Tin tức: Đại biểu Quốc hội phải quan hệ mật thiết với dân

Đại biểu Quốc hội phải quan hệ mật thiết với dân

Nội dung

Từng là đại biểu Quốc hội nhiều khóa, GS. Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Khoa học - Giáo dục và Môi trường của UBTƯMTTQ Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm, tâm huyết của mình trong quá trình làm đại biểu của nhân dân.

Dai bieu Quoc hoi phai quan he mat thiet voi dan - Anh 1

GS. Nguyễn Lân Dũng. (Ảnh: VOV).

Hiện nay công tác bầu cử đang bước vào giai đoạn các ứng cử viên vận động tranh cử. Từng tham gia nhiều khóa Quốc hội, GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng: Cơ cấu để lựa chọn đại biểu quan trọng nhưng chất lượng đại biểu phải được đặt lên hàng đầu. Cơ cấu làm nên chất lượng nhưng giữa cơ cấu và chất lượng phải hài hòa, hợp lý. Cơ cấu mà “ép” địa phương quá thì không nên. Thực tế đã có địa phương gặp khó khăn trong quá trình dự kiến lựa chọn ứng cử viên ĐBQH khi một người phải gánh nhiều cơ cấu, vừa là nữ, vừa là người dân tộc ít người, lại vừa trẻ và ngoài Đảng.

Chất lượng đại biểu Quốc hội đã có những quy định rất rõ. Không chỉ cần đạo đức tốt mà còn cần phải có năng lực, có điều kiện về thời gian để hoạt động Quốc hội. GS Nguyễn Lân Dũng nhớ lại những khóa trước làm ĐBQH có lần ông gặp một cô giáo trẻ đại diện cho thành phần dân tộc làm ĐBQH. Thấy cô cắm cúi ghi chép cả các tỷ số bỏ phiếu nhưng cả kỳ họp Quốc hội đó không thấy cô phát biểu gì. “Tôi hỏi: “Cháu chép mấy thứ ấy làm gì? Cô giáo đó nói rằng: “Không chép, cháu cũng chả biết làm gì!”. Tôi thấy như vậy rất tội nghiệp và bản thân cô giáo đó cũng thiệt thòi. Có thể sau 5 năm làm ĐBQH tuy các cô vẫn yêu nghề nhưng có khi lại không được đứng lớp vì môn học đó đã có người dạy mất rồi. Các cô phải chuyển sang làm công đoàn, thư viện, thanh niên….hay những công việc không đúng với nguyện vọng của mình” - ông Dũng chia sẻ.

Từ câu chuyện này, GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, cơ cấu đại biểu là cần thiết nhưng nữ phải là những phụ nữ tiêu biểu, trẻ cũng là những cán bộ trẻ xuất sắc, đồng bào dân tộc ít người phải là những người am hiểu chính sách dân tộc và biết bảo vệ quyền bình đẳng cho dân tộc mình.

Đối với ĐBQH mỗi năm có 4 lần tiếp xúc cử tri nhưng có một điểm cần lưu ý là những cử tri đó là ai và ở đâu? Theo GS. Nguyễn Lân Dũng, những lần tiếp xúc cử tri ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa-Vũng Tàu đều không hạn chế số người dự, ai đến cũng được, nếu đông quá thì bắc loa ra ngoài.

“Với cách làm này tôi thấy cử tri có điều kiện kiến nghị, chất vấn và giám sát hoạt động của các đại biểu do mình bầu ra. Với những “đại cử tri” ở thành phố lớn, tiếp xúc cử tri trong các phòng sang trọng, lần nào cũng vẫn chỉ là những gương mặt quen biết, thậm chí có những nơi phải có giấy mời mới được đi dự, có những nơi cử tri muốn phát biểu gì phải viết trước ra giấy trước. Điều đó là hoàn toàn thiếu dân chủ và không đúng quy định” - GS Nguyễn Lân Dũng khẳng định.

Hơn nữa, cũng theo GS Dũng, đã có quy định ĐBQH phải thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với cử tri, cử tri muốn gặp đại biểu lúc nào cũng được.

Bản thân GS Nguyễn Lân Dũng khi làm ĐBQH, người dân đến gặp rất đông, không bận thì ông mời vào nhà, họ đưa đơn thì ông tiếp, nếu bận thì hẹn thời gian khác... Không phải là cử tri những nơi ông ứng cử mà ngay cả cử tri ở tỉnh hay thành phố nào đó ông cũng tiếp.

“Tôi quan niệm ĐBQH là đại biểu của cả nước. 500 ĐBQH là đại biểu của toàn dân chứ không phải chỉ là đại biểu của nơi mình ứng cử. Trong những lần tiếp xúc cử tri ở các tỉnh bạn tôi cũng hỏi họ sao không gặp đại biểu mà mình bầu ra, họ bảo khó gặp lắm, đến Trụ sở cùng lắm là chỉ gặp được Thư ký của Đoàn, đến nhà thì họ không tiếp. Cái đó theo tôi là không đúng quy định vì ĐBQH cần phải có quan hệ mật thiết với nhân dân” - GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.

GS. Nguyễn Lân Dũng cũng chia sẻ niềm vinh dự khi con trai ông là PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu được Tổng hội Y học Việt Nam giới thiệu ứng cử ĐBQH.

“Tổng hội Y học là nơi có hàng trăm giáo sư nổi tiếng trong và ngoài nước, lại chỉ được cử một đại diện duy nhất tham gia Quốc hội, vậy mà lại chọn Lân Hiếu, một bác sĩ trẻ để tham gia vào cuộc bầu cử Quốc hội lần này thì là chuyện rất có ý nghĩa” - ông Dũng nói.

Nhã Phương

Từng là đại biểu Quốc hội nhiều khóa, GS. Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Khoa học - Giáo dục và Môi trường của UBTƯMTTQ Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm, tâm huyết của...

Nguồn: www.baomoi.com/dai-bieu-quoc-hoi-phai-quan-he-mat-thiet-voi-dan/c/19295386.epi


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận