Theo chỉ số phát triển bán lẻ năm 2017 của AT Kearney, Việt Nam đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng thị trường bán lẻ toàn cầu. Các yếu tố khiến thị trường bán lẻ Việt Nam thu hút mạnh mẽ nguồn vốn bao gồm sự bùng nổ của thương mại điện tử, tự do thương mại, niềm tin của khách hàng và hạ tầng cơ sở liên tục được nâng cấp, phát triển. Bên cạnh đó, mật độ bán lẻ tại Hà Nội và Tp.HCM đang ở mức 0,26 và 0,12 m2 bán lẻ/người. Mức này thấp hơn nhiều so với các thành phố khác trong khu vực như Bangkok, Singapore và Kuala Lumpur.
Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bán lẻ Việt Nam buộc các dự án BĐS bán lẻ phải có sự cải tiến trong thiết kế và tiện ích nhằm thu hút khách hàng
Những thay đổi trong hành vi mua sắm của khách hàng cũng tác động đến thị trường bán lẻ Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ trong sự chênh lệch giữa tỷ lệ mở rộng của các ngành hàng bán lẻ khác nhau. Thời trang bình dân đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu ngành hàng bán lẻ. Kế đến là các ngành hàng như rạp chiếu phim, giải trí, ẩm thực. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng cao cấp và trang sức hiện đang phải cải thiện tình hình kinh doanh của các cửa hàng hiện có bằng cách thu nhỏ, thậm chí đóng cửa một số cửa hàng. Nguyên do là mặt hàng này có mức giá bán cao hơn từ 20% đến 50% so với mức trung bình trên thế giới (mức giá cao lại có nguyên nhân từ tác động của thuế và các vấn đề trong định giá).
Theo ông Matthew Powell, thực tế trên buộc các các doanh nghiệp bán lẻ phải nhanh nhạy hơn trong việc đáp ứng nhu cầu thường nhật của khách hàng, đưa ra mức giá phù hợp với túi tiền người tiêu dùng. Các ngành bán lẻ có mức giá bình dân đang chiếm tỷ trọng lớn tại Việt Nam.
Bất động sản bán lẻ chuyển mình
Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bán lẻ Việt Nam buộc các dự án bất động sản bán lẻ phải có sự cải tiến trong thiết kế và tiện ích nhằm thu hút khách hàng. Một số xu hướng được các nhà phát triển và chủ đầu tư lưu ý trong phát triển bất động sản bán lẻ có thể kể đến như: Các tiện ích, công viên giải trí, thời trang thể thao, ứng dụng công nghệ mới và loại hình làm việc chung Co-working. Ông Matthew Powell nhấn mạnh các chủ đầu tư cần đặc biệt chú trọng đến chất lượng quy hoạch và thiết kế, chất lượng quản lý và marketing trung tâm thương mại. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh từ các đơn vị bán lẻ nhỏ lẻ ở nhà phố, bán lẻ không chính thức và các hình thức thay thế bán lẻ cũng cần được lưu tâm.
Giám đốc văn phòng Savills Hà Nội cho rằng các nhà phát triển và chủ dự án bất động sản bán lẻ cần kết hợp nghiên cứu và hoạch định kỹ lưỡng dự án với tầm nhìn dài hạn. Các đơn vị này cần đánh giá về mức độ cạnh tranh của thị trường trong tương lai cũng như những thay đổi của thị trường bán lẻ tác động đến dự án bất động sản của mình. Ông Matthew Powell nhấn mạnh: “Khách hàng trong ngành bán lẻ đang thay đổi từng ngày. Trong tương lai, họ sẽ là những con người của kỷ nguyên công nghệ với smart-phone, facebook hay những tiện ích công nghệ khác... Các doanh nghiệp bán lẻ sẽ phải liên tục thay đổi để bắt kịp xu hướng. Các dự án bất động sản bán lẻ vì vậy cũng cần phải thích ứng để không bị đào thải trong thị trường cực kỳ tiềm năng nhưng cũng đầy cạnh tranh này”.
Minh Thảo (Theo Tuổi trẻ Online)
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Vì thế, các dự án bất động sản bán lẻ cần phải “chuyển biến” để theo kịp đà phát triển này.