Tìm thấy rạn san hô khổng lồ ở Australia
Các nhà khoa học xứ sở chuột túi cho biết họ đã khám phát ra những rạn san hô mới trải dài đến 100 km trong vịnh Carpentaria, ngoài khơi bờ biển phía Bắc gồ ghề của nước này.
Rạn san hô, dự đoán có tuổi ít nhất 100 thế kỷ, là một khám phá quan trọng. Chúng được tìm thấy theo sau một cuộc thám hiểm ban đầu thực hiện cách đây 2 năm. Khi đó, người ta bắt gặp 3 rạn san hô nhỏ, hình vòng, mỗi cái chỉ có đường kính 10 km.
“Điều thú vị ở đây là nó cho thấy chúng ta còn biết quá ít về thềm lục địa vòng quanh Australia”, trưởng nhóm nghiên cứu Peter Harris nói.
Ông cho biết các rạn san hô mới trước đây chưa được biết đến vì nằm sâu khoảng 20 m dưới nước, khiến chúng trở nên vô hình trong ảnh vệ tinh. Sự tồn tại của các rạn san hô được xác nhận bởi việc chụp ảnh sonar, do tàu thăm dò đại dương Southern Surveyor của cơ quan địa chất Australia thực hiện.
“Khám phá này khiến cho vịnh Carpentaria thành một vùng san hô quan trọng của Australia, bao gồm khoảng 50 đoạn san hô vòng nhỏ, mỗi đoạn có đường kính 1-10 m, nối với một dải san hô nền tạo thành một chuỗi kéo dài khoảng 100 km”, Harris cho biết. “Độ dày và sự phân bố rộng của san hô chứng tỏ một lịch sử phát triển lâu dài của chúng, có thể trong hơn 100.000 năm qua hoặc hơn nữa”, ông bổ sung.
Australia hiện là quê hương của rạn san hô lớn nhất thế giới - Great Barrier Reef - trải rộng hơn 345.000 km2 ngoài khơi đảo Queensland và nơi trú ngụ của 1.500 loài cá. Nơi đây được xem là quần cư sinh vật sống lớn nhất thế giới và được xếp là một trong các di sản thế giới.
(Theo Discovery)