1 dt 1. Âm tiết không kể phụ âm đầu, dù là bằng hay trắc đọc giống nhau trong những câu đặt gần nhau của một bài thơ hay một quyển thơ: Trong hai câu đầu Truyện Kiều:"Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài, chữ phận khéo là ghét nhau" ta và là cùng một vần; ở bài thơ Đêm mùa hạ của Nguyễn Khuyến, trong hai câu đầu "tháng tư đầu mùa hạ, tiết trời thực oi ả" hạ và ả cùng một vần . 2. Câu thơ: Gọi là có mấy vần mừng bạn. 3. Sự phân tích các âm tiết trong một câu: Đánh vần. 4. Chữ cái đứng đầu các từ trong một quyển từ điển hay trong một danh sách: Xếp các từ theo vần A, B, C; Đọc danh sách theo thứ tự vần A, B, C. 5. Cung điệu của nhạc: Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương (K).
2 đgt 1. Chuyển một vật nặng bằng cách lăn đi: Vần cái cối đá. 2. Xoay nồi cơm trên bếp để cho chín đều: Tiếc thay hạt gạo trắng ngần, đã vo nước đục lại vần than rơm (cd). 3. Gây gian nan, đau khổ cho ai: Hồng quân với khách hồng quần, đã xoay đến thế còn vần chưa tha (K). 4. Chuyển động: Đùng đùng gió giật mây vần (K).