Tài liệu: Thái Lan - Bangkok

Tài liệu
Thái Lan - Bangkok

Nội dung

BANGKOK

 

Kết quả của việc hiện đại hóa nền kinh tế đất nước Thái Lan được thực hiện trong mấy thập kỉ qua đã làm cho cuộc sống của người Thái Lan có nhiều biến đổi hết sức nhanh chóng. Trung tâm của mọi sự biến đổi thể hiện ở thủ đô Bangkok và một số thành phố lớn khác.

Bản đồ giao thông ở Bangkok

Tuy vậy, các thành phố ấy vẫn còn lưu giữ lại được nhiều nét cổ kính của một đất nước huyền thoại, đây là các trung tâm du lịch nổi tiếng của đất nước Thái Lan.

“Thành phố thiên thần”

Đã 200 năm nay người Thái Lan gọi thủ đô của mình là “Krung thếp” có nghĩa là “Thành phố thiên thần”. “Krung” có nghĩa là “đô thành”, còn “thếp” có nghĩa là “thiên thần”. Vì vậy, “Krung thếp” chính là “thành phố thiên thần”. Năm 1782, Chao Phya Chặc-kri lên ngôi vua lấy hiệu là Rama I đã chọn Bangkok, một vị trí bên tả ngạn sông Chao Pha-gia, đối diện với Thôn Bu-ri làm nơi xây dựng kinh đô mới. “Băng” có nghĩa là “làng, thị trấn, huyện ven bến bãi”. “Cok” là tên một loại cây có tên khoa học là Spondias pinnata. Bangkok lúc bấy giờ còn là một làng nhỏ, ở vào thế đất bằng phẳng, thoáng đãng, phía tây và nam có sông bao bọc. Với con mắt của một nhà chiến lược và với tham vọng của một vương triều vĩnh cửu, Rama I đã cho đây là nơi đáp ứng được nhu cầu phòng thủ và thuận lợi cho việc phát triển mọi mặt của một đất nước.

Hiện nay, Bangkok là một trong những thành phố mang tính quốc tế nhất trong khu vực châu Á. Được thành lập vào năm 1782 bởi vị Quốc vương đầu tiên của triều đại Chakri ngày nay, Bangkok là kho tàng của quốc gia và là trung tâm tinh thần, văn hoá, chính trị, thương mại, giáo dục và ngoại giao của Thái Lan. Thành phố này rộng hơn 1.500 km2 và có số dân bằng một phần mười dân số cả nước.

Điều hấp dẫn với khách du lịch là ở đây có những ngôi chùa lấp lánh, các cung điện, con kênh đào và được mệnh danh là “Venice của phương Đông” và cảnh sông nước dạt dào, những điệu múa cổ điển và vô số các trung tâm mua sắm.

Trước khi vua Rama có ý đồ xây dựng thủ đô, Bangkok chỉ là một làng nhỏ, ngoài cư dân địa phương còn có một số thương nhân và chợ thủ công người Hoa được vua Tặc-xỉn cho phép cư trú khi ông rời cố đô A-giút-tha-gia đến Thôn-Bu-ri. Để không bị thiệt hại và sớm ổn định cuộc sống, những người này được vua Rama I ban cấp cho một khu đất mới cách xa làng Bangkok lúc ấy vài ki lô mét gọi là làng Xăm-phêng ngày nay không còn chút dấu vết của một làng nhỏ ngày xưa mà trở thành một khu phố của người Hoa, là trung tâm buôn bán và ăn uống sầm uất. Mọi cảnh tượng về một cuộc sống thương mại ồn ã ngày đêm phơi bày cả ở nơi đây.

Kinh đô được khởi công xây dựng ngay từ năm 1781, rất tốn công của. Số lượng nhân công được huy động rất nhiều, vì riêng số nhân công người Khmer đã có tới một vạn, nhân công người Lào có 5 ngàn người. Gạch, đá, ngói ... tất cả những gì còn sót lại của cố đô Ayutthaya đã được đem về Bangkok, vì Rama I muốn xây dựng một kinh đô mới cũng giống như kinh đô Ayutthaya trước đây và vương triều sau này cũng giống như vương triều của thời đại đó. Ba năm sau, kinh đô mới hoàn thành, được đặt tên là “krung thếp”. Thực ra tên ban đầu của nó còn dài hơn nhiều nhưng người Thái Lan đã quen gọi nên gọi lại như vậy. Bangkok khi ấy là hoài bão lớn lao của vua Rama I trong việc tái tạo một thời kì huy hoàng đã mất của cố đô Ayutthaya bởi cuộc chiến tranh Thái-Miến 20 năm trước. Để đạt được mục đích, ông đã cho đào một con sông lớn hình trăng khuyết này chỗ khúc lượn của dòng sông, tạo dựng lại cảnh phố phường làng mạc trên bến dưới thuyền của Ayutthaya trước đây với những hệ thống kênh rạch là phương tiện giao thông chủ yếu thời ấy. Một hệ thống cổng thành được xây dựng ở vị trí thuận tiện. Mười sáu cổng thành được nối với nhau bằng tường thành dài 10 km, cao 4,5m. Ngày nay một đoạn tường thành dài 200m vẫn còn được giữ lại làm di tích lịch sử, đó là pháo đài Ma-ha-kan và pháo đài Pra-su-me-ru. Một số cổng thành đền đài còn sót lại ở Ayutthaya được chuyên chở về đây xây dựng lại trên cơ sở nguyên bản của nó bởi những bàn tay tài hoa của những người thợ đã từng xây dựng thủ đô Thon Buri của vua Tặc-xỉn. Tổng thể công trình đại Hoàng cung gồm có: cung vua, chùa Phật ngọc, Viện Bảo tàng ngày nay. Hàng nghìn đền đài và các tượng Phật có trên toàn quốc đều được xây dựng và phục chế vào thời kì này. Hầu hết các công trình đầy tính huyền thoại ấy là bản sao của kiến trúc thời Ayutthaya mà ngày nay là những mẫu hình đẹp nhất về kiến trúc và nghệ thuật truyền thống của Thái Lan.

Sau khi vua Rama I mất, các vị vua sau này mỗi người một vẻ đã tỏ ra là những ông vua có tài và thành thạo trong công cuộc xây dựng thủ đô. Họ đã bổ sung thêm những công trình mới trong khu hoàng cung, làm tăng thêm vẻ bề thế cho hoàng cung cả về mặt vật chất cũng như tinh thần. Vua Rama II đã có công xây thêm 9 ngôi chùa mới và tu sửa 60 chùa cũ. Đồng thời ông cho nạo vét đào thêm một con kênh thông ra biển tạo điều kiện cho việc mở cửa thông thương với bên ngoài và lại tiện lợi cho việc chuyên chở vũ khí trong cuộc chiến tranh với người Khmer. Chính con kênh này cũng đóng vai trò quan trọng ngăn chặn cuộc xâm lăng từ hướng biển vào Bangkok.

Vua Mông-kút, Rama IV (1851-1868) đã xây nhiều đường bộ trong thành để dần dần thay thế hệ thống kênh rạch mà ông cho là hạn chế sự phát triển mở mang của đất nước. Ông đã cho xây đại lộ “Đường mới” mà ngày nay là đại lộ Cha-rơn Krung. Đại lộ này là con đường rộng và lớn trong nội thành chạy dọc phía Đông con sông Chao Phra-ja. Người ta nhanh chóng xây dọc hai bên đường phố những công sở lớn và những tòa lãnh sự nước ngoài. Đường mới và các nhánh của nó lập tức trở thành đầu mối thương nghiệp và trung tâm buôn bán lớn sấm uất cho tới những năm 50 của thế kỉ này.

Từ khi mới thành lập, Bangkok đã nổi lên với nhiều nét độc đáo, trước hết là khu Hoàng cung rộng lớn và đồ sộ. Đó là cội nguồn phát sinh ra cả hai thứ quyền lực: quyền lực thế tục và quyền lực tinh thần. Bên ngoài hoàng cung trải dài hai bên bờ sông là các dãy nhà bằng gỗ mái nhọn truyền thống. Giữa chúng, đây đó nổi lên mái chùa cao và nhọn được trạm khắc tinh vi bằng gỗ, bằng khảm ngọc, khảm trai hoặc giát vàng lá óng ánh. Chùa không phải chỉ là nơi mọi người đến thờ cúng, cầu kinh mà còn có vai trò như một trường học, thư viện.

Ngay từ buổi đầu Bangkok đã nhanh chóng đạt được sự phồn vinh nhất định. Hàng ngàn dân thôn quê đã bị quyến rũ. Họ đã rời bỏ làng mạc về đây với niềm tin rằng thành phố thương mại này sẽ giúp họ trở thành viên chức của nhà nước. Một lực lượng đáng kể đóng góp cho sự phồn thịnh của thành phố là những cư dân người Hoa đã ồ ạt vào xin định cư ở vùng ven nổi. Số lượng người Hoa này đến thời Rama II trở thành dòng lũ khó cản nổi.

Bởi sự phát triển nhanh chóng của Bangkok nên việc buôn bán ngày càng phát đạt, một số thương nhân đã lập các xưởng cưa, các trạm xay xát gạo, các kho hàng hóa chủ yếu gồm các thứ như: gỗ, đồ gia vị, gạo để phục vụ xuất nhập khẩu. Nền kinh tế Thái Lan trên cơ sở đó phát triển dần, số dân do đó cũng tăng theo. Cuối những năm 1860 dân số Bangkok ước khoảng 300.000 người. Con số ấy không ngừng tăng lên một cách đều đặn cùng với sự phát triển của quá trình hiện đại hóa xã hội.

Về mặt xây dựng, kiến trúc phương Tây xuất hiện lần đầu tiên ở Bangkok vào thời Rama II. Nhu cầu về nhà ở và cơ sở làm việc càng tăng khi các nhà doanh nghiệp, các thương gia, và các đoàn ngoại giao vào Bangkok ngày một nhiều mà đỉnh cao của nó là thời đại của triều đại vua Rama V (trụ-la-long-kron). Rama V (1868-1910) là một ông vua đầy trí tuệ, một nhà cải cách lỗi lạc, mà ảnh hưởng của các cải cách đó đã tác động lên mọi khía cạnh trong đời sống các tầng lớp nhân dân Thái Lan. Triều đại của ông đạt nhiều thành tích trong ngành xây dựng cả về khối lượng lẫn chất lượng. Cái lớn lao nhất trong những công trạng của ông là đã đổi mới thủ đô Bangkok nâng tầm cỡ nó lên sánh ngang với các thủ đô tiên tiến của phương Tây đương thời. Cũng vào triều đại của ông một số tường thành cũ được phá đi để mở rộng đường xá. Chỉ trong một thời gian ngắn người ta đã làm xong hệ thống đường với tổng số chiều dài là 200 km, trong đó đường Rát Đăm-nơn (lối đi của vua) là con đường lớn của thành phố nối đại Hoàng cung với khu Đu Sít. Đu Sít ngày này là một quận và cung vua Phu-mi (Rama IX) nằm trong đất của quận này. Cung vua vốn được xây từ thời Rama V. Ngoài ra còn có những công trình nổi tiếng khác cũng thuộc quận này như toà nhà Quốc hội, trường nam học sinh do vua Rama VI thành lập, một số dinh thự lớn nhỏ của hoàng tộc, các doanh trại, vườn thú quốc gia và một số các Bộ quan trọng đóng dọc phố Rát Đăm-nơn ngay từ những ngày đầu hình thành con đường cho đến nay.

Cùng với sự biến đổi không ngừng của các cơ sở hạ tầng, người Âu, người Mĩ và cả người châu Á láng giềng có mặt ở Bangkok ngày một đông theo thời gian đã góp phần biến đổi thủ đô Bangkok trở thành một thành phố mang màu sắc quốc tế.

Ảnh hưởng của việc hiện đại hoá vào đời sống của người Thái Lan ở Bangkok cũng rất nhanh. Người Thái Lan bắt đầu thấy thú vị khi ở trong các ngôi nhà có kiểu kiến trúc phương Tây. Những nếp nhà sàn gỗ mái nhọn dần dần được thay thế bằng các nhà cao tầng với các loại trang trí nội thất theo kiểu phương Tây.

Bước sang thế kỉ XX, Bangkok càng trở nên thịnh vượng hơn. Giữa những năm 1900-1983 thủ đô mở rộng khá nhanh, từ 300 km2 đã lên đến 1.537 km2, số dân từ 460.000 người đã lên tới 5,47 triệu người, lớn hơn 45 lần cư dân thành phố Chiang Mai, một thành phố lớn thứ hai của Thái Lan. Một tốc độ phát triển không thể gọi là trung bình được. Về hình thức, thành phố không có những thay đổi cơ bản, những đền đài chùa chiền như ta thấy ngày nay vẫn giữ nguyên mô hình cũ. Có chăng chỉ là sự tu bổ thêm những chi tiết phức tạp trên nguyên  bản các kiến trúc cổ xưa mà thôi. Ngay cả những ngôi chùa được xây mới vào nửa cuối thế kỉ XX, người Thái vẫn bảo tồn nghệ thuật cổ điển độc đáo của mình.

Chùa và đền thờ ở Bangkok

Những ngôi chùa ở đây luôn mở cửa để đón chào khách du lịch. Trong số các chùa ở Bangkok bạn chỉ phải trả lệ phí khi thăm các chùa như: chùa Phra Kaeo (chùa Hoàng Hôn), chùa Pho và chùa Arun (chùa Núi Vàng). Những chùa này thu lệ phí để phục vụ công tác trùng tu. Các chùa còn lại ở Bangkok bạn có thể thăm viếng mà không phải nộp khoản lệ phí nào. Bạn cũng nên nhớ khi đi thăm những ngôi chùa ở Thái Lan: bạn cần tôn trọng các bức tượng Phật, cần bỏ giầy trước khi vào chùa và nhớ ăn mặc cho phù hợp, lịch sự. Các nhà sư luôn ý thức một điều rằng họ đã hoàn toàn thoát tục. Do vậy, các nữ du khách cần tránh bày tỏ thái độ thân thiện với các nhà sư. Bạn có thể chụp ảnh về các nhà sư, các ngôi chùa cũng như các pho tượng Phật, tuy nhiên bạn không được chụp ảnh hay quay phim tại chùa Ngọc (Emeral Buddha).

Nhiều học giả về văn hóa và triết học, sử học nổi tiếng của Thái Lan đã từng là học trò của các trường chùa. Với dân thường, chùa còn là nơi nghỉ ngơi giải trí trong các dịp hội hè. Cho đến nay Bangkok còn giữ lại rất nhiều ngôi chùa đẹp.

Chùa Phra Keo

Trước hết phải kể đến Chùa Phra Keo, chùa có tên đầy đủ là chùa Phra Si Rattana Satsadaram. Người nước ngoài thường gọi ngôi chùa này là chùa Ngọc. Ngôi chùa này nằm cạnh Đại điện, được hoàn thành năm 1784 sau khi vua Rama I lên ngôi được hai năm.

Chùa được xây trên Quảng trường Pra-nam thuộc khu trung tâm Bangkok. Đây là ngôi chùa nổi tiếng nhất của Thái Lan và được xây ngay trong khu đất của Hoàng cung. Những ai đã đến Thái Lan không thể không dành thời gian để vào tham quan và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi chùa này. Vua Thái Lan thường vẫn đến chùa Phật ngọc để làm lễ. Vào những ngày hội hàng năm, tượng Phật ở chùa làm bằng ngọc bích cao 66cm, rộng 48,3 cm vốn được vua Rama I lấy từ Viêng Chăn về. Theo truyền thuyết lịch sử thì trong pho tượng có đặt 9 hạt xá lị của Đức Phật ở các vị trí đầu, trán, ngực, đôi vai, bụng, đầu gối. Do đó, pho tượng Phật ngọc đã trở thành một thánh tích không những của Phật giáo Thái Lan mà cả Phật giáo thế giới nữa.

Bất kì một du khách nào đến Bangkok sẽ không bỏ lỡ cơ hội đến thăm chùa Phật Ngọc. Đối với một số nhà nghiên cứu Phật giáo, nghiên cứu điêu khắc và kiến trúc, việc đến thăm chùa Phật Ngọc là vấn đề bức thiết đặt ra cho mỗi cuộc hành trình đến thăm xứ sở chùa chiền mang nhiều màu sắc huyền thoại gắn liền với Phật giáo này.

Trước hết chùa Phật Ngọc nổi tiếng bởi có pho tượng Phật bằng ngọc bích ngự ở đây đã trên 200 năm cùng với sự hình thành của tổng thể công trình nghệ thuật mang dấu ấn lịch sử về sự tạo dựng kinh thành Bangkok.

Tượng Phật Ngọc là pho tượng ở tư thế ngồi thiền. Pho tượng không to lớn đồ sộ nhưng rất đẹp và được đánh giá là pho tượng quan trọng nhất trong số các pho tượng Phật khác cùng tư thế có ở khắp các miền trên đất nước Thái Lan. Trải qua bao năm tháng thăng trầm của đất nước, pho tượng Phật ngọc bích đã trở thành báu vật của quốc gia, một biểu tượng thiêng liêng nhất của Phật giáo ở Thái Lan, là niềm tự hào lớn lao của nền nghệ thuật điêu khắc cổ điển của Thái Lan.

Với lòng sùng kính của những người theo đạo Phật, cố nhiên xung quanh pho tượng là cả một pho truyền thuyết gắn liền với lịch sử văn hóa dân tộc. Nguồn gốc xa xưa của pho tượng được thêu dệt bằng nhiều huyền thoại khác nhau tùy theo sự suy tưởng hoặc tưởng tượng do các cư dân của các xứ sở nơi có ghi dấu tích mà pho tượng đã lưu lại. Điều này đã làm cho sự xác định nguồn gốc tuyệt đối của pho tượng gặp khó khăn. Song cái chính là pho tượng đã thực sự hiện diện ở kinh thành Bangkok ngay từ những ngày đầu vua Rama I xây dựng kinh đô mở triều đại Bangkok. Đó là ngày 29 tháng 4 năm 1784. Ngay sau khi đăng quang vua Rama I rời thủ đô Thôn Bu Ri sang kinh đô mới: Đô thành.

Tượng Phật được bảo vệ trong ngôi Bột. Ngôi Bột này rất rộng được lợp bằng ngói men màu, thành ba lớp chồng lên nhau. Các đầu hồi và các cột đều được chạm khắc rất tinh vi với nhiều loại hình hoa lá, chim, rồng, voi. Những trang trí này do được đắp bằng các mảnh kính và sứ nhiều màu sắc nên khi ánh nắng chiếu vào thì cả ngôi Bột trở nên lóng lánh và rực rỡ vàng son. Bên trong ngôi Bột có lối trang trí rất lộng lẫy và cầu kì dường như muốn thể hiện sự tôn kính tuyệt đối của các triều vua và nhân dân Thái Lan. Các bức tường và cả trần của ngôi Bột đều được vẽ thành những bức tranh lớn thể hiện những chủ đề của Phật giáo rất sinh động và đẹp. Xung quanh ngôi Bột là một hệ thống chùa tháp rất cao lớn rực rỡ những vàng son và lung lánh sắc nắng.

Chùa Phra Kaeo được xem là ngôi chùa có tầm quan trọng bậc nhất trong số những ngôi chùa ở Thái Lan. Trong đó có một bức tượng phật nhỏ màu ngọc bích được đặt trên án thờ. Đây là pho tượng linh thiêng nhất ở Thái Lan và được tìm thấy vào năm 1434; ban đầu khi mới tìm thấy, nó được bao phủ bởi một lớp vữa. Vài năm sau đó lớp vữa này bắt đầu tan ra làm xuất hiện nhiều điều kỳ bí về pho tượng này. Nó ngày càng trở nên nổi tiếng bởi người dân tin rằng nó sẽ mang lại cho họ nhiều điều tốt lành. Ngày nay luôn có hàng ngàn người đứng cầu nguyện và bày tỏ lòng thành kính trước pho tượng này.

