Do yêu cầu thống nhất quản lí công tác thủy lợi và do những cuộc tranh chấp lâu dài, tàn khốc nhằm thôn tính đất đai của nhau, đến giữa thiên niên kỉ IV trước Công nguyên, các châu ở miền Bắc Ai Cập hợp thành vương quốc Hạ Ai Cập và các châu ở miền Nam hợp thành vương quốc Thượng Ai Cập. Đến khoảng năm 3200 trước Công nguyên, vua Ménès đã thống nhất đất nước Ai Cập, ông dựng lên một thành trì kiên cố trên một địa điểm quan trọng về mặt chiến lược và các đường giao thông thủy bộ, ở vùng trung châu sông Nin. Thành này sau đó chính là thủ đô Memphis. Đây là hoàng cung của các Pharaon (vua Ai Cập) trong suốt thời kì cựu đế chế Ai Cập. Ngay từ đầu, Memphis đã là một trung tâm tôn giáo quan trọng bậc nhất ở Ai Cập cổ đại. Quanh thành phố này có các khu mộ cổ: Gizeh, Saqqarah, Dahchour, Abousir, Abou, Roache...
Thời Cổ vương quốc, các Pharaon đều chủ trương dùng chính sách vũ trang xâm lược các nước láng giềng để cướp đoạt của cải và nô lệ nhằm tăng cường quyền lực của mình. Pharaon được coi là vị thần sống với quyền lực vô hạn (tên vua cũng như tên thần là húy kị, không được gọi đến, cho nên phải gọi vua là Pharaon, nghĩa là (“kẻ ngự trị trong cung điện”). Người ta cũng gọi Pharaon là ''con thần Ra'' (thần Mặt Trời). Tên gọi đó phản ánh bản chất giai cấp của tôn giáo Ai Cập, mặt khác còn nhằm thần thánh hóa quyền lực của Nhà vua.
Người Ai Cập cổ đại quan niệm rằng thân xác là cần thiết cho linh hồn ngay cả sau khi đã chết. Giữ gìn thân xác được nguyên vẹn thì tốt cho sự đầu thai của linh hồn sau này. Nếu thân xác bị hủy hoại hoàn toàn thì đồng thời linh hồn cũng bị tiêu diệt vĩnh viễn. Linh hồn dùng thân xác như một con thuyền để cập bến thế giới của thần Mặt Trời - vị chúa tể của thế giới thần tiên. Bởi quan niệm như thế, người Ai Cập, đặc biệt là các Pharaon hết sức chú ý, tìm cách giữ gìn cho thân xác lâu bị hủy hoại sau khi chết, và giấu thân xác vào một nơi thật an toàn, kín đáo. Cùng với ước vọng lưu lại đời đời tiếng tăm lừng lẫy và quyền uy bất diệt của mình, các Pharaon thuộc các vương triều Memphis, ngay từ khi còn sống đã lo xây dựng cho mình những lăng mộ cực kì kiên cố và hùng vĩ. Đó là những kim tự tháp làm kinh ngạc thế giới cổ kim.
Những nhà mồ vĩ đại - kì quan Kheops
Kim tự tháp dịch từ chữ Pyramide, có nghĩa là ''cao chót vót''. Người Ai Cập thời xưa gọi nó là Khout nghĩa là ''cái Rực rỡ'', còn theo ngữ nguyên là ngôi tháp nhọn có hình dạng như chữ Kim (金). Đây là khối đá khổng lồ hình tháp, đáy vuông, bốn mặt phẳng của tháp là hình tam giác cân, gồm nhiều tầng chồng lên nhau.
Hiện nay, người ta thống kê có khoảng 100 kim tự tháp, hầu hết tập trung ở vùng bình nguyên hạ lưu sông Nin.
Các kim tự tháp ở Ai Cập được xây dựng nhiều nhất vào thời kì của hai vương triều III và IV. Đây cũng gọi là thời kì kim tự tháp. Người mở đầu cho vương triều thứ III ở Ai Cập là Djeser (khoảng 2800 TCN), Djeser cũng chính là người đầu tiên nảy ra ý định xây một nhà mồ vĩnh cửu, vững chắc và vĩ đại để giữ gìn thân xác ông đời đời. Các nhà thiết kế tài ba được vời đến và cuối cùng phương án của kiến trúc sư thiên tài Imhotep là xây sáu cái nhà mồ chồng lên nhau, cái sau nhỏ hơn và nằm gọn giữa lòng cái trước, đã được thực hiện. Từ đây đã khai sinh ra loại hình kiến trúc mới là kim tự tháp có nấc thang(). Kim tự tháp của vua Djeser được xây dựng trong khu Saqqarah, phía nam Cairô. Đây là khu lăng tẩm lớn, trải dài hơn 7 km, nơi tập trung lăng tẩm của nhiều triều đại từ Cựu đế chế (2700 - 2300 TCN) đến thời La Mã (thế kỉ I TCN).
