Phát hiện thú ăn mối thuộc kỷ Jura
Cùng lúc những con khủng long khổng lồ dạo bước khoảng 150 triệu năm trước, thì một loài thú to bằng chuột cống cũng lon ton khắp nơi để tìm mối ăn.
Các nhà nghiên cứu Mỹ đã tìm thấy hoá thạch của một loài thú mới ở Colorado và cho biết nó giống như con tatu, chuyên ăn sâu bọ. Loài thú nhỏ này được đặt tên là Fruitafossor windscheffelia, xuất hiện cách đây hơn 100 triệu năm, trước cả tổ tiên của loài ăn mối ngày nay. Nhưng nó lại chẳng liên quan gì với những con vật sống hiện đại.
Những gì tìm thấy chứng tỏ các loài thú ăn kiến, tatu và những loài chuyên đào bới côn trùng đã phát triển kỹ năng chuyên dụng của mình nhiều lần trong lịch sử phát triển, một hiện tượng được gọi là sự tiến hoá hội tụ.
Tiến sĩ Zhe-Xi Luo và John Wible tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Carnegie ở Pittsburgh cho biết chân và những chiếc răng hõm của Fruitafossor giống như của một số loài ăn mối ngày nay. “Sự giống nhau về răng của Fruitafossor với những con tatu ngày nay cho thấy bữa ăn của chúng bao gồm mối, một số loài côn trùng, loài không xương sống và thậm chí cả thực vật”.
Mối và họ hàng gần gũi của nó là gián đã tiến hóa hàng triệu năm trước khi Fruitafossor ra đời. Giống như loài ăn kiến, Fruitafossor có răng giống hình chiếc ống dùng để hút và nuốt chửng con mồi. Bàn chân 4 ngón của nó chứng tỏ nó chuyên cào bới đất. Có từ kỷ Jura muộn, con vật có thể đã sống cùng những con khủng long khổng lồ như thằn lằn bay, Stegosaurus và Allosaurus.
Tên của nó được lấy từ thị trấn Fruita, Colorado, nơi người ta tìm ra hoá thạch. Fossor để chỉ hành động hay đào bới. Windscheffeli là để ghi nhớ Wally Windscheffel, người đã phát hiện ra mẫu gốc holotip.
(Theo ABC Online)