Làm thế nào để trở thành một bạn gái có phong độ?
Luôn có thái độ đúng mực
Bạn cần thật tự nhiên khi nói chuyện, không phô trương quá nhưng cũng không quá tự ti, có thái độ đúng mực, chân thành trong mọi tình huống.
Khuôn mặt tự nhiên
Sự thành thật trong lời nói của mỗi người luôn phụ thuộc vào hai yếu tố thái độ của người nghe và sự thể hiện trên gương mặt của người nói. Người nghe cần luôn nở nụ cười, thể hiện sự chăm chú lắng nghe của mình trong khi người nói lại cần thể hiện được sự chân thành, tự nhiên nhất.
Động tác rõ ràng, dứt khoát
“Động tác” ở đây là chỉ những cử chỉ, hành động và tư thế phụ trợ cho lời nói. Lời nói của bạn cần rõ ràng, thuyết phục, có sức hấp dẫn. Bên cạnh đó, cũng cần có những động tác, cử chỉ thật rõ ràng, dứt khoát và sinh động.
Nói vừa đủ nghe
“Vừa đủ nghe” là chỉ cả về cường độ cũng như tốc độ của lời nói. Nói nhanh hay nói chậm, nói to hay nói nhỏ? Người nói cần tự trả lời được câu hỏi này căn cứ vào tình hình thực tế của buổi nói chuyện để người nghe luôn cảm thấy hứng thú, vui vẻ mà không căng thẳng, mệt mỏi.
Ngữ điệu rõ ràng, mạch lạc
Ngữ điệu là sự lên hay xuống giọng trong từng câu nói để phù hợp với nội dung và hoàn cảnh của cuộc nói chuyện. Những người biết cách nói chuyện thì cũng sẽ biết cách điều chỉnh ngữ điệu của từng câu nói sao cho phù hợp nhất.
Ngoài ra, việc trao đổi, nói chuyện luôn phải được thực hiện từ cả hai phía. Bạn không nên chỉ biết đến mình, chỉ nói cho một mình mình nghe mà cần phải lưu ý đến những phản ứng của đối phương trong cuộc nói chuyện. Bạn cũng cần điều chỉnh lời nói, ngữ điệu của mình căn cứ vào thái độ, biểu hiện của người nghe để buổi nói chuyện đạt được hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý đến một số điều sau đây:
- Tư thế nghiêm trang
Trong bất kỳ một buổi nói chuyện nghiêm túc nào, bạn cũng cần giữ được tư thế ngồi nghiêm trang. Đây là yêu cầu cơ bản đầu tiên để có một buổi nói chuyện thành công, hiệu quả.
Khi ngồi nói chuyện, bạn cần giữ ở tư thế sao cho cổ và lưng thẳng, hai mắt nhìn hướng thẳng ra phía trước, miệng hơi mỉm cười, nửa thân người dưới thả lỏng tự nhiên, hai tay buông thõng hoặc khoanh lại và đặt trên bàn.
Nếu nói chuyện trong tư thế đứng, bạn cũng cần giữ thân người thật thẳng, tay chân tự nhiên để tạo cho người đối diện cảm giác thân thiện, thẳng thắn.

Trong khi đứng, bạn cần tránh đứng khom lưng, cong người, tạo cho người đối diện cảm giác không nghiêm túc lúc khi đang nói chuyện. Ngoài ra, hình ảnh thiếu sức sống, thiếu sự nhiệt tình của bạn cũng sẽ tạo nên sự phản cảm trong mắt những người xung quanh.
- Tư thế vững chãi
Ngoài cách ngồi trang nghiêm, đàng hoàng, bạn cũng cần cố gắng ngồi trong tư thế vững chãi để tạo cảm giác hoàn toàn tin cậy cho người đối diện.
Khi ngồi nói chuyện, bạn cần có cách ngồi vững vàng, động tác mềm dẻo nhưng dứt khoát, tập trung thần thái vào nội dung câu chuyện. Ngoài ra, khi ngồi xuống, bạn cũng cần hết sức chú ý đến sự kín đáo của trang phục, không để mình rơi vào những tình huống hớ hênh, khó xử.
Sau khi ngồi, hãy giữ tư thế lưng thẳng, hai mắt nhìn thẳng, miệng hơi mỉm cười. Thân người hơi cúi về phía trước, tay đặt tự nhiên trên đầu gối hoặc đặt trên bàn, trên hai tay vịn của ghế. Bạn cũng chỉ nên ngồi ở khoảng 2/3 diện tích ghế, hơi dựa lưng vào thành ghế. Nếu buổi nói chuyện kéo dài khiến bạn thấy mệt mỏi, bạn có thể đổi chân hoặc dựa hẳn người vào thành ghế. Trước khi đứng lên khỏi ghế, bạn cũng nên khép hai chân lại.
Những tư thế mà bạn cần khắc phục trong khi ngồi nói chuyện là: nửa ngồi ngửa nằm; ngồi lệch, nghiêng người; kẹp tay vào giữa hai chân; khoanh chân trên ghế hoặc gác chân lên bàn;... Đây đều là những tư thế không trang nghiêm, rất gây phản cảm cho người đối diện cũng như những người xung quanh.
- Tư thế đẹp
Cho dù nói chuyện trong tư thế ngồi hay đứng, bạn cũng cần giữ cho hình ảnh của mình thật đẹp trong mắt người đối diện cũng như những người xung quanh khi họ nhìn vào.
Khi đi lại, nên bước khoan thai, nhẹ nhàng và uyển chuyển, thể hiện sự dịu dàng, nho nhã và vững vàng trong từng bước đi.
Bạn nên tránh cách đi vội vàng, hấp tấp, kéo dép lê loẹt quẹt hay nện mạnh gót giày xuống lòng đường. Tư thế, dáng đi không đẹp không những sẽ khiến phong độ của bạn bị giảm sút mà còn khiến bạn “mất điểm” trong mắt những người xung quanh.
- Tư thế ngồi xổm
Ngồi xổm trong khi nói chuyện là một tư thế thường được các bạn gái sử dụng. Tuy nhiên, khi ngồi xổm, bạn cũng cần giữ được nét đẹp và sự duyên dáng của mình: Ngồi trang nghiêm, vững chãi và kín đáo; không cúi đầu, cong lưng hoặc ngả hẳn người ra sau,...