Giá nhà đất đắt đỏ dường như đã là một 'thương hiệu' của Hong Kong. Ngày 7/6, Bloomberg dẫn một dữ liệu cho thấy các hộ gia đình tại Hong Kong phải mất khoảng 18 năm thu nhập bình quân để mua một ngôi nhà - mức chi trả cao nhất thế giới.
So sánh với các thành phố đắt đỏ khác sẽ thấy rõ điều này. Chẳng hạn, người dân ở Sydney (Úc) mất khoảng 12 năm thu nhập để mua nhà, ở London (Anh) là 8 năm rưỡi, trong khi đó người Mỹ ở New York thì chỉ cần chưa tới 6 năm đã có thể sở hữu nhà.
Tình hình lãi suất thấp, thiếu hụt nhà ở, đặc biệt là nhu cầu nhà ở lớn đến từ Trung Quốc đại lục trước nay được cho là những lý do tạo nên áp lực giá cả nhà đất ở Hong Kong. Tuy nhiên, ly dị cũng được cho là một nguyên nhân khác nữa khiến giá nhà ở Hong Kong luôn cao.
Các vụ ly dị được cho là một trong những nguyên nhân gây áp lực lên giá nhà đất Hong Kong.
Ảnh: một khu phố nhộn nhịp tại Hong Kong. Nguồn: AFP
Theo Richard Wong - chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Hong Kong đồng thời là nhà phân tích kỳ cựu về lĩnh vực nhà đất, trong hai thập niên qua, Hong Kong ghi nhận nhu cầu ly dị và tái hôn gia tăng đáng kể.
Cụ thể, từ năm 1976 tới năm 1995, có tất cả 803.072 đám cưới được thống kê. Trong số này, 84.788 cặp đã ra tòa ly dị và 65.794 trường hợp tái hôn.
Trong những năm tiếp theo tính tới 2015, nếu số lượng đám cưới không thay đổi nhiều, là 878.552 vụ thì số lượng các vụ ly dị lại tăng một cách đột biến, lên tới 323.298 vụ, và có 256.066 vụ tái hôn, Wong cho biết.
Wong cho rằng, làn sóng ly hôn này là một bất ngờ mà những nhà hoạch định nhà đất đã không thể lường trước được. Thực tế cũng ghi nhận, trong khi tổng số lượng nhà mới xây ở giai đoạn 1976 - 1995 đạt 1.267.335 thì 19 năm sau đó đã giảm xuống còn 857.378.
Số lượng các cặp đôi ly hôn tăng quá nhanh kéo theo nhu cầu thuê nhà, mua nhà gia tăng và đặt áp lực lớn lên chính phủ. Một khi ly hôn, các cặp đôi có xu hướng tìm tới các khu nhà tập thể, chung cư vì khó có thể mua được nhà riêng với mức thu nhập bình quân nêu trên.
Chưa kể, các cặp ly hôn ở Hong Kong những năm qua còn có xu hướng tìm kiếm người phối ngẫu ở nước ngoài, trong đó phần lớn là từ Trung Quốc đại lục.
Nhất là từ năm 1997, khi đặc khu Hong Kong được trả lại Trung Quốc, việc giao lưu giữa người dân hai bên trở nên dễ dàng hơn, và đa số đàn ông Hong Kong quyết định đón bạn đời từ Trung Quốc sang ở, theo Bloomberg.