Tài liệu: trong trung tâm dải ngân hà

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

PHÂN TỬ HỮU CƠ TRONG VŨ TRỤ. ''KHO RƯỢU'' TRONG TRUNG TÂM DẢI NGÂN HÀ Điều kiện lý hoá trong môi trường trên Trái đất khác hẳn với điều kiện trung bì
trong trung tâm dải ngân hà

Nội dung

PHÂN TỬ HỮU CƠ TRONG VŨ TRỤ.

''KHO RƯỢU'' TRONG TRUNG TÂM DẢI NGÂN HÀ

 

Điều kiện lý hoá trong môi trường trên Trái đất khác hẳn với điều kiện trung bình trong môi trường của những Thiên hà. Trong không khí ta thở có tới hàng vạn triệu tỷ (1019) nguyên tử và phân tử trong một centimét khối! Nhiệt độ bình thường mùa Hạ trong vùng ôn đới trên mặt Trái đất khoảng 300 độ Kenvin (27 độ C). Chân không thực hiện được trong các phòng thí nghiệm cũng còn có tới vài triệu phân tử trong một phân khối. Mật độ trung bình trong các dải Thiên hà chỉ bằng vài chục nguyên tử Hyđrô trong một centimét khối và nhiệt độ khoảng vài chục độ Kenvin. Những đám mây khí đặc nhất trong môi trường giữa các sao chỉ chứa vài triệu tới vài trăm triệu phân tử Hyđrô trong một centimét khối. Tóm lại, so với khí quyển trên một Trái đất thì môi trường giữa các sao rất loãng và lạnh làm cho xác suất va chạm giữa những nguyên tử rất thấp cho nên môi trường giữa các sao trong Vũ trụ dường như không thuận lợi cho quá trình tổng hợp các phân tử. Tuy nhiên, nhờ có các tia tử ngoại phát ra từ những ngôi sao chiếu vào những đám mây khí nên các phản ứng hoá học được tiến hành một cách hiệu nghiệm. Những hạt bụi trong những đám mây khí cũng cần thiết cho sự bảo tồn phân tử vì chúng chắn những tia có thể làm huỷ phân tử.

Sự phát hiện ra phân tử trong các dải Thiên hà là một sự kiện vô cùng quan trọng trong quá trình nghiên cứu một thành phần chủ yếu của môi trường giữa các sao. Thành phần này là những đám ''mây đen'' không nhìn thấy và cũng không thể phát hiện bằng vạch vô tuyến 21 centimét của nguyên tử Hyđrô. Vì rằng những đám mây đen có nhiều khí và bụi, nhưng không có nhiều nguyên tử Hyđrô; nguyên tố này đã tổng hợp thành phân tử, nên không phát ra vạch 21 centimét. Những vạch phân tử đã được phát hiện trong dải Ngân hà từ năm 1940. Đó là những vạch trong vùng phổ khả kiến của hai phân tử đơn giản là CH và CN, gồm có hai nguyên tử. Phải đợi tới những năm 60 và 70, kỷ nguyên của viễn kính vô tuyến, các nhà vật lý thiên văn mới phát hiện thêm được những phân tử khác.

Lý do là những vạch phân tử thường dễ phát ra trên các bước sóng vô tuyến hơn là trên bước sóng khả kiến. Sự va chạm với hạt phôtôn hồng ngoại phát ra bởi bụi hoặc với Hyđrô dễ làm phân tử quay. Mỗi khi trạng thái quay thay đổi vì va chạm thì phân tử bị ''kích thích'' lên những mức năng lương cao. Rồi từ năng lượng cao, phân tử tự rơi xuống những mức năng lượng thấp và phát ra những vạch trên những bước sóng vô tuyến (sóng milimét). Nếu muốn phát ra các vạch trong vùng khả kiến, phân tử phải được kích thích lên những mức năng lượng rất cao. Sự kiện này hiếm có hơn vì cần phải có nhiều năng lượng để làm cho những êlectrôn trong phân tử thay đổi hẳn quỹ đạo. Tóm lại, phân tử dễ thay đổi trạng thái quay và dễ có khả năng phát ra những vạch vô tuyến trong vùng sóng milimét.

Cho đến nay (1994), ngót một trăm phân tử trong đó có nhiều chất hữu cơ, đã được phát hiện trong dải Ngân hà. Những phân tử này ở trạng thái khí trong các đám mây giữa các sao. Phân tử Hyđrô H2 nhiều nhất trong Vũ trụ. Mật độ của phân tử thông thường như CO (cacbon oxit) chỉ bằng một phần mười vạn (10-5) mật độ của Hyđrô. Những loại phân tử khác hiếm hơn, có mật độ bằng một phần tỷ (10-9) tới một phần triệu (10-6) mật độ của Hyđrô. Phần lớn phân tử tìm thấy trong Vũ trụ là những phân tử quen thuộc đối với những nhà hoá học làm trong phòng thí nghiệm. Xianhiđric Axit (HCN) là khí rất độc đã được dùng làm hơi độc. Fomanđehit, H2CO, là loại khí có mùi khó ngửi được hòa trong nước thành focmon để làm chất tẩy và chất khử trùng. Phân tử phức tạp nhất, HC11N, có 13 nguyên tử là một chuỗi cacbon dài với công thức hoá học khai triển có những liên kết ba, , phân tử dễ nổ đã được phát hiện trong vỏ khí của một ngôi sao khổng lồ đỏ và già, nơi có nhiều khí, bụi và nhiệt độ tương đối cao. Đó là những điều kiện rất thuận lợi cho sự tổng hợp của những nguyên tố phức tạp.

Năm 1975, các nhà thiên văn vô tuyến Mỹ đã phát hiện được rượu Etylic CH3CH2OH trên bước sóng 3 milimét trong ''đám mây phân tử khổng lồ'' ở trung tâm dải Ngân hà. Trong bài báo công bố phát hiện đăng trong một tạp chí khoa học, họ khởi đầu như sau: ''Ngay từ buổi bình minh của những nền văn minh, rượu Etylic là một sở thích của nhân loại. Hơi rượu trong đám mây khi phát hiện trong trung tâm dải Ngân hà, nếu đọng lại thành rượu nguyên chất phải chứa trong một trăm ngàn vạn vạn triệu tỷ (1028) chai (mỗi chai 0,75 lít). Kho tàng rượu này nhiều hơn tất cả lượng rượu cất bởi loài người từ xưa đến nay. Kho rượu thiên nhiên quý báu đó có thể cung cấp rượu trong 5 triệu tỷ (5.1015) năm cho toàn nhân loại có hiện nay dù ai cũng uống mỗi ngày một chai.  Tiếc thay cho những người thích rượu, trung tâm Ngân hà cách xa ta những 30 nghìn năm ánh sáng, nên rượu không trong tầm tay của nhân loại.

Mới đây có tin là phân tử glycine (glixin) một axít amin đầu tiên, thành phần của chất đạm trong tế bào cũng được phát hiện trong đúng đám mây của kho rượu. Nếu kết quả khả quan này được khẳng định, phải chăng nó chỉ là một sự trùng khớp ngẫu nhiên hay một sự kiện được dùng để chứng minh là trung tâm dải Ngân hà có sinh vật có khả năng cất rượu! Dù sao glycine chỉ là một trong những thành phần rất cơ bản của chất đạm. Sự phát triển từ những chất hữu cơ đó tới trạng thái sinh vật là một quá trình rất lâu dài.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/186-02-633390340387993750/Vu-tru-va-su-hinh-thanh-the-gioi-thien-ha-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận