Không gian giao tiếp của mỗi ngôi nhà rộng hẹp ít nhiều khác nhau tùy thuộc vào điều kiện diện tích hay mục đích sử dụng, nhưng về cơ bản vẫn cần tuân thủ các nguyên tắc hài hòa theo phong thủy.Hình thức giao tiếp trong nhà cũng tựa như một quốc gia có đối nội và đối ngoại, một không gian giao tiếp tốt sẽ phải đáp ứng được một cách trọn vẹn nhất cả hai tiêu chí nói trên.
Trong những dịp lễ tết có đông khách khứa cũng là khi tác động của ngoại khí nhiều hơn. Do vậy cần bố trí không gian đệm như tiền sảnh hoặc một khoảng sân nhỏ, có cây xanh, kết hợp làm nơi đón và tiễn khách, điều này sẽ giúp giảm hung khí trực tiếp từ ngoài vào.
Đối với chức năng đối nội thì không gian giao tiếp có thể được sử dụng khá linh động chẳng hạn như việc sử dụng phòng ăn, phòng nghe nhìn làm nơi tiếp khách thân mật hoặc thư giãn.
Tính chất không gian giao tiếp cũng khá phong phú và linh động, không theo một khuôn mẫu nhất định, tùy sinh hoạt của từng nhà mà bài trí ở mức độ phù hợp cho gia chủ. Nếu nhà phố có nhiều thế hệ chung sống thì mỗi tầng có thể làm một góc sinh hoạt, tiếp khách mà không cần phải tập trung vào một tầng trệt để đảm bảo tính độc lập.
Nơi giao tiếp vốn có tính động do đó mà thông thường người ta đặt nơi giao tiếp tại vị trí trung tâm của nhà trở ra phía trước để dành phần phía sau nhà cho các sinh hoạt nội bộ.
Những lưu ý khi trang trí không gian giao tiếp trong nhà:
- Không nên lấy tông màu tối làm màu sắc chủ đạo cho phòng khách bởi nó gây cảm giác nặng nề và không mấy thân thiện cho khách khứa.
- Không nên đặt quá nhiều vật dụng không cần thiết trong phòng, bởi chúng sẽ làm cản trở luồng khí lưu thông.
- Không nên đặt những cây có gai, lá sắc nhọn, dễ gây trầy xước khi bất cẩn, đặc biệt nhà có trẻ em thì điều này là càng không nên.
(Theo Dothi)
Mỗi không gian giao tiếp trong ngôi nhà là không thể thiếu để liên kết các thành viên cũng như tạo dựng các mối quan hệ xã hội, nhất là vào dịp lễ tết thì việc quây quần sum họp tại nhà lại càng quan trọng.