PHÁP LUẬT VÀ ĐẠO ĐỨC
Pháp luật và đạo đức đều là những bộ phận quan trọng tạo nên những quy tắc xã hội. Thế nào là thiện và ác, đẹp và xấu, chính nghĩa và phi nghĩa, vinh và nhục, trong xã hội có giai cấp, các giai cấp đều đưa ra những chuẩn mực của mình. Cho nên, cũng giống như pháp luật, đạo đức có tính giai cấp rõ rệt.
Giữa đạo đức và pháp luật, tuy có những chỗ tương đồng nhưng cũng có những điểm khác nhau. Giữa chúng có mối liên hệ mật thiết. Một là, pháp luật và đạo đức với tư cách là những qui tắc xã hội, đều thông qua sự ràng buộc hoặc khuyến cáo đối với hành vi của mọi người, yêu cầu mọi người nên làm những gì, không nên làng những gì. Chúng đóng vai trò chỉ đạo hành vi của mỗi người. Hai là, pháp luật và đạo đức của giai cấp thống trị có chung bản chất giai cấp, có chung mục đích. Ba là, quan niệm đạo đức và ý thức pháp luật của giai cấp thống trị luôn luôn thẩm thấu vào nhau. Lúc cần thiết, giai cấp thống trị thường lấy những tiêu chuẩn đạo đức của họ làm thành những qui tắc luật pháp.
Những điểm khác nhau giữa pháp luật và đạo đức thể hiện ở chỗ: Một là, pháp luật là một hiện tượng xã hội chỉ có trong xã hội có giai cấp, là sản phẩm của một giai đoạn lịch sử nhất định còn đạo đức thì tồn tại thuỷ chung cùng với sự phát triển của xã hội loài người, nó là hình thái ý thức và chuẩn mực hành vi mà bất cứ xã hội nào cũng không thể thiếu được; Hai là, pháp luật do giai cấp thống trị thông qua Nhà nước mà định ra hoặc cho phép và do Nhà nước cưỡng chế bảo đảm thi hành, cho nên Nhà nước nào cũng vậy, chỉ có thể có một hệ thống pháp luật; còn đạo đức, là do mọi người hình thành một cách tự nhiên qua một thực tiễn lâu dài của đời sống xã hội; thông thường nó được duy trì, gìn giữ dựa vào sức mạnh của dư luận xã hội, thói quen truyền thống và đức tính của mọi người. Ba là, phạm vi điều chỉnh của những qui tắc đạo đức rộng hơn so với phạm vi điều chỉnh của luật pháp. Nó không chỉ phê phán những hành vi trái pháp luật, mà còn phê phán cả những hành vi mà pháp luật không can thiệp. Đạo đức đụng chạm tới mọi mặt của đời sống xã hội, đi sâu vào thế giới tinh thần của mọi người.
Tóm lại, giữa pháp luật và đạo đức có sự liên quan mật thiết, cũng có sự khác biệt rõ rệt. Giai cấp thống trị không những phải vận dụng pháp luật mà còn phải vận dụng đạo đức cùng với những qui tắc xã hội khác để duy trì và bảo vệ quan hệ xã hội và trật tự xã hội.