Tin tức: Bỏ dở cấp ba ở VN vì học dốt, tôi đã tốt nghiệp thạc sĩ ở Mỹ

Bỏ dở cấp ba ở VN vì học dốt, tôi đã tốt nghiệp thạc sĩ ở Mỹ

Nội dung

Lúc dốt, mỗi khi tranh luận, tôi thường dùng câu “nghe người ta nói” và hay cãi cố để chứng tỏ mình hiểu biết. Nhưng bây giờ, khi tranh luận với đồng nghiệp, tôi thường đưa ra luận chứng logic hoặc nguồn từ đâu nhờ kiến thức đã học được ở trường. 

Tôi tình cờ đọc được những chia sẻ về hai thanh niên đỗ đại học nhưng quyết định chọn con đường khác. Hành động của họ được nhiều người ủng hộ và nhận định, đó là sự lựa chọn thông minh. 

Nhiều ý kiến phân tích đã được đưa ra, tốt nghiệp đại học vẫn thất nghiệp như thường, vậy học trung cấp, dạy nghề... liệu có đảm bảo khi ra trường sẽ có việc làm ngay lập tức?

Những người đã tốt nghiệp đại học chưa hiểu được cảm giác của những người chưa từng hoặc không đủ khả năng (học dốt) bước chân vào giảng đường nên không phân biệt được điều ấy khác đến thế nào. Tôi muốn chia sẻ giá trị của học đại học và cảm nhận "dốt" như thế nào vì bản thân tôi đã trải qua hai cảm xúc ấy. 

Mười người giàu nhất thế giới hiện nay bao gồm những nhân vật sau:

Bill Gate, Larry Ellision: Bỏ đại học 

Carlos Slim Helu, Jim Walson: Tốt nghiệp đại học 

Warren Buffett, Charles Koch, David Kock: Tốt nghiệp thạc sĩ 

Amancio Ortega, Christy Walson, Liliane Bettencourt: Không học đại học 

Nhìn vào danh sách người giàu, chúng ta thấy, dù có học đại học hay không, bạn vẫn có thể làm giàu. Vì thế, chuyện làm giàu và học vốn chẳng liên quan gì tới nhau.

Tuy nhiên, người giàu thường có điểm giống nhau là đều xem trọng việc học, vì thế, con của họ không ai học thấp hơn bậc đại học. Cho nên, các bạn hãy tạm dừng việc đem Bill Gate ra để ngụy biện cho việc bỏ học của mình. Bởi chính bản thân các bạn sau này nếu có điều kiện cũng không bao giờ cho phép con cái mình bỏ học.

Tôi cũng đã từng có suy nghĩ như các bạn. Hết lớp 11, gia đình khuyên tôi nên học nghề thay vì tiếp tục đến trường, vì học lực của tôi rất kém và sau này tốt nghiệp cũng sẽ đi làm thuê, không nên lãng phí thời gian. Tôi nghe lời họ và theo học trường xây dựng Biên Hòa (Đồng Nai).

Vào thời điểm đó vẫn còn bao cấp nên khi học vẫn hưởng lương và gạo. Lúc ấy, tôi nghĩ mình đã đi đúng đường vì nếu còn đi học sẽ chỉ tốn tiền chứ làm gì có tiền.

Tốt nghiệp trường dạy nghề và đi làm được 4 năm, tôi xin vào công ty nước ngoài làm đốt lò hơi. Thời gian ấy, công ty chưa đòi hỏi phải có bằng cấp 3, nhưng sau đó hai năm, khi tuyển nhân viên mới, họ yêu cầu phải có bằng phổ thông.

Lúc đấy, tôi nói với người quản lý rằng: “Vào đây chẻ củi đốt lò thôi cần gì phải có bằng cấp”, nhưng họ đã trả lời: “Nếu chỉ dạy người có bằng cấp 3 làm việc, chúng tôi chỉ cần hướng dẫn một lần, còn với người có bằng cấp một phải chỉ nhiều lần, đôi khi phải đi theo giám sát cho chắc ăn”. Khi đó tôi mới chú ý và cảm nhận sự khác biệt kia.

Sau đấy, tôi quay lại học bổ túc và ngoại ngữ. Tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên đăng ký lớp tiếng Anh, tôi gặp lại người bạn cũ, khi đó bạn đã tốt nghiệp đại học và gặp tôi thì hỏi nửa đùa, nửa thật: “Mày mà cũng đi học à?”. Tôi chỉ cười miễn cưỡng nói: “Thì ráng thôi” nhưng lòng thì rất đau.

Sau khi tốt nghiệp và có bằng C tiếng Anh, tôi có cơ hội đi Mỹ. Khi tới Mỹ, gia đình cũng bảo tôi ráng đi làm kiếm tiền, nhưng tôi cảm nhận thứ mình cần là kiến thức vì tôi đã "bị dốt" quá lâu.

Vì thế, tôi thi vào trường đại học và họ xếp tôi vào lớp thấp nhất tiếng Anh (mặc dù tôi đạt bằng C ở Việt Nam) và vào lớp toán trình độ tầm lớp 6 ở Việt Nam (đây mới đúng “đẳng cấp” toán của tôi, còn ở Việt Nam thì là ảo).

