Tin tức: Cô gái Nhật sát cánh cùng nông dân Việt làm nông nghiệp hữu cơ

Cô gái Nhật sát cánh cùng nông dân Việt làm nông nghiệp hữu cơ

Nội dung

“Hãy gạt đi những lợi ích kinh tế trước mắt, dũng cảm tạo dựng cho mình một mô hình nông nghiệp hữu cơ. Bởi chúng ta chỉ có thể phát triển nông nghiệp bền vững khi làm theo phương pháp hữu cơ, để thế hệ mai sau có cuộc sống tốt hơn”.

Mayu Ino, cô gái Nhật Bản dành trọn đam mê của mình với nền nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đã nói như thế trong một buổi chia sẻ về nền nông nghiệp “thuận theo lẽ tự nhiên”.

Đưa đam mê từ nước Nhật sang Việt Nam thực hiện

Ý thức về trồng rau theo phương pháp hữu cơ đã được gia đình truyền lửa cho Mayu bởi mẹ cô là người có đến 32 năm trồng rau sạch. Mayu kể lại rằng, đất nước Nhật Bản 3 thập kỷ trước cũng như Việt Nam, đang phải hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề của tình trạng ô nhiễm môi trường, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trở nên bức thiết với nười dân.

Gia đình Mayu lúc đầu chỉ trồng rau sạch phục vụ cho các bữa ăn trong gia đình. Nhưng sau đó, mẹ cô mở một nhà trẻ. Và một chuyện không may xảy ra khi nhiều trẻ em đã bị dị ứng da vì nguyên nhân đến từ nguồn thực phẩm không an toàn.

Không thể đứng nhìn tình trạng đó cứ tiếp diễn, mẹ Mayu đã “kham” luôn việc cung cấp nguồn rau củ sạch cho các bữa ăn của các em nhỏ. Kết quả sau đó thật bất ngờ, da của các em nhỏ đã dần trở lại bình thường. Và Mayu cùng mẹ cô đã nhận ra rằng, thực phẩm sạch từ nông nghiệp hữu cơ thực sự cần thiết đối với mỗi người.

Co gai Nhat sat canh cung nong dan Viet lam nong nghiep huu co - Anh 1

Ảnh 1: Mayu Ino tại một một Hội thảo về nông nghiệp hữu cơ tại TP.HCM. Ảnh: Hà Thế An.

Những đứa trẻ sau đó vào học tiếp bậc tiểu học. Mayu lại chứng kiến cảnh da những em nhỏ đó lại tiếp tục bị dị ứng. Chính việc này đã khiến nhiều phụ huynh học sinh thấy được tầm quan trọng của thực phẩm sạch đối với sức khỏe. Đó cũng chính là động lực để Mayu chọn cho mình con đường làm nông nghiệp hữu cơ, chia sẻ thực phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe cho mọi người.

Và cuốn sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm” với tinh thần nông nghiệp thuận theo lẽ tự nhiên như một “kim chỉ nam” cho Mayu thực hiện mong muốn của mình.

Theo Mayu, tinh thần của cuốn sách không chỉ dừng lại ở kiến thức làm nông nghiệp hữu cơ, mà nó còn mang một ý nghĩa triết lí, nhân văn sâu sắc: Khi con người canh tác bằng cách sử dụng các chất hóa học, chất độc thì thiên nhiên sẽ tự “phản hồi” lại bằng những tín hiệu xấu, mối quan hệ giữa con người với tự nhiên cứ thế ngày càng xấu đi.

“Điều này khiến mỗi chúng ta phải suy nghĩ và nhìn nhận lại cách cư xử của mình với thiên nhiên. Bởi lẽ, khi con người đối xử tốt với thiên nhiên thì những giá trị mà thiên nhiên mang lại cho con người sẽ thật sự lớn lao và ngược lại”- Mayu chia sẻ.

Điều đặc biệt, cô không chọn đất nước Nhật Bản quê hương mình để thực hiện ước mơ mà lại chọn đất nước Việt Nam xa xôi. Giờ đây, mỗi lần chia sẻ về nông nghiệp hữu cơ với những người quan tâm, Mayu lại nói đến Việt Nam như là cái duyên mà cô chưa bao giờ nghĩ tới và cô xem nơi đây như là quê hương thứ hai của mình.

