Tin tức: Dự án Le Mont Bavi Resort có đủ căn cứ pháp lý?

Dự án Le Mont Bavi Resort có đủ căn cứ pháp lý?

Nội dung

Theo tìm hiểu của PV, việc đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong rừng quốc gia được Nhà nước khuyến khích đầu tư phát triển. Điều này được nêu rõ tại Khoản 1, Điều 10, Quyết định số 24 ngày 1/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020: “Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng”.

Du an Le Mont Bavi Resort co du can cu phap ly? - Anh 1

Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng. Ảnh: TL

Còn theo quy định tại Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (năm 2004): “Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường”.

Tại Quyết định số 186 ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý rừng cũng nêu: “Vườn Quốc Gia (VQG) được quản lý, sử dụng chủ yếu phục vụ cho bảo vệ rừng và hệ sinh thái rừng, nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và du lịch sinh thái”.

Để đảm bảo tính đồng bộ, tại Khoản 2, Điều 8 Thông tư số 78/2011 hướng dẫn quy định chi tiết thi hành Nghị định số 117/2010 về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nêu rõ: “Ban quản lý khu rừng đặc dụng tự tổ chức hoặc liên kết với các tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí”.

Dựa theo các căn cứ nêu trên, có thể nói, VQG Ba Vì thuộc loại rừng đặc dụng và nằm trong nhóm được phép đầu tư du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Việc Công ty CFTD liên doanh, liên kết đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái tại VQG Ba Vì là có căn cứ pháp lý và phù hợp với cơ chế, chính sách cũng như quy định pháp luật Việt Nam.

Trên thực tế, ngày 22/8/2008, VQG Ba Vì đã ký hợp đồng liên kết kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái kết hợp bảo vệ và phát triển rừng với Công ty CFTD trên tổng diện tích 60,14ha tại khu vực cốt 400m, 600m, 700m, 800m. Toàn bộ diện tích dự án nằm trong phân khu hành chính dịch vụ I của VQG Ba Vì. Điều này được khẳng định tại Quyết định số 1254 của Bộ NN&PTNT.

Theo ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT: Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Nghị định 117 quy định được hoạt động du lịch sinh thái trong phân khu hành chính dịch vụ. Dù công trình nằm trong cốt 400 hay 600 khi các công trình đã được quy hoạch vào trong phân khu hành chính dịch vụ thì sẽ được phép xây dựng, nếu không được cấp phép thì sẽ không đủ cơ sở để được phép thi công.

Ngày 6/6/2014, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt quy hoạch chi tiết mặt bằng tổng thể phân khu hành chính dịch vụ I - VQG Ba Vì. Căn cứ vào quy hoạch này, VQG Ba Vì đã đề nghị Công ty CFTD lập dự án đầu tư và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

Tháng 4/2015, Công ty CFTD đã hoàn thành báo cáo ĐTM và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xin thẩm định.

Ngày 25/6/2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Quyết định số 1641 về việc phê duyệt báo cáo ĐTM; Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Hà Nội cũng có văn bản chấp thuận giải pháp phòng cháy, chữa cháy đối với hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án.

Ngày 26/6/2015, VQG Ba Vì đã có tờ trình gửi Tổng cục Lâm nghiệp xin triển khai dự án. Trong khi chờ ý kiến Tổng cục, Bộ NN&PTNT, Công ty CFTD có văn bản đề nghị được cải tạo, sửa chữa các công trình trên để phù hợp với công năng theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Đề xuất này sau đó đã được VQG Ba Vì chấp thuận dựa trên nền tảng cho cải tạo sửa chữa từ 13 công trình phế tích cũ.

Theo đại diện của CFTD, việc cải tạo, sửa chữa 13 công trình phế tích cũ của VQG là do nhu cầu bức bách về nhà ở của các cán bộ, công nhân viên. Xét theo Quyết định số 186/2006 ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế quản lý rừng, tại Điểm c Khoản 1 Điều 14 có nêu: “Phân khu dịch vụ - hành chính là khu vực để xây dựng các công trình làm việc và sinh hoạt của ban quản lý, các cơ sở nghiên cứu - thí nghiệm, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí”.

Đại diện CFTD cho hay, việc thuê đất rừng ở VQG được thực hiện theo biểu giá thuê đất rừng của Nhà nước đang áp dụng chung. Tuy được giao đất rừng nhưng nhà đầu tư không được khai thác rừng mà phải bảo tồn cây rừng nguyên trạng...

Xét từ thực tế nêu trên, việc đầu tư xây dựng dự án Le Mont Bavi Resort&Spa cho thấy đã phù hợp với quy định của pháp luật.

Tính đến nay, CFTD đã phải chờ đợi đến 8 năm mà vẫn chưa thể đi đến vận hành chính thức... Trong khi đó, tiền thuê đất 50 năm đã hoàn thành nghĩa vụ; doanh nghiệp đã thực hiện nhiều hạng mục công việc từ việc bảo vệ rừng, tổ chức đội tuần tra ngăn chặn người dân khai thác rừng bữa bãi, khôi phục các đường đi bộ giữa các phế tích thời Pháp, thu dọn phế tích, sửa chữa các hư hỏng, trồng bổ sung cây rừng, cây ven đường; gia cố kết cấu đường chống sạt lở, phục chế một phần phế tích... chi hàng chục tỷ đồng.

Mặc dù vậy, để các công trình làm nhà ở khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt là trách nhiệm của cả hai phía, trong đó có cả trách nhiệm của nhà quản lý. Đây là vấn đề thiết thực, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm xem xét, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh và quyền lợi cho phía nhà đầu tư.

Như Ca

Theo tìm hiểu của PV, việc đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong rừng quốc gia được Nhà nước khuyến khích đầu tư phát triển. Điều này được nêu rõ tại Khoản 1,...

Nguồn: www.baomoi.com/du-an-le-mont-bavi-resort-co-du-can-cu-phap-ly/c/19358782.epi


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận