Tài liệu: Thực từ và hư từ

Tài liệu
Đại học sư phạm Hà Nội

Tóm tắt nội dung

Từ loại thực từ và từ loại hư từ
Thực từ và hư từ

Nội dung

Từ loại thực từ và từ loại hư từ

Thực từ

Ví dụ 1

Hãy nêu ý nghĩa từ vựng khái quát của các từ sau:bàn, ghế, ăn, ngủ, vui, buồn, tốt, xấu...

- Các từ bàn, ghế có ý nghĩa từ vựng khái quát là (gọi tên) sự vật;

- Các từ ăn, ngủ có ý nghĩa từ vựng khái quát là (gọi tên) hoạt động;

- Các từ vui, buồn có ý nghĩa từ vựng khái quát là (gọi tên) trạng thái;

- Các từ tốt, xấu có ý nghĩa từ vựng khái quát là (gọi tên) tính chất.

Ví dụ 2

Các từ được gạch chân trong ví dụ sau đây giữ vai trò gì trong các cụm từ chính phụ:

Những bông sen đẫm sương đêm.

- Từ sen giữ vai trò thành tố trung tâm của cụm từ chính phụ những bông sen.

- Từ sương giữ vai trò thành tố phụ bổ sung ý nghĩa cho từ trung tâm trong cụm từ chính phụ đẫm sương đêm.

Ví dụ 3

Hãy cho biết các từ được gạch chân trong các ví dụ sau có chức vụ ngữ pháp gì trong câu:

a. Chim hót.

b. Gió thổi.

- Từ chim giữ chức vụ chủ ngữ trong câu Chim hót.

- Từ thổi giữ chức vụ vị ngữ trong câu Gió thổi.

Định nghĩa

Những từ được đề cập đến trong các ví dụ trên được gọi là thực từ. Hãy rút ra những đặc điểm của thực từ.

Người ta gọi những từ có ý nghĩa chân thực như từ "nhà" là thực từ. Nhưng thực từ có giá trị đầy đủ và có vị trí độc lập, rõ ràng, không cần bàn cãi. (Nguyễn Văn Tu. "Từ vựng học tiếng Việt hiện đại". Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1968, tr.31)

Những từ có ý nghĩa từ vựng chân thực và có thể làm thành phần câu gọi là thực từ. (Nguyễn Kim Thản. "Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt". Tập 1. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1963. Tr.147)

Từ thực là những từ có khả năng một mình tạo thành câu, một mình làm phần nêu hoặc phần báo trong phần chính của câu; đồng thời có chức năng gọi tên (hoặc trỏ) sự vật, thuộc tính sự vật. (Hồng Dân. "Bước đầu tìm hiểu vấn đề từ hư trong tiếng Việt". Tạp chí Ngôn ngữ, số 1, năm 1970. Tr.68)

Tiếng độc lập, thực, chính là những yếu tố xưa nay ta thường quen gọi là thực từ. (Nguyễn Tài Cẩn. "Ngữ pháp tiếng Việt". Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Hà Nội, 1975. Tr.33)

Trong bản thân ý nghĩa của mỗi từ loại, thực từ bao giờ cũng chứa đựng sự thống nhất của các nhân tố "từ vựng" và nhân tố "ngữ pháp". (Đinh Văn Đức. "Về một cách hiểu ý nghĩa các từ loại trong tiếng Việt". Tạp chí Ngôn ngữ, số 2, năm 1978. Tr.39)

Thực từ là từ có "nghĩa thực" (hoặc nghĩa từ vựng) về sự vật, hiện tượng, loại nghĩa mà nhờ nó có thể làm được sự liên hệ giữa các từ với sự vật, hiện tượng nhất định. Ví dụ: cơm, bánh, ăn, sản xuất, ngon, giỏi, tích cực... Thực từ có thể dùng làm phần đề và phần thuyết trong một nòng cốt câu. Với hai thực từ đã có thể cấu tạo được một nòng cốt câu đơn. Ví dụ: Xe // chạy. Lúa // tốt. (UBKHXHVN. "Ngữ pháp tiếng Việt". Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1983. Tr.68)

Hư từ

Ví dụ 1

Nêu nhận xét về ý nghĩa từ vựng của các từ được gạch chân trong các ví dụ sau đây:

a. đang học

b. tôi với anh

Các từ được gạch chân trong các ví dụ trên không có ý nghĩa từ vựng chân thực, không có khả năng định danh sự vật, hiện tượng, trạng thái, tính chất mà chỉ có khả năng làm dấu hiệu bổ sung một số ý nghĩa ngữ pháp cho thực từ.

Cụ thể:- Từ đang bổ sung ý nghĩa thời gian hiện tại cho động từ học;- Từ với bổ sung ý nghĩa quan hệ bình đẳng cho các từ tôi - anh.

Ví dụ 2

Các từ được gạch chân trong các ví dụ sau có chức năng ngữ pháp như thế nào trong các cụm từ chính phụ và trong các câu?

a. đang học bài

b. Có lẽ nó đang học bài.

- Từ đang không thể làm thành tố chính mà chỉ có khả năng làm thành tố phụ của cụm động từ.- Từ có lẽ là thành phần phụ tình thái trong câu biểu thị sự phỏng đoán, chưa chắc chắn.

Định nghĩa

Những từ được đề cập đến trong các ví dụ trên được gọi là hư từ. Vậy, theo anh, chị, hư từ là gì?

Hư từ không có chức năng định danh, không có khả năng độc lập làm thành phần câu, dùng để biểu thị các quan hệ ngữ nghĩa - cú pháp khác nhau giữa các thực từ.(Nguyễn Như Ý chủ ; biên. "Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học". Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1996. Tr.123)

Hư từ dùng để biểu thị ý nghĩa ngữ pháp và không có ý nghĩa từ vị.(Nguyễn Văn Tu. "Khái luận ngôn ngữ học". Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1960. Tr.196)

Hư từ không tồn tại độc lập nếu không có những thực từ. Tuy vậy, chúng vẫn khác với các từ tố ở chỗ không gắn chặt với thực từ, chúng vẫn có đời sống riêng giữa các thực từ, thậm chí giữa các mệnh đề nữa.Hư từ vẫn biểu thị khái niệm: đó là khái niệm về sự tương quan giữa các sự vật. Bởi vậy, hư từ - là những từ - quan hệ - tuy không làm thành phần của câu nhưng rất cần thiết cho việc xây dựng câu.(Đỗ Hữu Châu. "Giáo trình Việt ngữ". Tập 2 - Từ hội học. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1962. Tr.20)

Theo nghĩa dùng trong ngôn ngữ học, hư từ là những từ không có ý nghĩa từ vựng chân thực, mà chỉ có tác dụng làm công cụ ngữ pháp để chỉ các ý nghĩa ngữ pháp khác nhau của các từ.(Nguyễn Kim Thản. "Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt". Tập 1. Nxb KHXH, Hà Nội, 1963. Tr.35)

Từ hư là những từ không có khả năng một mình tạo thành câu, không có khả năng một mình làm phần nêu hoặc phần báo trong phần chính của câu; đồng thời không có chức năng gọi tên (hoặc trỏ) sự vật, thuộc tính của sự vật, nhưng lại có chức năng làm dấu hiệu của một quan hệ ngữ pháp nào đó, một tình cảm hoặc một thái độ nào đó. (Hồng Dân. "Bước đầu tìm hiểu vấn đề từ hư trong tiếng Việt". Tạp chí Ngôn ngữ, số 1, năm 1970. Tr.66)

Tiếng độc lập, hư, phần lớn là những yếu tố xưa nay ta thường quen gọi là hư từ (hay từ công cụ). (Nguyễn Tài Cẩn. "Ngữ pháp tiếng Việt". Nxb ĐH và THCN, Hà Nội, 1975. Tr.33)

Hư từ là những từ dùng để biểu thị một số những quan hệ cú pháp nhất định. (UBKHXHVN. "Ngữ pháp tiếng Việt". Nxb KHXH, Hà Nội, 1983. Tr.29)

Đó là tập hợp không lớn về số lượng các từ, bản chất của ý nghĩa hư từ là tính chất ngữ pháp, là phương tiện biểu đạt mối quan hệ giữa các khái niệm trong tư duy theo cách thức phản ánh bằng ngôn ngữ của người bản ngữ. (Đinh Văn Đức. "Ngữ pháp tiếng Việt (từ loại)". Nxb ĐH và THCN, Hà Nội, 1986. Tr.43)

Hư từ chân chính thì không thể thay thế bằng từ khác trong một văn cảnh cụ thể được. Thuộc vào đây có các chỉ tố về số (những, các), các mạo từ (mọi, mỗi, từng, cái), các chỉ tố thời gian (đã, sẽ, đang, vừa, mới, từng), hệ từ (là), giới từ (cùng, bằng, với), liên từ (nếu, tuy, nên), liên giới từ (của, vì, bởi). (Nguyễn Minh Thuyết. "Thảo luận về vấn đề xác định hư từ trong tiếng Việt". Tạp chí Ngôn ngữ, số 3, năm 1986. Tr.43).

Lưu ý

- Sự phân loại thực từ - hư từ chỉ mang tính chất tương đối.- Số lượng thực từ nhiều hơn hư từ nhưng hư từ lại có tần số sử dụng cao hơn. - Trong quá trình sử dụng, có sự chuyển hóa giữa thực từ sang hư từ và ngược lại.

tiếng Việt thực hành



Nguồn: voer.edu.vn/m/thuc-tu-va-hu-tu/6c6dac41


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận