Thanh Bình từ đường với lễ tế tổ
I- Thanh Bình Từ Đường
Thanh Bình Từ đường là nhà thờ Tổ hát tuồng lớn nhất của nước ta, được trùng tu vào năm Minh Mạng thứ tư ( 1823) chưa rõ xây dựng năm nào.
Thanh Bình Từ đường ở ngoài kinh thành, tại phường Phú Hiệp hiện tại (gần chợ Dinh, từ cầu Gia Hội, dọc theo đường Chi Lăng đi xuống khoảng 1km).
Đây là nhà thờ Tổ hát tuồng lớn nhất còn lại sau bao biến cố ở Huế.
Ngôi Từ đường này ngày trước là nơi hằng năm những người trong ngành tuồng tụ tập lại trao đổi những công phu và sáng tạo nghề nghiệp nhân ngày tế Tổ. Đây còn là địa điểm để các nghệ nhân hoạt động ngành tuồng ở các tỉnh ngoài Bình - Trị - Thiên như Nghệ Tĩnh, Quảng Nam, Nghĩa Bình... quy tụ lại mỗi khi ghé qua Huế, để bái yết Từ đường, xem như nơi thờ Tổ hát tuồng chung cả nước.
Chung quanh Thanh Bình Từ đường là cơ sở của Thanh Bình Thự, cơ quan quản lý công việc đào tạo các nghệ nhân múa, nhạc, hát của triều đình, các lớp để dạy tuồng cho các em nhỏ (ban Đồng ấu), trụ sở của các đội Việt Tường thời Minh Mạng, Tự Đức và Võ Can từ sau đời Thành Thái.
Khoảng đất rộng trước Thanh Bình Từ đường ngày trước dùng làm nơi dựng rạp để trình diễn vào những ngày lễ hội.
Phần sàn giữa sát hiên, ngày trước có dựng một ngôi nhà dùng để tiếp khách. Ngoài sân, phía bên phải (từ trong Từ đường nhìn ra) có một tấm bia dựng năm 1858, phía bên trái đối diện có một tấm bia bằng đá khắc vào năm 1824. Bia phía bên phải ghi việc sửa chữa lại Từ đường và những người có công trong việc dựng bia, bìa phía trái ghi về nghệ thuật tuồng cùng một số quan niệm về tuồng.
Hiện nay, tất cả các cơ sở của Thanh Bình Thự, Việt Tường đội, tiền đường đều bị hư nát, chỉ còn lại nhà thờ Tổ và hai tấm bia.
Qua các câu đối và cách bày biện thờ cúng trong Thanh Bình Từ đường, ta nhận thấy một số điểm sau:
Ý nghĩa của các câu đối trong Thanh Bình Từ đường cho ta biết quan niệm của người xưa về nghệ thuật tuồng, nói lên lòng biết ơn của những người đương thời đối với các bậc tiền bối đã có công truyền dạy nghề nghiệp, thể hiện sự ghi nhớ công đức của các bậc thánh thần, tổ tiên cùng ân huệ của nhà vua, nhờ đó ngành tuồng mới được hưng thịnh. Một số câu đối khác đề cập đến mục đích thành lập Thanh Bình Từ đường, khuyến dụ các nghệ nhân luôn luôn trau dồi đạo đức, nghiệp vụ để cầu mong tiến bộ mãi mãi. Như vậy Thanh Bình Từ đường ngoài nhiệm vụ, chức năng của một nơi chốn có tính cách nghi lễ, còn mang biểu tượng có tính giáo huấn.
2. Tuy chỉ là nơi thờ ông Tổ hát tuồng, nhưng Thanh Bình Từ đường còn thờ đủ các vị lãnh đạo của các tôn giáo (Tiên thiên Thánh giáo, Phật giáo, Thần giáo, Đạo giáo), các thần phổ biến trong dân gian (thần Bếp, thần Đất, thần Núi, Thập nhị thời thần, chúa Sơn lâm). Lý do để thờ, ngoài việc biểu lộ lòng ngưỡng vọng các thế lực siêu nhiên vẫn còn ngự trị trong tâm hồn và tư tưởng của người xưa - một hạn chế về mặt tư tưởng trong một giai đoạn lịch sử nhất định, còn có ý nghĩa lên hệ đến nghề nghiệp.
''Sở dĩ phải thờ các thần thánh, Phật, Tiên, chúa Sơn lâm… vì trong lúc diễn tuồng tích, các nghệ nhân buộc phải sắm các vai ấy. Họ xem đó là một sự xúc phạm đến thần thánh lâu nay vẫn được nhân dân tôn thờ. Vì thế đến ngày rằm tháng bảy, ngày tế Tổ ngành tuồng (cũng là ngày “xá tội vong nhân'') có hát ''đưa linh tập chèo'', sau đó có nghi lễ vất bỏ y trang hát tuồng, một hình thức để nghệ nhân chuộc tội với thần linh về phương diện nghệ thuật. Tiếp đó, có nghi thức chuộc lại đồ y trang bằng một mâm cau : trầu - rượu để nghệ nhân tiếp tục hành nghề''
3. Về các thầy dạy tuồng được thờ trong Thanh Bình Từ đường, chỉ có tên Cản Cương Hầu, một nghệ nhân Trung Quốc sang dạy tuồng ở Việt Nam dưới triều Minh Mạng. Không có tên Lý Nguyên Cát, Đào Duy Từ. Có lẽ Lý Nguyên Cát là thầy dạy kịch nghệ vào đời Trần, quá xa với triều Nguyễn; còn Đào Duy Từ, tương truyền có dạy tuồng nhưng không có tên tuồng các bài vị ở Thanh Bình Từ đường. Từ sự kiện này ta có thể suy ra Đào Duy Từ tập Hòa Thanh Thự dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635) chủ yếu để luyện tập về nhạc và vũ.
4. Nhà thờ Tổ Thanh Bình là cơ sở phụng thờ chính thức được triều đình nhà Nguyễn công nhận (hiện vẫn còn ngọc sắc của triều đình). Các nhà thờ tổ khác ở trong nước chỉ là cơ sở phụ. Nếu một gánh hát tuồng ở bất cứ một địa phương nào tan rã thì gởi hai (hoặc một, hoặc ba) ông làng về thờ tại Thanh Bình Từ đường. Ngược lại, nếu một đoàn tuồng nào thành lập cũng có thể xin rước các ông làng tại Thanh Bình Từ đường về đoàn mình để thờ phụng. Đó là lý do giải thích tại sao ở Thanh Bình Từ đường lại có 17 ông làng ở các nơi gởi đến chưa kể các ông làng đặt ở trong khám được thờ ở bàn giữa.
Tại hành lang của Thanh Bình Từ đường ở hai bên tả, hữu có bàn thờ để thờ nam và nữ nghệ nhân ở các nơi khác.
Thanh Bình Từ đường quả là nơi trung tâm thờ tự của ngành tuồng Việt Nam.
5. Sau khi đã qua đời, tất cả nam nữ nghệ nhân đều được thờ tại Thanh Bình Từ đường. Vậy nơi này không chỉ thờ ông Tổ hát tuồng mà còn là nơi thờ những người có công với nghệ thuật hát tuồng. Đó là một hình thức nói lên lòng biết ơn của những người đời sau đối với các nghệ nhân có tài, có đức đã khuất; là một truyền thống tốt đẹp của nhân dân Việt Nam ''uống nước nhớ nguồn'', đồng thời cũng là niềm an ủi cuối cùng cho những người suốt đời phục vụ nghệ thuật.
II- Lễ tế Tổ
Tế tổ là một nghi lễ quan trọng được tổ chức tại Thanh Bình Từ đường hàng năm
''Ngoại trừ việc thắp nhang hàng tháng vào các ngày sóc, vọng, các ngày lễ tiết trong năm như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, ngày 3 tháng 3, Tết mồng năm đều có trầu, rượu cúng tổ. Riêng ngày Xuân tế (15 tháng 3 âm lịch) và Thu tế (ngày 15 tháng 7 âm lịch) tổ chức qui mô hơn, công việc tế ít nhất kéo dài tới 3 ngày. Một ngày chuẩn bị lễ vật, quét dọn và bày biện trang trí trong và ngoài Từ đường. Một ngày thu dọn. Đây là việc tế bình phường, tức là chỉ có dâng hiến lễ vật. Đại lễ chỉ tổ chức 3 năm một lần vào ngày rằm tháng bẩy.
Đại lễ tế Tổ gồm:
- Ngày lễ trình hay ngày chuẩn bị
- Ngày tế, hát thất kịch và múa chèo lễ đại hàn.
- Ngày lễ tạ hay ngày thu dọn.
Năm nào có đại lễ các phường, gánh hát quanh vùng đều được báo từ nhiều tháng trước để sắp xếp công việc và sắm sửa lễ vật về dự. Ngoài lễ vật, tiền nong quyên cúng, mỗi gánh thường mang về trình diễn những miếng trò hay, những điệu hát mới sáng tác trong năm qua. Phần việc của ngày lễ trình và lễ tạ chủ yếu thuộc về ban tổ chức. Ngày tế và múa hát đại đàn mới thực sự là phần việc chung của tất cả mọi người.
Nghi thức đại lễ diễn ra ở cả ngoài sân và trong nhà. Từ đường suốt cả ngày với ba phần:
- Tế.
- Hát thất kích
- Múa chèo lễ đại đàn''
Lễ tế Tổ ở Thanh Bình Từ đường biểu hiện lòng ''tôn sư trọng đạo'' vốn là tinh thần truyền thống của nhân dân Việt Nam được tiếp nối từ những lưu dân vào vùng đất mới. Loại trừ những yếu tố có tính chất mê tín trong hình thức tổ chức nghi lễ, ta hãy xét nội dung hát thất kịch, nghệ thuật trình diễn của nó cùng múa hát chèo lễ đại đàn để thấy những mặt đóng góp cửa đại lễ tế Tổ vào nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Về hát thất kịch, qua văn bản ta của nội dung thất kích (cách) thành bảy ''cách'' như sau:
Cách 1: từ câu l đến câu 55, có 3 ý:
- Mừng đất nước, vua chúa (câu 1 - câu 2)
Lý do tiết lễ (câu 12 - câu 28)
- Dâng hương thỉnh chư vị (câu 29 - câu 55)
Cách 2: Từ câu 56 đến câu 75, chỉ có một nội dung chúc tụng các chư vị.
Cách 3: Từ câu 76 đến câu 105, trình bày:
- Quá trình hình thành vũ trụ, con người, cuộc sống (câu 76 - câu 95)
- Sự ra đời của hát bộ (câu 96 - câu 97)
- Dâng hương (câu 98 - câu 105)
Cách 4: Từ câu 106 đến câu 194; trình diễn nghề nghiệp thờ Tổ.
- Giáo (không) các trò:
- Không đất (câu 116 - câu 123)
- Không trống (câu 124 - câu 147)
- Không pháo (câu 148 - câu 167)
Và thơ các trò trên:
- Thơ đất (câu 168 - câu 174)
- Thơ trống (câu 175 - câu 179 )
- Thơ pháo (câu 180 - câu 184 )
Các đoạn các câu từ 185 đến 193 chưa rõ nói gì.
Cách 5: Từ câu 194 đến câu 245: mời mọi người đưa linh về (câu 194 - câu 204)
Nêu gương ''hiếu thảo'' của 12 người con hiếu theo sách Nhị thập tứ hiếu (câu 205 - câu 341)
Nói về tầm quan trọng của chữ ''Hiếu'' (câu 242 - câu 245)
Cách 6: Từ câu 246 đến câu 282: Bày tỏ lòng hiếu kính. Trong đoạn này có ít câu chưa rõ nói gì.
Cách 7: Từ câu 283 đến hết (câu 303). Tiễn linh hồn tái hồi thượng giới''
Qua nội dung trên, Thư kích bản bắt đầu bằng sự chúc tụng, lướt qua mô tả quá trình hình thành vũ trụ, con người, cuộc sống, từ cuộc sống vật chất đến cuộc sống tinh thần, là một tiến hóa cho đến khi nghệ thuật tuồng ra đời. Thư kích bản tiếp tục trình các lối trình diễn nghề nghiệp thờ Tổ, đề cập đến chữ hiếu và kết thúc bằng nghi lễ tiễn linh hồn về thượng giới.
Hát thất kích là một hình thức diễn xướng dân gian có tính cách nghi lễ. Qua lối trình diễn nghệ thuật này, ta thấy nổi bật tính địa phương, tính dân tộc rất sâu sắc, phản ánh trung thực nguyện vọng của người xưa về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Rõ ràng, qua nghệ thuật trình diễn hát thất kích, không những ta thấy được hình thức sinh hoạt mang tính chất nghề nghiệp mà còn hiểu được tâm tình, nguyện vọng của một ''phường'' hoạt động nghệ thuật, có những tập tục truyền thống đậm đà tính chất văn hóa.
Múa hát chèo lễ đại đàn là một nghi thức múa chèo đưa linh mà trong nghi lễ đưa tang cho người chết ở Thừa Thiên ta thường gặp. Tuy nhiên, nghệ thuật múa hát trong chèo lễ đã đàn là sự phát triển nâng cao từ nghệ thuật múa hát trong dân gian. Ở đây ta thấy được những động tác múa chèo nhịp nhàng, những đội hình đẹp mắt, điệu hát rộn ràng trong không khí sôi động hơn là bi thương.
Các điệu lý, hò nện có xướng xô giữa nhà cái và nhà con cùng sự đồng diễn của ''ông lái'' làm cho không khí buổi trình diễn thêm sinh động, bớt tính cách nghiêm trang, nặng nề của nghi lễ. Ở đây, bằng lối trình diễn nặng tính cách sinh hoạt dân gian, đoàn múa chèo đã đưa linh hồn của người chết về cõi âm trong tiết điệu khỏe khoắn, tưởng như là tiết điệu của sự sống đang trỗi dậy, làm cho ta thấy hầu như không có sự phân biệt giữa cõi trần và cõi âm, giữa thực và giả. Sân khấu chính là cuộc đời.
Tính cách sân khấu cũng thể hiện trong hình thức vứt bỏ hòm phục trang ra ngã ba đường rồi cho người mang cau, trầu, rượu đến chuộc lại. Hình thức ấy vừa biểu hiện lòng kính trọng của những người trong nghề tuồng đối với Tổ, vừa là một sự thể hiện sắc nét tính chất ''tuồng, kịch'' của một ngành nghệ thuật ở nước ta.