LỊCH SỬ
Thời kỳ xa xưa của Tây Tạng chìm sâu trong bóng tối của lịch sử, như nhà Phật học người Ý Giuseppe Tucci nói, “không có bao nhiêu dữ liệu mà phải đoán mò từ những truyền thuyết tôn giáo”. Các nhà địa chất và khảo cổ quả quyết rằng, đất Tây Tạng ngày xưa vốn nằm dưới đáy biển!
Người ta biết rất ít về Tây Tạng trước thế kỷ XVII, mặc dù ngôn ngữ Tạng liên hệ một cách chặt chẽ với các ngôn ngữ thuộc nhóm Tây Tạng-Miến Điện và cũng có liên hệ với tiếng Hán.
Theo một truyền thuyết, tổ tiên của người Tạng là Mani Bka’bum, người Tạng ra đời tự sự hợp nhất của một con khỉ và một hòn đá quỷ. Con khỉ là một kiếp đầu thai của Avalokitevara (tiếng Tạng là Spyan ras gzigs, phát âm như xen-re-zik), còn gọi là Quan Âm trong Phật giáo tại Đông Á, hay vị Bồ tát của lòng từ bi. Hòn đá quỉ là một kiếp của Bồ tát Tara (tiếng Tạng là ‘Grol ma’ phát âm như là drol-ma).
Tsangpo chính là nơi các nhà vua Tây Tạng xây dựng cơ đồ. Truyền thuyết kể rằng, năm 313 trước công nguyên thời kỳ hùng mạnh của triều đại Maurya tại Ấn Độ, có một vương tử Ấn Độ thất thế phải chạy ngược lên Hy Mã Lạp Sơn. Vượt tuyết sơn đến Tây Tạng thì ông gặp dân chúng sống trong hang động, họ hỏi ông từ đâu tới. Vì bất đồng ngôn ngữ ông đành chỉ tay lên trời. Dân chúng tưởng ông từ trên trời giáng thế nên công kênh lên vai, tôn ông làm vua. Đó là vị vua đầu tiên, Nyatri Tsenpo. Vị vương tử may mắn đưa văn minh Ấn Độ vào Tây Tạng, cho xây cất nhà cửa và đặt kinh đô bên dòng Tsanpo, thung lũng Yarlung.
Huyền sử chép rằng, Nyatri Tsenpo “theo một sợi dây mà lên trời” và sáu đời vua sau ông cũng theo cách đó mà giã từ nhân thế. Đến đời vua thứ tám, Drigum Tsenpo thì “dây dứt”, dân chúng chôn vị vua này tại Yarlung và từ đó về sau lăng mộ các nhà vua Tây Tạng đều ở Yarlung cả, ngày nay vẫn còn. Đến đời thứ 23, lúc đó là khoảng năm 371 sau công nguyên, thời nhà vua Totori Nyentsen, “trên trời bỗng rơi xuống nóc điện nhà vua” kinh sách bằng tiếng Phạn không ai đọc được. Trong một giấc mộng nhà vua được biết rằng, năm đời sau mới có vị vua đọc và hiểu được kinh sách. Đó chính là vua Tùng Tán Cương Bố.
Tùng Tán Cương Bố lên ngôi, nước Tây Tạng hưng thịnh chưa từng có và cùng với hai nàng công chúa nước ngoài, ông không những “đọc và hiểu” kinh sách tiếng Phạn mà còn xây đền tháp, gửi người đi tu học ở Ấn Độ, dịch kinh sách. Căn cứ trên tư tưởng Phật Giáo, nhà vua ban bố “Thập thiện” (Mười điều thiện) và “Thập lục yếu luật” (Mười sáu điều luật quan trọng) để dân chúng thi hành. Nhiều học giả cho rằng, kể từ đây nước Tây Tạng mới thoát khỏi tình trạng hoang sơ man dã.
Lịch sử vương quốc của miền trung Tây Tạng khởi đầu vào thế kỉ VII sau Công nguyên, nhờ sự liên kết của các thủ lĩnh sống trong thung lũng Yarlung, không cách xa địa điểm mà sau này trở thành thủ đô Tây Tạng là Lhasa. Sau đó không lâu, những vị vua đầu tiên bắt đầu quy y và ủng hộ Phật giáo vào giữa thế kỉ VII. Rõ ràng, khái niệm về vương quyền thiêng liêng được người ta biết đến trong thời kì tiền - Phật giáo. Thế nên sự cả quyết của những vị tăng thống Phật giáo đầu tiên về sự đầu thai đều có nguồn gốc hoàng gia và linh thiêng trên cơ sở tôn giáo của họ, có lẽ là sự tiếp nối của một truyền thống bản xứ đã có trước khi xuất hiện tín ngưỡng mới.
