Đối với nhân viên văn phòng hay học sinh – sinh viên thì môi trường làm việc chủ yếu là quanh chiếc bàn với đủ thứ sách vở, giấy tờ, máy tính…Và khác hơn so với những người lao động tay chân, chiếc bàn của giới viên chức, học sinh không chỉ là nơi làm việc mà còn là một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Nếu như nhà xưởng của người lao động chỉ yêu cầu tính gọn gàng, sạch sẽ để không vướng víu khi làm việc và mang tính công cộng cao thì chiếc bàn làm việc lại còn đòi hỏi tính thẩm mỹ cũng như thể hiện được cái tôi của mỗi người.
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cách bài trí để tạo nên góc làm việc, học tập thích hợp nhất.
1. Hãy coi bàn làm việc là một chiến trường
Trong khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chắc hẳn không ít lần chúng ta quên mang theo cái bút, quyển sách, quyển vở. Đối với những trường hợp này, học trò thường được ví như người lính ra trận mà không mang theo súng. Và để tạo nên góc làm việc đạt hiệu quả cao, chúng ta phải coi chính bản thân như một người lính, đồ dùng là vũ khí và bàn làm việc là chiến trường. Trước khi chiến đấu, những người lính phải bảo đảm những thứ quân trang cần thiết luôn ở trong tầm với. Và chúng ta cũng nên làm như vậy để tạo nên góc làm việc của bản thân.
Hãy sắp xếp sao cho những đồ dùng cần thiết nhất với công việc luôn ở gần nhất đối với chúng ta. Có 2 nhóm đồ vật luôn phải ở trong tầm tay. Nhóm đầu tiên là nhóm công cụ lao động như máy vi tính, tài liệu tham khảo, bút, vở ghi chép và thậm chí là cả nước tăng lực, coffee hay đồ ăn nhẹ (Hãy đảm bảo rằng đồ ăn, thức uống không làm ảnh hưởng đến giấy tờ, tài liệu). Nhóm thứ hai là nhóm những tài liệu đang tiến hành làm như các mẫu thiết kế, bản vẽ…
Hãy phân loại rõ ràng từng khu vực riêng trên bàn làm việc để không bị nhầm lẫn hay mất công lục lọi trong quá trình làm việc. Thường xuyên dọn dẹp bàn làm việc để loại bỏ hết những thứ không cần thiết, những phần công việc đã hoàn thành cũng là cách rất tốt để giữ một góc làm việc hoàn hảo.
2. Hãy giấu tất cả những gì không cần thiết
Những ngăn bàn, hộc tủ chắc chắn là nơi bạn có thể cất những thứ không thực sự quan trọng cho công việc. Tuy nhiên, hãy luôn nhớ rằng bạn sẽ cần tìm lại đồ đạc vào một lúc nào đó, vì vậy, ngay cả khi cất những thứ không cần thiết đi, hãy cất chúng một cách gọn gàng, ngăn nắp để có thể tìm lại khi cần.
Một thứ luôn làm chúng ta rối mắt, khó chịu trên bàn làm việc chính là các loại dây điện, dây cable, sạc điện, dây mạng…Không chỉ đối với những loại bàn nhỏ mà tổ hợp đủ các loại dây này cũng chẳng đẹp đẽ gì trên những chiếc bàn lớn. Gói gọn dây lại và giấu phía sau máy tính hoặc phía dưới gầm bàn (Những nơi chúng ta không nhìn đến khi làm việc) là cách duy nhất chúng ta có thể làm hiện nay, dù sao đi nữa, đây cũng là những thứ cần thiết với công việc, do đó, không thể hoàn toàn loại bỏ chúng đi được.
3. Mở rộng góc làm việc
Bàn làm việc không phải là phần duy nhất của không gian làm việc, chúng ta có thể mở rộng góc làm việc về không gian thẳng phía trên bàn. Những kệ sách, giá đỡ là những gì bạn cần để tạo nên một góc làm việc đầy đủ tư liệu lao động mà không khiến chiếc bàn trở nên chật chội.
Tuy nhiên, không phải bất cứ loại giá sách nào cũng có thể giúp bạn tạo ra một góc làm việc hoàn hảo. Sử dụng màu sắc đồng đều, hài hòa từ tường, bàn, ngăn tủ, kệ sách sẽ giúp cho không gian làm việc trong có vẻ thoáng đãng, rộng rãi hơn.
Không gian tối, gò bó cũng không phải là nơi tốt nhất cho tâm trí của bạn. Hãy đặt nơi làm việc ở căn phòng có nhiều cửa sổ, đón ánh nắng tự nhiên. Và cuối cùng, một việc bạn có thể làm đó là kết hợp giữa chính phông nền của máy tính hoặc bàn làm việc để có thể tạo ra cảm nhận về không gian mở, giúp đầu óc thư thái hơn khi làm việc.
Gọn gàng, ngăn nắp và những không gian sáng sủa là yếu tố kích thích tinh thần làm việc một cách tốt nhất.
Góc làm việc tuy nhỏ nhưng vẫn cho cảm giác rộng rãi nhờ cách sắp xếp hợp lý.
Bàn học nổi sẽ cho cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái.
(Theo GenK)