Trong chùa còn có nhiều bức họa mang phong cách từ thời Ayutthaya. Những bức họa này mô tả cuộc sống của đức Phật. Nơi đây còn có 3 ngôi đền linh thiêng: đền Pantheon được bao quanh bởi những vị thần có tên là Kinnaree (thần nửa hình người nửa hình chim). Đây là nơi lưu giữ bản Tripitaka, bộ Kinh thánh của nhà Phật. Bên cạnh đó là đền Phra Sirattachedi, trong đó có bức tượng dát vàng chứa di cốt của Đức Phật. Mô hình ngôi đền này gần giống với đền Angkor Wat của Campuchia. Điều này có thể cho thấy: trước kia, Campuchia chỉ là một phần đất của Thái Lan. Trong chùa Phra Kaeo còn có một phòng triển lãm nghệ thuật, trưng bày những bức tranh nói về cảnh và người trong tác phẩm Ramakian.

Lệ phí vào chùa Phra Kaeo là 200 baht; giờ mở cửa từ 8h30 đến 11h30 và từ 13h30 đến 15h30 hàng ngày. Vé vào cửa bao gồm cả vé đi thăm gia trang Viman Mek Teak Wo và hội trường Abhisek Dusit Throne.

Chùa Phra Chetuphon

Nổi tiếng sau Vat Phra Keo là chùa Phra Chetuphon (hay còn gọi là chùa Pho) - một ngôi chùa cổ và rộng nhất Thái Lan. Đó là chùa Phật nằm cũng có kiến trúc tương tự như Vat Phra Keo nhưng diện tích rộng hơn nhiều. Ngôi chùa này rộng nhất Bangkok, khu chính diện của nó có cả thảy 394 tượng Phật ngồi ở các tư thế khác nhau. Nó được xây dựng từ thế kỉ XVI trong thời Ayutthaya. Sau đó, vua Ramma I đã tu sửa lại vào năm 1782. Trong chùa có một bức tượng nằm lớn nhất Thái Lan. Ngôi chùa này là trung tâm giáo dục đầu tiên ở Thái Lan. Con đường Chetuphon chia khuôn viên của ngôi chùa thành hai phần, mỗi phần lại được bao quanh bởi những bức tường trắng. Nơi thu hút khách du lịch nhất là dãy nhà phía Bắc, gồm có một toà sảnh rất lớn, gắn với một triển lãm về Đức Phật và bốn điện thờ, tưởng nhớ về ba vị vua trong triều đại Chakri đầu tiên.

Ở đây có một tấm điêu khắc lớn bằng sứ. Có một khu bảo tàng các cây thuốc được xây bằng đá hoa. Phía trong nữa thì mới đến nơi đặt một pho tượng nằm khổng lồ dài 45m, cao 15m.

Toàn bộ khuôn viên nhà chùa rộng 945.000 m2, bao gồm hơn 100 tòa nhà cao tầng, tượng trưng cho bề dày 200 năm của các triều đại phong kiến và phong cách kiến trúc thời kỳ đó. Hầu hết các công trình kiến trúc ở đây đều mang phong cách Bangkok (hay phong cách Rattanakosin).

Chùa A-run

Ngôi chùa nổi tiếng thứ ba Vat A-run hay còn gọi là chùa Bình Minh. Chùa được xây dựng trên bờ sông Chau Phra-ja (sông Mê-nam) sát với Thon Buri. Trong chùa có một tháp cao 67m, xung quanh có 4 tháp khác thấp và nhỏ hơn. Ở đây có 4 khu chùa trình bày 4 giai đoạn của cuộc đời Đức Phật, đó là lúc giáng sinh, lúc thành đạo, lúc thuyết pháp đầu tiên và lúc nhập niết bàn. Sở dĩ gọi là chùa Bình Minh vì nếu đến chùa vào lúc rạng đông thì ta mới thấy được hết vẻ đẹp của nó. Ánh bình minh chiếu vào những miếng sứ hoa và kính màu gắn ở các khối đá xây chùa làm cả chùa óng ánh sáng trông rất tuyệt diệu.