Kim tự tháp Djeser cao chừng 60m, có điện tế đành cho việc cúng tế người chết và một bức tường chữ nhật bao quanh, xung quanh có phần mộ của các quan đại thần của Nhà vua.
Trong khu Saqqarah, chếch về phía nam của kim tự tháp Djeser có kim tự tháp Ounas được xây vào triều đại thứ V nổi tiếng, còn lưu lại nhiều văn bản tang lễ được khắc trên đá. Phía đông bắc có di tích Xêrapêum - mộ cổ của thần tối cao Apis(), tượng trưng bằng con bò tót được nuôi ở gần đền thờ. Khi bò chết, người ta ướp xác và chôn vào Xêrapêum, sau đó chọn một con bò khác cùng đặc điểm màu lông như thế để nuôi thay.
Trong số các kim tự tháp ở Ai Cập, nổi tiếng nhất là ba kim tự tháp cao vút, nằm gần bên nhau tại khu mộ cổ Gizeh - nơi cao nguyên sa mạc Libi tiếp giáp với miền đồng bằng châu thổ. Ba kim tự tháp trên là của các vua Kheops, Khephren và Mykerinos đều thuộc vương triều IV (H.1).
Hình 1: Ba kim tự tháp ở khu Gizeh
Có lẽ được nói đến nhiều nhất và được đánh giá là một kiến trúc tiêu biểu cho phong cách xây cất kiểu kim tự tháp, đó là kim tự tháp của vua Kheops - ngôi tháp vĩ đại và bí ẩn.
Theo sử gia Herodotus, kim tự tháp Kheops được xây dựng vào khoảng năm 2680 trước Công nguyên. Công trình kéo dài trong 20 năm, với sự lao động quên mình của khoảng 10 vạn dân công bao gồm tù nhân, nô lệ và dân thường. Đây là con số khổng lồ, chiếm gần 1/5 lực lượng lao động cả nước lúc ấy. Để huy động được nhân lực và vật lực, vua Kheops đã ra lệnh cho thần dân phải tạm thời đình chỉ hoặc giảm bớt nhiều công việc trong nước, thậm chí đóng cửa các đền đài, không cho tế thần.
Khi hoàn thành xong, kim tự tháp Kheops cao 146m - tương đương một cao ốc 40 tầng, cạnh đáy dài 280m, thể tích bằng 2.562.576m3, trọng lượng ước tính 5.750.000 tấn (nặng hơn 800 lần so với ngôi tháp sắt lừng danh của thủ đô Paris - Pháp). Người ta đã phải dùng 2.030.000 khối đá để xây, mỗi khối đá nặng từ 2 đến 16 tấn, được chở đến từ nhiều nơi khác nhau. Việc vận chuyển những khối đá khổng lồ như vậy lên những độ cao tới hàng trăm mét, rồi lại đặt chúng nằm khít với nhau đến mức mạch ghép giữa các khối đá chỉ cách nhau khoảng 5mm, là không thể tưởng tượng nổi. Để làm được điều ấy, có lẽ những người Ai Cập cổ đại đã phải xây dựng những kiến trúc phụ tựa như những mặt phẳng nằm nghiêng, rồi sau đó dùng đòn xeo bẩy dần những khối đá lên cao theo mặt nghiêng này, khi công trình đã hoàn tất thì phá bỏ các kiến trúc phụ ấy đi. Đã có biết bao nhiêu người vùi thây dưới chân kim tự tháp, nhưng sự kiên trì, lòng can đảm và mưu trí của con người thì không hề lùi bước. Các kim tự tháp đã ra đời cách đây khoảng 4500 năm và vẫn còn đứng mãi đó như ngạo nghễ, thách thức với thời gian.
Để giữ gìn di hài của mình được bền vững, tránh sự dòm ngó của những tên trộm báu vật liều lĩnh, các Pharaon thường cho thiết kế sơ đồ bên trong của kim tự tháp một cách rắc rối, quanh co, với nhiều cạm bẫy và mộ giả. Sau khi xây xong, hàng trăm người bị thủ tiêu để giữ bí mật. Kim tự tháp Kheops có một lối vào duy nhất ở mặt bắc, cách nền tháp khoảng 14m, được che giấu rất khéo léo bằng một tảng đá lớn. Sau tảng đá là một hành lang sâu hun hút với hai ngách rẽ - một dẫn sâu xuống lòng đất, đường đi dễ dàng nhưng chir dẫn đến phòng chứa quan tài giả; ngách còn lại thông lên đirnh tháp, đường đi nhằng nhịt, nguy hiểm nhưng dẫn đến phòng chứa quan tài thật của Hoàng hậu, Nhà vua và những chứa báu vật (). Các nhà khoa học đã tìm ra được căn phòng có đặt quan tài của vua Kheops, chỉ tiếc là bên trong cái quan tài bằng đá hoa rất đẹp ấy không còn thấy xác của Nhà vua ở đâu, kể cả của cải cũng bị lấy mất hết.
Năm 1954, người ta phát hiện ra ở bức tường hướng nam của kim tự tháp Kheops có một kẽ hở, sau khi đục những tảng đá ở đó ra thì thấy có một căn phòng lớn bên trong, chính giữa có đặt một chiếc thuyền gỗ, trang trí đẹp đẽ. Có lẽ, người Ai Cập muốn dùng chiếc thuyền này để chở linh hồn của vị vua quá cố sang thế giới bên kia chăng?
Trên vách đá kim tự tháp, người ta còn tìm thấy các phù điêu ghi lại những lời tán tụng thần thánh, những lời khuyên răn và cả những hình ảnh sinh hoạt thường ngày.
Bằng những cuộc thám hiểm và khai quật, các nhà khoa học đã phác họa sơ đồ bên trong một kim tự tháp như sau :
Sơ đồ bên trong kim tự tháp:
1,2- Lối vào dẫn đến phòng quan tài giả.
3- Hành kang đi khó khăn dẫn tới phòng quan tài thật.
4- Phòng hoàng hậu.
5- Phòng chứa quan tài.
6,7- ngách thông hơi.
Sơ đồ trên chỉ nhằm giúp người đọc hình dung ra cách bố trí những khu vực chính trong một kim tự tháp mà thôi, thực tế thì ở mỗi kim tự tháp lại có một cấu trúc riêng bên trong, như kim tự tháp Kheops thì ngoài các hành lang dẫn đến phòng chứa quan tài, phòng chứa báu vật, người ta còn khám phá ra có nhiều khoang khác. Gần dây, trong khi tiến hành công việc dọn dẹp và tu bổ ở sườn đông kim tự tháp, người ta tình cờ trông thấy một mảng tường mà ở đó, các hàng đá đột nhiên bị gẫy khúc. Sau khi nghiên cứu thực địa các nhà chuyên môn khẳng định đây là cổng của một con đường dẫn vào lòng kim tự tháp nhưng đã bị lấp đá. Nhưng lạ thay, đây là một con đường cụt. Theo ông Ahmed Moussa - một nhà nghiên cứu kim tự tháp của Ban cổ học Ai Cập, thì có lẽ lúc đầu các nhà xây dựng thời ấy dự kiến đặt khoang chứa thi hài ở phía đông nên xây cổng vào ở phía ấy, về sau họ lại quyết định chuyển các khoang đó sang phía bắc nên đã dùng đá lấp con đường cũ đi. Giả thuyết này đang còn gây ra nhiều tranh cãi, thì sau đó ít lâu, các nhà nghiên cứu lại phát hiện thêm trong lòng kim tự tháp Kheops có ba khoang mà chưa ai biết đến, nâng số khoang được khám phá lên từ 8 đến 11 khoang. Ba khoang mới này có thể trước đây được sử dụng như những ''nhà kho'', sau đó, các con đường nối liền chúng với các khoang chứa thi hài đã bị lấp lại bằng đá, nên chúng đã chìm vào bóng tối cho đến bây giờ.
Nằm chếch về phía tây nam của Kheops là kim tự tháp Khephren - Khephren là Pharaon kế vị của Kheops, kim tự tháp Khephren to gần bằng kim tự tháp Kheops, cao 136m và có kết cấu bên ngoài tương tự như vậy. Sau Khephren, các Pharaon khác cũng xây nhà mồ cho mình nhưng tầm vóc thì kém hẳn. Kim tự tháp của vua Mykerinos, vua kế vị Khephren cũng xây ở phía tây nam nhưng chỉ cao khoảng 66m.