68-crdownload-5203-1441423238.jpg

Những năm đầu tiên, tôi tự mua sách toán về luyện và sau hai năm, tôi bắt kịp với trình độ toán đại học mà trường yêu cầu. Trải qua 6 năm, tôi đã tốt nghiệp đại học nhưng rồi bao nhiêu ước mơ của tôi đều vụt tắt vì sau 3 năm tốt nghiệp, tôi vẫn không tìm ra việc làm chính thức.

Tôi làm nghề in chung với những người không có bằng đại học và họ cũng nói với tôi như các bạn: “Học xong đại học cũng làm cu-li, có khác gì”. Thời gian tiếp, tôi xin vào một hãng tư nhân xử lý dữ liệu, nơi này đòi hỏi phải biết dùng máy tính nhưng không nhất thiết phải có bằng cấp.

Khi vào làm, tôi được một người có kinh nghiệm 20 năm chỉ bảo. Trong thời gian thử thách, người chủ đưa một ổ cứng chứa hàng triệu tệp tin và bảo chúng tôi phải sao chép những tệp PDF vào server. Ứớc tính có khoảng 300.000 tệp tin và thay đổi tên tệp theo thứ tự “000001”.

Với kinh nghiệm 20 năm, người hướng dẫn tôi yêu cầu phải có 5 nhân viên và tốn khoảng 3 ngày để xong việc. Nhưng lúc đó tôi nói: "Hãy cho tôi 3 tiếng, tôi sẽ làm xong". Tôi đã sử dụng kiến thức tin học để áp dụng vào thực tế.

Thay vì tốn 5 nhân viên và 3 ngày, một mình tôi làm tốn chưa đến 3 tiếng đồng hồ. Không phải tôi thông minh hơn, mà là tôi có kiến thức tốt hơn họ. Sau gần một năm, tôi được lên làm quản lý và người chỉ dẫn tôi ban đầu bây giờ là nhân viên dưới quyền tôi.

Họ cũng hiểu rằng tôi lên chức quản lý là vì tôi làm công việc tốt hơn họ, dựa vào kiến thứ tôi có. Lúc ấy tôi mới biết, kiến thức càng cao thì cơ hội làm việc càng tốt hơn và tôi quyết định đi thạc sĩ.

Trong thời gian này, tôi xin vào hãng Lockheed Martin - một hãng sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới. Khi phỏng vấn, họ hỏi tôi vì sao lại xin vào công ty của họ trong khi tôi đang làm quản lý. Tôi thành thật trả lời: "Chức danh quản lý không hợp với trình độ tôi đang có và tôi xin vào công ty này vì nơi đây thích hợp để tôi phát huy kiến thức mình sở hữu".

Sau khi hỏi vài câu ngoài lề,  họ quyết định nhận tôi. Làm việc gần 6 năm chung với những người có cùng kiến thức và tốt nghiệp thạc sĩ, tôi nhận ra rằng, khi còn ở Việt Nam, tư tưởng của mình khá hạn hẹp, tư duy mơ hồ.

Lúc dốt, mỗi khi tranh luận, tôi thường dùng câu “nghe người ta nói” và hay cãi cố để chứng tỏ mình hiểu biết. Nhưng bây giờ, khi tranh luận với đồng nghiệp, tôi thường đưa ra luận chứng logic hoặc nguồn từ đâu. Đồng thời, sẽ không bao giờ nói lý với những người không có kiến thức nhưng luôn cố cãi, bởi chúng ta sẽ chẳng bao giờ thắng họ.

Có thể nhiều người sẽ nói do tôi học ở Mỹ, nhưng không phải như vậy, Mỹ hay Việt Nam đều như nhau. Bởi khi so sánh trình độ kỹ sư và thạc sĩ cùng tốt nghiệp ở Mỹ của tôi vẫn khác nhau hoàn toàn.

Qua đúc kết kinh nghiệm từ một người dốt, tôi khuyên các bạn hãy cố gắng học nếu có cơ hội. Học không đơn giản chỉ để kiếm tiền hoặc bắt buộc phải có việc làm đúng ngành. Học càng cao sẽ giúp bạn hiểu biết tốt hơn, ứng xử hay hơn. Sự tôn trọng nhất định trong xã hội và cơ hội có một việc làm tốt hơn. Khi có con, bạn sẽ trở thành niềm tự hào trong mắt chúng.  

>> Xem thêm: Từ 500.000 đồng, tôi giờ thu nhập 19 nghìn USD

Bang Nguyen

Chia sẻ bài viết của bạn về lập nghiệp, học hành tại đây.

Lúc dốt, mỗi khi tranh luận, tôi thường dùng câu “nghe người ta nói” và hay cãi cố để chứng tỏ mình hiểu biết. Nhưng bây giờ, khi tranh luận với đồng nghiệp, tôi thường đưa ra luận chứng logic hoặc nguồn từ đâu nhờ kiến thức đã học được ở trường. 

Nguồn: vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/bo-do-cap-ba-o-vn-vi-hoc-dot-toi-da-tot-nghiep-thac-si-o-my-3274715....


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận