TẠI SAO THÉP LẠI ĐƯỢC LÀM THÀNH HAI LOẠI
LÀ THÉP GAI VÀ THÉP TRƠN?
Trên công trường xây dựng, ta thường thấy xếp rất nhiều đống thép lớn, trong số đó có cả thép gai và cũng có cả thép trơn. Tại sao lại vậy?
Vật liệu thép thường được dùng trong xây dựng. Dựa vào khả năng chịu lực kéo và độ cứng của thép mà người ta phân ra làm 4 loại, trong đó thép loại 1 là loại có độ cứng và khả năng chịu lực kém nhất, mỗi cm2 có thể chịu được lực kéo là 2,35.104 Newtơn, còn thép loại 2 mỗi cm2 chịu được lực kéo 3,34.l04 Newtơn. Đây là hai loại thép chủ yếu được sử dụng trong trường hợp đổ bê tông ngay tại công trường. Độ cứng và khả năng chịu lực của thép loại 3 và loại 4 đương nhiên là cao hơn, thường được sử dụng trong các công trường mà dầm bê tông cốt thép đã được đổ bê tông sẵn từ trước. Độ cứng hay mềm của thép được biểu hiện qua đường kính của cây thép đó nếu lấy khoảng cách là 2cm, thì ta sẽ có các loại thép có đường kính là 4mm, 6mm, 8mm, 10mm,... 22mm; Loại thép có đường kính vượt quá 22mm thì lấy 3mm làm khoảng cách, ví dụ loại thép có đường kính là 25mm, 28mm.
Độ cứng và khả năng chịu lực của thép loại 1 là thấp nhất, thường được sử dụng ở những công trình chỉ phải chịu một trọng lực nhỏ, cho dù bề mặt của thép là nhẵn (tức là sử dụng thép trơn) thì độ kết dính giữa nó và bê tông cũng đã thoả mãn được yêu cầu của công trình, cho nên thép loại 1 có bề mặt trơn, nhẵn được gọi là “thép trơn”, đường kính của nó trên 4mm. Nhưng để nâng cao khả năng chịu lực kéo của kết cấu bê tông cốt thép, người ta đã uốn cong hai đầu của nó thành hình móc cong như hình cán ô. Độ cứng và khả năng chịu lực của thép loại 2 lớn hơn, thường được sử dụng ở những công trình phải chịu trọng lực lớn. Do đó để tăng khả năng chịu lực, đòi hỏi sự gắn kết giữa bê tông và cốt thép phải càng lớn, cho nên bề mặt của loại thép này người ta làm các đường gờ nổi và loại thép này được gọi là ''thép gai''. Đường kính của nó cũng tương đối lớn, khoảng 10 mm trở lên.