Chùa Arun (hay còn gọi là chùa Hoàng hôn) được đặt theo tên ngôi chùa Hoàng hôn của Ấn Độ, Aruna. Nó xuất hiện trong tất cả các cuốn hướng dẫn du lịch. Ngôi chùa này nằm ở Thonburi bên bờ sông Chao Phraya. Vua Tak Sin đã chọn ngôi đền được xây dựng từ thế kỉ XVII này làm chùa Hoàng gia đồng thời là cung điện vì nó là nơi đón nhận ánh sáng ban mai đầu tiên tại Thonburi. Bức tượng Phật bằng ngọc bích được đặt tại đây sau khi lấy về từ Lào trước khi chuyển đến chùa Phra Kaeo năm 1785. Dù không có bức tượng linh thiêng này chùa Arun vẫn rất được coi trọng. Vua Rama I và vua Rama III đã xây dựng lại ngôi đền bằng với chiều cao hiện nay là 104 mét. Ngày nay, đền Arun có một ngọn tháp Prang khá cao cấu trúc theo kiểu Khmer cùng với 4 ngọn tháp gương là biểu tượng của ngọn núi Menu; biểu tượng trên mặt đất của 33 chốn địa đàng.

Tháp Prang được bao phủ bởi tấm sứ trước đây những chiếc thuyền từ Trung Quốc đến Bangkok đã sử dụng để giữ thăng bằng. Phần tháp chính với những bậc dốc đứng đưa ta đến hai tạo thành chân tháp. Các tượng thần được đỡ bởi bức tượng Kinnari (pho tượng nửa hình người, nửa hình chim).

Các cung điện ở tầng thứ nhất chứa những bức tượng Phật ở những thời điểm quan trọng nhất trong đời. Trong khi đó bậc thềm thứ hai có hai bức tượng Hidi Indra hay còn gọi là Erawan. Đây là bức tượng hình con voi với ba đầu đang đứng gác. Hầu hết các du khách đến đây chỉ đủ thời gian trèo lên tháp chứ không thể đi hết các phần khác của ngôi chùa. Người ta tin rằng bức tượng chính trong tòa sảnh do chính vua Rama thiết kế. Tuy nhiên những bức họa ở đây lại có từ thời vua Rama V.

Chùa Arun mở cửa hàng ngày từ 8h30 đến 17h30, lệ phí tham quan là 20 baht.

Để đi từ Bangkok đến chùa Arun bạn phải đi phà từ Thatien ở đường Thaiwang. Thường xuyên có các chuyến phà, giá chỉ có 1 baht.

Chùa Benchamabophit

Ngôi chùa này được xây dựng bằng đá hoa cương Carrana màu trắng vì vậy nó còn có tên là chùa đá hoa cương. Đây là ngôi chùa xây dựng gần đây nhất vào đầu thế kỉ này. Tòa sảnh lớn nhất này chính là một hình ảnh tiêu biểu cho kiến trúc hiện đại Thái Lan. Khoảng sân sau tòa nhà trưng bày 33 bức tượng Phật (20 bức sao lại). Đó là những bức tượng nổi tiếng ở các nước châu Á và Thái Lan và các nước theo đạo Phật khác. Chùa Benchamabophit còn là nơi lí tưởng giúp bạn có thể chiêm ngưỡng những lễ hội tôn giáo và các buổi rước dưới đêm trăng.

Chùa Benchamabophit được gọi là chùa Đá hoa. Đây là một chùa to mang nhiều nét hiện đại của thời kì cuối thế kỉ XIX (năm 1899). Chùa được xây dựng ngay tại Quảng trường nhà vua. Vật liệu xây chùa là những phiến đá hoa lớn và bên trong chùa được trang trí nhiều theo hình thức nghệ thuật Ấn Độ.

Không giống như hầu hết các ngôi chùa khác các tăng lữ và nhà sư trong chùa không đi xin ăn mà đến với những nhà hảo tâm từ sáng đến 7h sáng hàng ngày. Tòa nhà chính mở cửa phục vụ khách đến 5h chiều, lệ phí vào cửa là 50 baht.

Chùa Saket

Chùa Saket (hay còn gọi là chùa Núi vàng) nổi tiếng với núi vàng tiếng Thái gọi là Phu Thaothung, nằm ở phía Tây khu nhà. Từ trên núi vàng nhìn xuống người ta có thể nhìn thấy đảo Rattanakosin. Người ta đã dựng nên núi vàng - quả đồi nhân tạo khi tòa nhà mồ do vua Rama III bị sụp do nền nhà đất phía dưới bị lún.

Quả đồi nhân tạo được làm bằng gạch và bùn. Nó bị bỏ hoang cho đến khi vua Rama V xây dựng một nhà mồ trên đó. Sau này, vua Rama V đã đặt một bức tượng Phật có nguồn gốc từ Ấn Độ trong nhà mồ. Trong Đại chiến thế giới thứ hai người ta đã dựng thêm những bức tường bê tông để chống xói mòn cho quả đồi. Vào tháng 11 hàng năm, một lễ hội lớn được tổ chức ở chùa Saket trong đó có một lễ rước đuốc lên núi vàng. Bạn không phải trả lệ phí tham quan chùa Saket. Tuy nhiên, bạn muốn lên đỉnh núi vàng bạn phải trả 10 baht. Giờ mở cửa từ 8 giờ đến 21 giờ.

Chùa Ratchanatda

Vượt qua đường Maha Chai từ đền Saket bạn sẽ đến chùa Ratchanatda. Ngôi chùa được xây dựng từ thế kỉ XIX dưới thời Rama III. Ngôi chùa này có kiến trúc Miama. Cung điện Noha Phrasat - một trong những điểm thu hút khách du lịch bao gồm 37 tháp bao quanh, cao đến 36 mét. Đây là một cung điện duy nhất mang kiểu kiến trúc hình tháp còn lại trên thế giới. Ngôi chùa có một khu hàng lưu niệm nổi tiếng chuyên bán bùa chú của đạo Phật hay những đồ nữ trang thuộc mọi kích cỡ, hình dạng. Những lá bùa này không chỉ mang hình ảnh Đức Phật mà còn có hình ảnh các nhà sư Thái Lan cũng như một số vị thần Ấn Độ nổi tiếng. Ở Thái Lan những lá bùa có hình Phật không bao giờ được mua bán mà người ta chỉ thuê. Những lá bùa này có thể bảo vệ người mang nó khỏi bệnh tật, mặc dù một số được coi là lá bùa tình yêu. Những lá bùa mà được cho là có sức mạnh đặc biệt thường có giá hàng nghìn baht.

Chùa Ratchanatda mở cửa từ 8 giờ sáng đến 20 giờ tối để phục vụ du khách.

Ngoài ra còn có một số ngôi chùa lớn khác như: Vat Trơ-ri-mít tức là “Chùa Phật vàng”. Chùa này được xây dựng trong khu phố của hoa Kiều. Trong chùa có một pho tượng Phật hoàn toàn được đúc bằng vàng cao 3m, nặng 5 tấn rưỡi trị giá 14 triệu đô la.

Vat Pô-man Cu-ra-na là một ngôi chùa có lối kiến trúc rất lộng lẫy và đây cũng là ngôi chùa của Hoa Kiều to nhất ở Thái Lan. Tại ngôi chùa này có một pho tượng Phật cao 3m được đúc bằng hợp kim đồng và vàng.

Vat Sa-kệt còn gọi là “Chùa Núi Vàng”. Ngôi chùa này được xây dựng trên một quả đồi nhân tạo mà nhân dân Thái Lan thường gọi là Núi Vàng.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2747-02-633544966346093750/Cac-thanh-pho-du-lich-cua-Thai-Lan/Bangko...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận