Một “đề bài” gần như lộ danh nhà cung cấp, chưa thi đã biết ai trúng, sẽ làm nản lòng các nhà thầu có năng lực khác quan tâm tới gói thầu. Đó là trường hợp của Gói thầu Xây dựng giải pháp phát triển phần mềm kế toán PV Gas, do Tổng công ty Khí Việt Nam – Công ty Cổ phần (PV Gas) là chủ đầu tư.
Trang 30 của HSYC có đưa ra yêu cầu chung là: “Xây dựng giải pháp phần mềm kế toán FAST cho PVGas…”. Ảnh: Nhã Chi
HSYC có “chọn trước” nhà thầu?
Gói thầu nêu trên áp dụng lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh. Nội dung chính của gói thầu là phần mềm được phát triển trên nền web (web-based), có thể chạy trên các hệ điều hành khác nhau (MS Windows, MacOS, Linux…) kết hợp công nghệ, kiến trúc đã kiểm chứng qua thời gian và những thành tựu mới, tiên tiến; tuân thủ luật kế toán, chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán hiện hành của Việt Nam. Thời gian thực hiện hợp đồng là 180 ngày kể từ ngày ký hợp đồng. Theo thông báo đăng trên Báo Đấu thầu số 68, phát hành ngày 13/4/2016, thời gian phát hành HSYC là từ 9h ngày 18/4/2016 đến 9h ngày 26/4/2016 (trong giờ hành chính).
Trong thời gian phát hành HSYC này, qua việc tiếp cận và nghiên cứu hồ sơ, Báo Đấu thầu phát hiện HSYC có quy định hạn chế sự tham dự của nhà thầu. Cụ thể, HSYC quy định về yêu cầu chung là: “Xây dựng giải pháp phần mềm kế toán FAST cho PVGas…”. Nhà thầu cho biết, phần mềm kế toán FAST là một sản phẩm của Công ty Cổ phần Phần mềm quản lý doanh nghiệp có trụ sở chính tại Hà Nội. Việc nêu đích danh tên phần mềm mà không có cụm từ “hoặc tương đương” đi kèm như vậy là hàm chỉ đến một nhà thầu, và các nhà thầu khác dù có những phần mềm tương tự, đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật, nghiệp vụ cũng cầm chắc sẽ trượt.
Theo quy định của Thông tư số 11/2015/TT-BKHĐT của Bộ KH&ĐT Quy định chi tiết lập hồ sơ yêu cầu đối với chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, đối với gói thầu áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh, khi đưa ra yêu cầu đối với hàng hóa không được đưa ra các đặc tính kỹ thuật, tiêu chuẩn mang tính cá biệt hóa mà không phải là đặc tính cơ bản của sản phẩm để chỉ một hoặc một số ít nhà thầu đáp ứng yêu cầu, làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ trong HSYC, bản yêu cầu báo giá thì được phép nêu nhãn hiệu, catalô của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalog…
Hé lộ từ lý do gia hạn
Thực tế cũng cho thấy, sau thời gian phát hành HSYC, chỉ có 2 nhà thầu vẫn “mạnh dạn” nộp HSĐX. Theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, Công ty CP Phần mềm quản lý doanh nghiệp – đơn vị sở hữu phần mềm kế toán FAST, là một trong số nhà thầu đã mua HSYC và cuối cùng là một trong 2 nhà thầu đã nộp HSĐX trước thời điểm đóng thầu (9h, ngày 26/4).
Việc có ít hơn 3 nhà thầu nộp HSĐX đã dẫn đến việc chủ đầu tư quyết định gia hạn thời điểm đóng thầu đến 9h, ngày 15/5/2016. Tuy vậy, dường như việc gia hạn còn nhằm một mục tiêu khác khi PV Gas đã "trang thủ" sửa HSYC.
Chính đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Sơn, cán bộ Ban Thương mại và Quản lý đấu thầu, khi trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu cũng cho biết, cùng với việc gia hạn thời điểm đóng thầu, chủ đầu tư đã sửa đổi lại một số nội dung của HSYC. Trong đó, ông Nguyễn Sơn nhấn mạnh, nội dung sửa đổi quan trọng nhất là xóa bỏ quy định về Yêu cầu chung: Xây dựng giải pháp phần mềm kế toán FAST, để có nhiều nhà thầu tham dự hơn.
Điều này cũng có nghĩa chính chủ đầu tư đã biết, yêu cầu chung như HSYC phát hành lần đầu chính là một cái nút hạn chế nhà thầu tham gia. Ông Nguyễn Sơn giải thích, ban đầu, HSYC được xây dựng dựa trên tổng hợp nhu cầu từ bộ phận chuyên môn. Ban kế toán của Tổng công ty đưa ra yêu cầu là phần mềm FAST để tương thích với hệ thống. Tuy nhiên, sau khi xem xét lại HSYC, Ban giám đốc đã quyết định bỏ yêu cầu này vì quy định như vậy không cần thiết, các phần mềm khác cũng có thể đáp ứng được.
Dù sau thời gian phát hành HSYC lần đầu, chủ đầu tư đã xóa bỏ yêu cầu mang tính “chỉ đích danh”, nhưng nếu như ngay từ đầu, chủ đầu tư không đưa ra yêu cầu này, thì có lẽ nhà thầu đã không phải đặt ra những nghi vấn về tính minh bạch, cạnh tranh trong tổ chức đấu thầu của chủ đầu tư cũng như không nản chí bỏ cuộc. Và có thể, số nhà thầu nộp HSĐX đã nhiều hơn, chủ đầu tư đã không phải gia hạn để mất thêm thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Đến thời điểm này, gói thầu vẫn đang được phát hành HSYC theo thông báo gia hạn đã được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu. Báo Đấu thầu sẽ phản ánh đến bạn đọc về diễn biến của gói thầu khi có thông tin tiếp theo. Song từ vụ việc PV Gas "để lọt" sản phẩm trong HSYC, câu hỏi về tính công khai minh bạch trong hàng trăm cuộc thầu mà doanh nghiệp này tổ chức vẫn lơ lửng trong suy nghĩ của nhiều nhà thầu.
Nhóm phóng viên