Trong hoạt động của mình, con người luôn có mục đích cụ thể. Người lao động khi làm việc họ thường quan tâm đến việc nhận được bao nhiêu tiền công, mức tiền công đó có thoả mãn với mức hao phí lao động mà mình đã bỏ ra hay không, có đủ bù đắp và tích luỹ để đảm bảo mức sống cho bản thân và gia đình hay không...Do đó, việc quan tâm tới lợi ích của người lao động có tầm quan trọng đặc biệt đối với các nhà quản lý, đó là yếu tố đầu tiên và cũng là cuối cùng gắn bó người lao động với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần phải đảm bảo thu nhập ổn định cho người công nhân, tiền công trả cho người lao động phải xứng đáng với khả năng, hiệu suất làm việc của họ. Đối với người lao động nếu họ làm việc với năng suất cao, chất lượng sản phẩm làm ra tốt thì họ sẽ nhận được mức lương tương ứng và ngược lại.
- Có thể nói tiền lương là một trong những hình thức kích thích lợi ích vật chất đối với người lao động. Vì vậy để sử dụng đòn bẩy tiền lương nhằm đảm bảo cho sản xuất phát triển, duy trì một đội ngũ người lao động có trình độ kỹ thuật cao với ý thức kỷ luật tốt...thì công tác tổ chức tiền lương trong doanh nghiệp phải đặc biệt được coi trọng. Tổ chức phân phối tiền lương trong doanh nghiệp được công bằng và hợp lý sẽ tạo ra tâm lý thoải mái giữa người lao động, hình thành khối đoàn kết thống nhất, một lòng vì sự nghiệp phát triển doanh nghiệp và lợi ích của bản thân họ. Chính vì vậy mà người lao động tích cực làm việc bằng cả lòng nhiệt tình, hăng say và họ có quyền tự hào về mức lương họ đạt được. Ngược lại khi công tác tổ chức tiền lương trong doanh nghiệp thiếu tính công bằng và hợp lý thì không những nó đẻ ra những mâu thuẫn nội bộ thậm chí khá gay gắt giữa những người lao động với nhau, giữa người lao động với các cấp quản trị, cấp lãnh đạo doanh nghiệp, mà có lúc còn có thể gây nên sự phá hoại ngầm dẫn đến sự lãng phí to lớn trong sản xuất. Vậy đối với nhà quản trị, một trong những công việc được quan tâm hàng đầu là phải theo dõi đầy đủ công tác tổ chức tiền lương, thường xuyên lắng nghe và phát hiện kịp thời những ý kiến bất đồng hoặc những mâu thuẫn có thể xảy ra trong phân phối tiền lương và tiền thưởng cho người lao động, để rồi qua đó có sự điều chỉnh thoả đáng và hợp lý. Người ta đã chứng minh rằng: nếu tiền lương đảm bảo tái sản xuất được sức lao động theo đúng nghĩa của nó thì năng suất lao động sẽ đạt được tương đối cao và nếu quản lý lao động tốt thì năng suất sẽ cao hơn nhiều. Ngược lại nếu tiền lương chỉ đảm bảo được 70% nhu cầu tái sản xuất sức lao động thì năng suất lao động sẽ giảm đi 50%.
Như vậy để khuyến khích người lao động làm việc thì doanh ngh iệp cần phải có chính sách, chế độ tiền lương xứng đáng, phù hợp. Đó cũng là nghệ thuật quản lý của các nhà quản trị.
Ngoài ra phải không ngừng nâng cao trình độ văn hoá, chính trị tư tưởng, chuyên môn nghiệp vụ đồng thời tăng cường kỷ luật lao động đảm bảo điều kiện an toàn cho người lao động.