Ngoài ra, giữa các kim tự tháp ở khu Gizeh, còn có một pho tượng nhân sự (Sphinx)() khổng lồ - đây là một quái vật huyền thoại của người Ai Cập và Hi Lạp cổ đại tượng nhân sự được tạc bằng đá khối dài 57m, cao 20m, có đầu người, mình sư tử, tượng trưng cho trí thông minh và sự dũng mãnh. Tượng này có lẽ muốn tạo hình của Pharaon Khephren với quyền lực tối cao và bất diệt. Năm 1798 khi Napoleon viễn chinh sang Ai Cập, ông đã cho pháo binh bắn đại bác vào Sphinx, hòng mở một lối vào bên trong của tượng, nhưng chi thấy mặt tượng bị sứt mẻ chứ không phát hiện gì khác, sau mới rõ đó là khối đá khổng lồ nguyên vẹn.
Những bí mật trong lăng mộ của vua Tutenkhamon
Những bí mật trong lòng các kim tự tháp không chỉ là mối quan tâm của các nhà khảo cổ mà còn thu hút bọn đạo tặc thuộc nhiều thế hệ khác nhau đến đây để tìm kiếm, vơ vét báu vật. Vì vậy, khi các nhà khảo cổ đặt chân vào các kim tự tháp thì chỉ gặp những nhà mồ trống rỗng và những cỗ quan tài trống rỗng. Trong suốt một thế kỉ đào xới - thế kỉ XIX, người ta không phát hiện được gì thêm, mãi đến những năm 30 của thế kỉ XX, một huân tước người Anh bảo trợ cho một đoàn gồm các nhà bác học của Viện khảo cổ Hoàng gia Anh sang Ai Cập, đã tìm thấy một ngôi mộ tráng lệ của vua Tutenkhamon. Tuy ngôi mộ không phải là kim tự tháp nhưng chứa báu vật còn nguyên vẹn, cho phép người ta mường tượng những báu vật tương tự như ở những kim tự tháp được xây dựng vào thời kì trước đó.
Đã được cảnh báo trước về những hiểm họa và cạm bẫy trong các ngôi mộ cổ, mỗi nhà khoa học được yêu cầu hết sức cẩn thận khi bắt đầu xâm nhập vào ngôi mộ của vua Tutenkhamon. Mỗi người đều mang bên mình thiết bị phòng độc. Theo con đường hầm dẫn sâu xuống lòng đất, đoàn người tới căn phòng thứ nhất. Căn phòng lộng lẫy trưng bày những vật dụng hàng ngày của Nhà vua, cùng những thứ vũ khí, những bức chân dung tuyệt tác của Hoàng gia. Căn phòng thứ hai đẹp hơn, chứa đựng tất cả vàng bạc châu báu, các vật gia bảo vô giá của các đời vua trước thuộc dòng họ pharaon. Đối diện cửa vào phòng là một tủ thờ mạ vàng. Bốn mặt tủ được dùng để tôn vinh bốn vị thần bảo vệ cho người chết, đó là các thần Isis, Nephtys, Neith và Selkis. Mỗi tượng thần được thể hiện hai lần. Lần một được chạm chìm trên thành
tủ với tư thế đang giơ tay đón Nhà vua, và đưa lên mũi Ngài một vật biểu trưng cho sự sống, lần hai là một bức tượng thật, với tư thế của vị thần đang vòng tay che chở cho Nhà vua (H2). Căn phòng thứ ba được trang trí tráng lệ hơn nhiều - là nơi đặt thi hài của vua Tutenkhamon. Trước cửa phòng, có lẽ để trấn giữ, là tượng của hai viên tướng Ai Cập thời xưa với hai thanh kiếm tuốt trần, mắt sáng long lanh trông rất dữ tợn. Quan tài của vua nằm ở giữa phòng, cả năm mặt đều dát vàng và ngọc. Trên tường có một bảng sơn son thếp vàng với dòng chữ: ''Kẻ nào làm mất giấc ngủ của Nhà vua thì kẻ đó sẽ phải chết''.
Trước mặt mọi người hiện ra áo quan thứ nhất của vua Tutenkhamon được chạm khắc từ một phiến đá thạch anh vàng, trên có chạm nổi bốn tượng nữ thần có cánh. Sau khi lấy các vật dụng chôn theo ra, lộ rõ áo quan thứ hai bằng gỗ thếp vàng, có hình người khoanh tay trước ngực, cầm chiếc quạt và cái gậy cong biểu tượng cho uy quyền Nhà vua. Cuối cùng là áo quan thứ ba được làm bằng vàng khối. Trong đó có xác ướp thật của vua Tutenkhamon được gói gọn trong tấm vải liệm và quấn quanh bằng những dải băng. Phần đầu của xác ướp được đậy bằng một mặt nạ vàng. Mặt nạ đó chính là chân dung giống nhất của Nhà vua, bọc trong một bộ tóc giả có vằn sọc cẩn thủy tinh xanh, những đường viền quanh mắt và chân mày cũng đều được cẩn bằng đá ngọc thạch xanh. Trên trán Nhà vua có chạm hình rắn hổ mang và con ó là biểu tượng của Thượng và Hạ Ai Cập. Phía dưới cằm là một bộ râu bằng vàng cũng được cẩn thủy tinh xanh cho giống với thần Osiris (). Dưới mặt nạ, xung quanh cổ là những lá chắn bằng vàng, các ngón tay, chân và khắp thân hình là những đồ trang sức bằng vàng và ngọc quý. Tất cả gồm 148 đồ vật và trang sức, chia thành 101 nhóm.
Ngoài ra, trong mộ của vua Tutenkhamon còn có rất nhiều tượng người (H3). Theo ghi chép của câu thần chú được khắc trên vách tường, thì mỗi sáng khi thần Osiris điểm danh, những tượng người này phải thức dậy và làm thay Nhà vua những công việc trồng trọt ở thế giới bên kia. Do đó, các tượng phải được tạc giống hệt Nhà vua lúc đã được ướp xác nhưng có khuôn mặt rất sống động. Mỗi tượng đều có mang đấu hiệu tượng trưng cho quyền lực tối thượng của vua.
Vua Tutenkhamon mất năm 1350 trước Công nguyên, vào thời mà các vua Ai Cập không còn xây kim tự tháp nữa. Tất cả vàng ngọc trong ngôi mộ vị vua chết trẻ vì bệnh này (Nhà vua mất lúc mới 20 tuổi) trị giá tới khoảng 15 - 20 triệu đô la, đã nói lên sự hào nhoáng xa hoa của một thế giới vua chúa - là kết tinh của không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, xương máu của hàng triệu nô lệ, dân nghèo.
Việc tìm thấy ngôi mộ còn nguyên vẹn của vua Tutenkhamon đã giúp các nhà khoa học soi sáng được nhiều điều còn nghi vấn, bởi vì trước đó theo họ không có vị Pharaon nào trong số các vị đã dựng lên kim tự tháp là có mộ thật cả. Chính nỗi căm ghét của nhân dân lao động sẽ khiến họ liều mạng khai quật thi thể các Pharaon trong mộ lên để trả thù không thương tiếc. Các Pharaon đã hạ lệnh cho thuộc hạ chôn họ ở một nơi bí mật sau khi chết. Theo miêu tả của nhà sử học Điôđo thì sau khi một Pharaon chết, các thầy cúng sẽ tuyên đọc những lời tán tụng Nhà vua. Hàng ngàn người đứng tụ tập để thông qua những lời tán tụng này. Nếu đó là những lời sai sự thật, họ sẽ tỏ ý không hài lòng bằng những tiếng xầm xì. Nhiều Pharaon đã không có mộ thật bởi vì sự chống đối của nhân dân.
Hình 3: Tượng người đặt trong lăng mộ vua tutenkhamon
Những tia sáng khoa học khẳng định các kim tự tháp ở quần thể Gizeh chính là những ngôi mộ thật của các Pharaon, chỉ được xác định sau khi người ta chú ý đến tầm quan trọng của một số công trình khác liên quan nhưng ở ngoài các kim tự tháp, đó là hệ thống đền đài bên bờ tả ngạn sông Nin dùng cho việc tế lễ, ướp xác trước khi đưa vào phòng mộ chính trong tháp.
Biết bao năm tháng đã trôi đi mà kim tự tháp vẫn chẳng hề mai một. Rất đơn giản nhưng cũng rất hoàn thiện, những kim tự tháp đã tồn tại giữa sa mạc mênh mông như muốn khẳng định sự chiếm lĩnh và sự gắn bó thật hài hòa của nó với miền đất đầy ắp nắng gió này.
Cho đến hôm nay và mãi mãi về sau, không biết người đời còn khám phá ra bao nhiêu điều bí ẩn nữa trong các nhà mồ huyền bí ấy(), nhưng có một điều mà người đời sau sẽ không thể nào thấu đáo được, là cổ nhân đã bằng cách nào mà xây dựng được những công trình đồ sộ và vĩnh cửu đến thế, ở một giai đoạn được xem là bình minh của lịch sử - giai đoạn mà tất cả mọi thứ đều như mới bắt đầu. Điều khó hiểu ấy đã chìm sâu vào giấc ngủ của các Pharaon và vĩnh viễn chôn vùi trong những lớp bụi của thời gian.
Vẫn còn đó những kim tự tháp - như một niềm khát vọng vô bờ bến của con người!