Tin tức: Đề xuất cải tiến cách phản biện đổi mới giáo dục

Đề xuất cải tiến cách phản biện đổi mới giáo dục

Nội dung

Sáng 23/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có buổi trao đổi với lãnh đạo Bộ GD-ĐT, các nhà khoa học để nghe góp ý về đổi mới giáo dục nói chung, Đề án đổi mới chương trình-SGK nói riêng.

-

Đề xuất cải tiến cách phản biện đổi mới giáo dục

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trong buổi trao đổi, lấy ý kiến về đổi mới giáo dục sáng 23/12.

Tham dự có lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các chuyên gia, các nhà khoa học của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Hội Sinh học, Hội Địa lý, Hội Sử học, Hội Vật lý, Hội hóa học…

Bộ GD-ĐT cho biết, các bước thực hiện Đề án đổi mới chương trình, SGK đang được thực hiện khẩn trương. Mặc dù tới nay kinh phí cho đề án còn chưa được cấp nhưng để đảm bảo tiến độ, Bộ GD-ĐT đã chủ động các hoạt động chuẩn bị.

Trên tinh thần chú trọng phát huy sự đóng góp của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý… và toàn xã hội ngay trong quá trình xây dựng chương trình mới, Bộ đã sớm đưa dự thảo chương trình tổng thể ra để xin ý kiến rộng rãi.

Hiện nay Bộ đã xây dựng, lấy ý kiến và đưa ra báo cáo Hội đồng Giáo dục quốc gia (GDQG) cơ cấu hệ thống GDQG và Khung trình độ GDQG. Đồng thời đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành.

Cần trao đổi trực tiếp

Tại buổi làm việc, các chuyên gia, các nhà khoa học góp ý với Bộ GD-ĐT cần làm tốt hơn công tác tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức, chuyên gia thông qua các cơ chế có tính chính thức, ràng buộc trách nhiệm và đảm bảo điều kiện thực hiện chứ không chỉ lấy ý kiến rộng rãi trên mạng.

Đặc biệt chú ý phản hồi, phân tích các ý kiến không được tiếp thu, tránh để người góp ý có “cảm tưởng” Bộ chưa cầu thị.

Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam Lê Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam Nguyễn Đại Hưng, GS Phan Huy Lê đồng quan điểm trong việc đánh giá cao những bước chuẩn bị chủ động, tích cực của Bộ GD-ĐT.

Bên cạnh tôn trọng chuyên môn về khoa học giáo dục và vai trò quản lý nhà nước của Bộ, các chuyên gia rất muốn có nhiều dịp được trực tiếp trao đổi, tranh luận qua lại để đi tới đồng thuận.

GS Nguyễn Minh Thuyết góp ý: “Chúng ta cần những chuyên gia thực sự sâu sát để ngồi bàn vào nội dung của chương trình, SGK mới. Bên cạnh những nhà sư phạm cần có những nhà khoa học đầu ngành, có sự kết hợp giữa khoa học giáo dục và khoa học chuyên ngành”.

Tại buổi họp, đại diện Bộ GD-ĐT cũng đã cung cấp thêm nhiều thông tin khá chi tiết, làm rõ một số vấn đề trong quá trình xây dựng chương trình tổng thể.

“Trước đây mỗi môn xây dựng chương trình riêng nên không tận dụng được kiến thức liên môn thì nay với việc xây dựng chương trình mới chúng ta sẽ tận dụng được ưu thế này.

Trong quá trình giảng dạy tổ hợp thì từng môn vẫn do từng giáo viên giảng dạy, còn phần chuyên đề chung sẽ sử dụng kiến thức liên môn, được phân công cụ thể cho mỗi giáo viên”, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục THPT cho biết.

Cải tiến cách phản biện đổi mới giáo dục

Ghi nhận các ý kiến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải có cơ chế thực chất, hiệu quả hơn để huy động các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo… tham gia đóng góp cho đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT.

Cần cải tiến cách lấy ý kiến, trong đó quan trọng là huy động các hội khoa học, các chuyên gia tham gia nghiên cứu, góp ý, phản biện thông qua các cơ chế có tính gắn kết trách nhiệm với đảm bảo điều kiện thực hiện. Đặc biệt cần trao đổi, làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để đi đến thống nhất giải pháp đúng đắn, có lợi nhất”.

Phó Thủ tướng cũng “đặt hàng” Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam góp ý, tham gia vào dự thảo Cơ cấu Hệ thống GDQG và Khung trình độ QG mà Bộ đang hoàn thiện để trình Thủ tướng ban hành.

Văn Chung- Kiều Oanh

Sáng 23/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có buổi trao đổi với lãnh đạo Bộ GD-ĐT, các nhà khoa học để nghe góp ý về đổi mới giáo dục nói chung, Đề án đổi mới chương trình-SGK nói riêng.

Nguồn: www.baomoi.com/De-xuat-cai-tien-cach-phan-bien-doi-moi-giao-duc/c/18301448.epi


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận