Sinh vật nhân chuẩn, còn gọi là sinh vật nhân thực, sinh vật nhân điển hình hoặc sinh vật có nhân chính thức (danh pháp: Eukaryota hay Eukarya) là một sinh vật gồm các tế bào phức tạp, trong đó vật liệu di truyền được sắp đặt trong nhân có màng bao bọc. Sinh vật nhân chuẩn gồm có động vật, thực vật và nấm - hầu hết chúng là sinh vật đa bào - cũng như các nhóm đa dạng khác được gọi chung là nguyên sinh vật (đa số là sinh vật đơn bào, bao gồm động vật nguyên sinh và thực vật nguyên sinh). Trái lại, các sinh vật khác, chẳng hạn như vi khuẩn, không có nhân và các cấu trúc tế bào phức tạp khác; những sinh vật như thế được gọi là sinh vật tiền nhân hoặc sinh vật nhân sơ (prokaryote). Sinh vật nhân chuẩn có cùng một nguồn gốc và thường được xếp thành một siêu giới hoặc vực (domain). Eukaryote là chữ Latin có nghĩa là có nhân thật sự.
Các sinh vật này thường lớn gấp 10 lần (về kích thước) so với sinh vật tiền nhân, do đó gấp khoảng 1000 lần về thể tích. Điểm khác biệt quan trọng giữa sinh vật tiền nhân và sinh vật nhân chuẩn là tế bào nhân chuẩn có các xoang tế bào được chia nhỏ do các lớp màng tế bào để thực hiện các hoạt động trao đổi chất riêng biệt. Trong đó, điều tiến bộ nhất là việc hình thành nhân tế bào có hệ thống màng riêng để bảo vệ các phân tử DNA (?) của tế bào. Tế bào sinh vật nhân chuẩn thường có những cấu trúc chuyên biệt để tiến hành các chức năng nhất định, gọi là các bào quan. Các đặc trưng gồm: