Tin tức: Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm đầu tư nhà ở xã hội bằng vốn ODA

Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm đầu tư nhà ở xã hội bằng vốn ODA

Nội dung

Theo đó, mô hình này được triển khai theo quy định ở Khoản 9, Điều 7, Nghị định số 38/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành về việc quản lý sử dụng nguồn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và nguồn ODA.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, Bộ Xây dựng cuối năm 2014 đã có văn bản gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đăng ký danh mục dự án ODA, dùng nguồn tài trợ KOICA Hàn Quốc đối với các dự án xây dựng mô hình đầu tư thí điểm nhà ở xã hội ở một số địa phương trọng điểm tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa đồng thuận với văn bản này bởi lý do nhà ở xã hội không thuộc lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn vay ưu đãi và vốn ODA theo quy định của Chính phủ.

Qua nghiên cứu thực tiễn, Bộ Xây dựng cho biết, từ tháng 9/2013 tới tháng 4/2014, với chương trình chia sẻ tri thức (KSP) của Chính phủ Hàn Quốc đã dành cho nước ta, Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc và Bộ Xây dựng Việt Nam tập trung thúc đẩy hợp tác chuyên ngành bằng hoạt động trao đổi đoàn, ký kết Bản Ghi nhớ về việc hợp tác phát triển nhà ở.

Cụ thể, Bộ Xây dựng Việt Nam đã phối hợp cùng Tổng Công ty Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc (LH) và Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) thực hiện thành công Dự án “Đề xuất chính sách pháp luật để phát triển nhà ở xã hội ở Việt Nam.”

Dựa trên cơ sở những kết quả nghiên cứu chung đã đạt được và mục tiêu tập trung vào giải quyết vấn đề thiếu hụt nhà ở cho những đối tượng thu nhập thấp ở khu vực đô thị của Việt Nam, Tổng Công ty Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc và Bộ Xây dựng Việt Nam đã phối hợp xây dựng đề xuất Dự án “Xây dựng mô hình đầu tư thí điểm nhà ở xã hội tại một số địa phương trọng điểm ở Việt Nam”, đồng thời đề nghị KOICA Hàn Quốc xem xét tài trợ.

Được biết, Hàn Quốc trước đây cũng đã từng phải đối mặt với thách thức về giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp tại đô thị. Chính phủ Hàn Quốc ngay từ những năm 1970 đã triển khai mô hình đầu tư, xây dựng và quản lý nhà ở xã hội, bằng việc đầu tư một số vốn nhất định và thiết lập cách thức tổ chức hiệu quả về việc phát triển nhà ở xã hội cho những gia đình có thu nhập thấp.

nhà ở xã hội
Một góc khu căn hộ nhà ở xã hội Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Quách Lắm/TTXVN

Nhờ đó, đa số người dân Hàn Quốc hiện đã có cơ hội được sở hữu nhà ở với mức giá hợp lý.

Bộ Xây dựng ngày 29/10/2014 đã nhận được công thư của KOICA Hàn Quốc thông báo về việc đề xuất dự án trên đã được KOICA xếp hạng cao và sẽ được KOICA xem xét, tài trợ trong tài khóa 2016.

Vì thế, Bộ Xây dựng đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa dự án trên vào trong Danh mục dự án yêu cầu tài trợ ODA của Hàn Quốc dành cho Việt Nam.

Bộ Xây dựng cho biết, Khoản 1, Điều 53, Luật Nhà ở đã được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2014 về những hình thức phát triển nhà ở xã hội quy định, Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu, công trái quốc gia, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ...

Theo Khoản 2, Điều 7, Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 do Chính phủ ban hành về quản lý sử dụng nguồn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và nguồn vốn ODA, lĩnh vực ưu tiên sử dụng nguồn vay ưu đãi và vốn ODA là phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, bao gồm giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, an sinh xã hội, giảm nghèo...

Trong hệ thống chính sách đảm bảo an sinh xã hội, việc đáp ứng nhu cầu nhà ở đối với người nghèo, người có thu nhập thấp có một vị trí đặc biệt quan trọng bởi nhà ở là một trong các nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội. Đây là điều kiện cần thiết nhằm phát triển con người một cách toàn diện.

Có thể thấy, lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội căn cứ vào quy định trên sẽ thuộc lĩnh vực ưu tiên sử dụng vay vốn ưu đãi và vốn ODA.

Bên cạnh đó, Khoản 9, Điều 7, Nghị định số 38/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành quy định một số lĩnh vực ưu tiên khác được sử dụng vốn vay ưu đãi và vốn ODA theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án trên đặt mục tiêu chung là hỗ trợ Việt Nam xây dựng một chương trình tổng thể, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nghiên cứu mô hình đầu tư, những mẫu thiết kế nhà ở xã hội phù hợp và đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho những đối tượng có thu nhập thấp, gặp khó khăn về nơi ở tại khu vực đô thị từ nay tới năm 2020, nhằm triển khai Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia tới năm 2020 và tầm nhìn 2030 do Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu cụ thể của dự án trên là dự báo nhu cầu, xây dựng một chương trình tổng thể, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nghiên cứu mô hình đầu tư, những mẫu nhà phù hợp để xây dựng ở các khu vực đô thị của Việt Nam; nghiên cứu tính khả thi dự án đầu tư xây dựng thí điểm nhà ở xã hội ở một số đô thị của Việt Nam; đồng thời, nâng cao năng lực hành chính và kỹ thuật của ngành Xây dựng bằng việc chia sẻ kinh nghiệm, các hiểu biết và cách thức tiến hành xây dựng chương trình tổng thể, kế hoạch, quy hoạch phát triển nhà ở xã hội bằng việc hướng dẫn, đào tạo cho cán bộ kỹ thuật và cán bộ nghiên cứu, hoạch định chính sách của Việt Nam.

Vì vậy, Bộ Xây dựng khẳng định, việc triển khai thực hiện dự án này là rất cần thiết và phù hợp với những quy định của pháp luật hiện nay.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ xem xét, chấp thuận cho lĩnh vực nhà ở xã hội nói chung, Dự án “Xây dựng mô hình đầu tư thí điểm nhà ở xã hội tại một số địa phương trọng điểm ở Việt Nam” nói riêng được sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi và nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Nhà ở xã hội

Nguồn: batdongsan.com.vn/chinh-sach-quan-ly/bo-xay-dung-de-xuat-thi-diem-dau-tu-nha-o-xa-hoi-bang-von-oda-a...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận