Tại sao các ngôi sao lại nhấp nháy?
Trong không gian vũ trụ, các ngôi sao không nhấp nháy. Nhưng khi ánh sáng của chúng xuyên qua khí quyển Trái đất, chúng bị các lớp không khí lạnh và nóng “cắt” ra. Cũng chính hiện tượng này làm nhấp nháy hình ảnh của cây cối phía xa trên một con đường quá nóng.
Các nhà thiên văn gọi hiện tượng này là sự ''nhiễu động'' (turbulence). Thay vì nhìn thấy một chấm đơn giản, trong ống kính thiên văn, người ta thấy rõ một dạng tia sáng lóe biến dạng không ngừng.
Cũng theo cách ấy, sự nhiễu động làm nhòe hình ảnh các đường nét thanh mảnh có thể quan sát thấy trên Mặt trăng và các hành tinh. Vượt quá cỡ một đường kính nào đó, kính thiên văn cũng không tăng thêm được độ nét: chúng được sử dụng chỉ để nhận được ánh sáng yếu từ các thiên hà xa xôi.