Sau khi Tùng Tán Cương Bố mất, nước Tây Tạng vẫn hết sức cường thịnh, thế nhưng Phật giáo rơi vào tình trạng suy thoái. Hai đời sau Tùng Tán Cương Bố là một nhà vua tên là Khí Lệ Tú Tán (sống khoảng đầu thế kỷ thứ VII), vị này cầu hôn được một nàng công chúa Trung Quốc tên là Kim Thành. Kim Thành là một đệ tử Phật giáo thuần thành, mang về Tây Tạng nhiều vị sa-môn và kinh sách. Nhưng quan trọng nhất là bà đã tặng cho dân tộc Tây Tạng một người con trai xuất sắc, đó là Trisong Detsen, là vị vua đã chính thức cho Phật giáo du nhập Tây Tạng. Thời đại của ông được xem là thời đại Phật giáo du nhập lần thứ nhất và cũng kể từ đây, lịch sử Tây Tạng không thể tách rời với các giai đoạn truyền bá của đạo Phật.
Trisong Detsen lên ngôi năm 12 tuổi, thời đại của ông còn huy hoàng hơn cả thời Tùng Tán Cương Bố. Đây là thời gian mà Tây Tạng xâm chiếm cả Thanh Hải và Tứ Xuyên của Trung Quốc. Nhà Đường Trung Quốc cũng phải run sợ “thổ phiên” ở Tây Vực, hàng năm phải nộp triều cống cho Tây Tạng. Thậm chí năm 735, vì thiếu phẩm vật, Tây Tạng đem quân vây cả Trường An. Thế nhưng Trisong Detsen để lại cho đời sau không phải là những chiến tích mà là công lao du nhập Phật giáo vào Tây Tạng mà việc đầu tiên là mời Tịch Hộ. Tịch Hộ là một cao tăng thuộc phái Trung Quán Tông, là viện trưởng viện Phật học Siêu giới. Lúc Tịch Hộ đến Tây Tạng là lúc nơi đây vừa bị thiên tai, dịch bệnh hoành hành. Các cận thần của nhà vua lấy cớ đó cho rằng Tịch Hộ chỉ mang tai họa cho Tây Tạng. Nhà vua khẩn cầu Tịch Hộ hàng phục ma quái nhưng ông từ chối và cho vua hay chỉ có một người có đủ thần thông khắc phục, đó là Liên Hoa Sinh.
Tây Tạng là một đế quốc hùng cường từ giữa thế kỷ VII và thế kỷ X. Đặc điểm của nó là có một dạng xã hội đặc biệt, trong đó đất được chia thành 3 kiểu làm chủ khác nhau là bất động sản của các gia đình quí tộc, đất trống tự do và bất động sản của các tu viện, đặc biệt là trong các bộ pháp Phật giáo. Sự phân chia này tăng lên sau sự suy yếu của các triều vua Tây Tạng trong thế kỷ X.
Trong thế kỷ VIII Tây Tạng đã bị sát nhập vào Đế quốc Mông Cổ. Những người cầm quyền Mông Cổ đã chấp nhận cho phái Phật giáo Tây Tạng Shakya quyền lãnh đạo tại đó vĩnh viễn. Theo sau đó là giai đoạn trung gian của các triều đại trong 300 năm. Tây Tạng lại bị Mông Cổ xâm chiếm một lần nữa vào đầu thế kỷ XVI và tuyên bố dòng dõi Phật còn lại là những Đạt Lai Lạt Ma sẽ là người nắm chính quyền chính thức.
Đầu thế kỷ XVIII Trung Quốc thiết lập các cố vấn chính quyền thường trú gọi là amban, ở Lhasa. Năm 1904 Anh gửi một lượng lớn quân đội người Ấn để chiếm Lhasa, buộc Tây Tạng phải mở cửa biên giới với Anh - Ấn (British Indian). Năm 1906, Tây Tạng trở thành thuộc địa của Anh. Năm 1914, hiệp ước Simla được bàn thảo ở Ấn Độ với sự tham dự của đại diện Trung Hoa, Tây Tạng và Anh. Trong đó công nhận Tây Tạng thuộc về Trung Quốc, song Trung Quốc không kí kết vì cho rằng phải nhượng bộ quá nhiều điều kiện khác. Sau Thế chiến thứ I, Trung Quốc rơi vào cuộc nội chiến. Đạt La lạt ma thứ 13 nổi dậy nắm quyền Tây Tạng, kiểm soát cả U-Tsang và miền tây Kham, khép kín đường biên giới như khu tự trị Tây Tạng hiện nay. Bằng những biện pháp chính trị và quân sự toàn diện của Chính phủ Trung Quốc, từ năm 1959, Tây Tạng được sát nhập vào Trung Quốc, trở thành một đơn vị hành chính tự trị. Công cuộc đổi mới Tây Tạng thực sự bắt đầu sau cuộc viếng thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang đến Lhasa vào năm 1980. Văn hoá truyền thống Tây Tạng được phục hồi trên nhiều mặt. Quyền tự do tôn giáo được khuyến khích đã tạo điều kiện để Phật giáo mang những màu sắc mới. Phong tục tập quán cũng được bổ sung những nét mới theo hướng bảo lưu những đặc sắc, tiến bộ và hạn chế những nét lỗi thời. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng và từng bước khắc phục cuộc sống biệt lập của Tây Tạng với phần còn lại Trung Quốc.