Làm nông nghiệp bằng cái tâm

Bắt tay vào thực hiện dự án nông nghiệp hữu cơ tại hai huyện Ba Tri và Bình Đại (Bến Tre), Mayu gặp rất nhiều khó khăn trong việc thay đổi tư duy làm nông nghiệp cho người nông dân. Vì nông nghiệp hữu cơ là nông nghiệp thuận theo tự nhiên. Ngay cả việc diệt sâu bọ, các loại côn trùng cũng chỉ xua đuổi hoặc bắt chúng và không thể tiêu diệt chúng đã khiến nông dân vô cùng bất ngờ.

Mayu cho rằng, người dân với phương thức sản xuất cũ không thể một sớm một chiều mà có thể thay đổi toàn bộ tư duy nông nghiệp của họ được. Những lợi ích kinh tế lâu nay nông dân có được có thể sẽ thay đổi rất lớn nếu họ chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ. Vì thế, phương pháp “mưa dầm thấm lâu” là cách mà Mayu cùng các đồng sự thực hiện bằng các buổi nói chuyện và tập huấn cho nông dân.

Mayu chia sẻ rằng, mỗi người dân khi làm nông nghiệp cần phải biết vận dụng hài hòa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Bởi, người nông dân không thể có một nền sản xuất nông nghiệp bền vững nếu cứ làm theo cách cũ. Nông nghiệp hữu cơ chính là đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống cho con người.

“Dù bước đầu làm nông nghiệp hữu cơ chúng ta sẽ gặp khó khăn về kinh tế khi công sức con người bỏ ra rất lớn nhưng lại chưa biết thị trường có tin tưởng và chấp nhận hay không. Nhưng hãy gạt đi những lợi ích kinh tế trước mắt để tự có cho mình một mô hình nông nghiệp hữu cơ bền vững cho thế hệ mai sau có cuộc sống tốt hơn. Mỗi người hãy có một tấm lòng khi làm nông nghiệp”- Mayu chia sẻ.

Theo Mayu, để nông nghiệp hữu cơ có sức lan tỏa và tạo thành một hệ sinh thái cộng đồng làm nông nghiệp hữu cơ, điều quan trọng nhất là mỗi người nông dân, doanh nghiệp phải truyền tải cho người tiêu dùng, xã hội hiểu đúng về bản chất của phương pháp hữu cơ để thuyết phục họ tin tưởng sử dụng sản phẩm của mình.

Thuyết phục khách hàng không phải là lời nói suông mà phải bằng hành động cụ thể như: cung cấp thông tin sản phẩm, quy trình quản lý sản phẩm cho người tiêu dùng. Tổ chức giám sát chất lượng làm nông nghiệp hữu cơ bằng cách kiểm tra chéo, với sự tham gia của các nhóm nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp, chuyên viên của Nhà nước.

“Hãy làm nông nghiệp bằng một cái tâm và thực hiện một cách nghiêm túc các quy trình trong phương pháp hữu cơ. Có như vây chúng ta mới có thể lan tỏa và có được một công đồng đủ mạnh để đưa nền nông nghiệp của chúng ta thật sự bền vững”- Mayu trải lòng.

Mayu Ino sinh năm 1974 tại Tokyo Nhật Bản. Cô sang Việt Nam từ năm 1997 và học ngành Ngôn ngữ văn hóa tại ĐH quốc gia Hà Nội. Mayu đã lấy bằng thạc sĩ ngành Đông Nam Á học tại Đại học Hitotsubashi (Tokyo), sau đó gia nhập Trung tâm Tình nguyện Quốc tế Nhật Bản (JVC) với vai trò là điều phối chương trình, sau đó là người đại diện tổ chức này tại Việt Nam. Trong 6 năm liền, Mayu Ino đã hỗ trợ các dự án phát triển cộng đồng như xây dựng đập nước và trồng quýt để chống xói mòn đất.

Năm 2009, cô gái Mayu Ino đã thành lập một tổ chức phi chính phủ mang tên Seed To Table để hỗ trợ những người nông dân Việt Nam, thông qua việc giúp đỡ họ làm nông nghiệp hữu cơ và chăn nuôi tại hai tỉnh Hòa Bình và Bến Tre.

Hà Thế An

“Hãy gạt đi những lợi ích kinh tế trước mắt, dũng cảm tạo dựng cho mình một mô hình nông nghiệp hữu cơ. Bởi chúng ta chỉ có thể phát triển nông nghiệp bền vững khi làm theo phương...

Nguồn: www.baomoi.com/co-gai-nhat-sat-canh-cung-nong-dan-viet-lam-nong-nghiep-huu-co/c/19345049.epi


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận