Tin tức: Du lịch Việt đắt khách nhờ ‘cú hích địa phương’

Du lịch Việt đắt khách nhờ ‘cú hích địa phương’

Nội dung

Đà Nẵng, Hội An tích cực quản lý điểm đến, Sầm Sơn tạo hình ảnh mới, không chặt chém, không đeo bám, không ép khách… Đó là những bài học thành công điển hình cho thấy Du lịch Việt đầy sức hút khi chính quyền và nhân dân vào cuộc.

Việt Nam tuyệt đẹp, sao chưa đắt khách?

Việt Nam có tiềm năng du lịch phong phú, tuy nhiên theo đánh giá của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, sự phát triển của du lịch nước ta đang tỏ ra yếu kém nhiều mặt, ngay cả so với các nước trong khu vực. Ngoài thắng cảnh đẹp, dịch vụ tốt, thì làm thế nào để xây dựng một môi trường du lịch an toàn, thân thiện - yếu tố quyết định sự hấp dẫn khách đến lưu trú lâu dài, luôn là trăn trở không chỉ riêng của nhà quản lý, các đơn vị lữ hành.

Du lịch Việt đắt khách nhờ ‘cú hích địa phương’

Khách du lịch muốn đến Việt Nam vì sự an toàn, thân thiện. Ảnh minh họa, nguồn internet

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Văn Tuấn thì những nhận định trên của phó Thủ tướng là hoàn toàn chính xác.

Ông Tuấn chia sẻ, hiện nay có một số yếu tố hạn chế năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam như: mức độ thuận lợi về cách tiếp cận visa; việc kết nối đường bay tới các thị trường trọng điểm chưa có; nguồn đầu tư công tác xúc tiến, quảng bá và tính chuyện nghiệp, hiệu quả chưa sâu; vấn đề hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế; an toàn mội trường; ứng xử trong văn minh du lịch; chất lượng dịch vụ và chất lượng nguồn nhân lực hạn chế.

Để khắc phục vấn đề trên, ông Tuấn cho rằng các chính sách cải thiện du lịch không thiếu nhưng tình hình du lịch hiện nay vẫn chưa được cải thiện. Ông Tuấn khẳng định: “Bất cập chính là ở khâu thực hiện. Việc triển khai thực hiện chỉ thị 14 vẫn chưa được như mong muốn do 3 yếu tố: thứ nhất là do chính quyền địa phương, thứ 2 là trách nhiệm của các bộ ngành chỉ đạo theo ngành dọc và thứ 3 là vai trò của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch”.

“Tuy nhiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị quyết 92 về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch, đẩy mạnh năng lực cạnh tranh trong thời kỳ mới. Nghị quyết gồm 5 nhóm vấn đề, đang từng bước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện trong 7 tháng qua”, ông Tuấn nói.

Cú hích từ chính quyền địa phương

Ông Nguyễn Văn Tuấn cho hay, muốn thực hiện thành công các chính sách phát triển du lịch cần có nhận thức và hành động đúng, trong đó vai trò của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đóng vai trò quyết định.

“Trong khi nhiều địa phương để những vấn đề này tồn tại lâu dài thì một số địa phương cũng có những bài học thành công điển hình như: Đà Nẵng - khách du lịch thoái mái, hứng khởi, cảm xúc trải nghiệm những sản phẩm dịch vụ; Hội An được đánh giá cao trong việc quản lý điểm đến và môi trường thân thiện, còn Sầm Sơn thì cũng rất quyết liệt trong việc chặn đứng, tạo ra hình ảnh mới: không chặt chém, không đeo bám, không ép khách. Điều này cho thấy rằng, chỉ khi nào chính quyền thực sự vào cuộc, những quyết định, chính sách ban hành được nhân dân ủng hộ, hưởng ứng thì mới chứng tỏ hiệu quả”, ông Tuấn nói.

Du lịch Việt đắt khách nhờ ‘cú hích địa phương’

Những thắng cảnh du lịch Việt Nam hút khách nước ngoài tới tham quan, thưởng ngoạn. Ảnh minh họa, nguồn internet

Ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho rằng: “Trong thời đại thông tin đại chúng hiện nay, chúng ta có thể tận dụng các phương tiện truyền thông nhằm tạo hiệu quả nhanh. Đồng thời, cần có sự liên kết giữa các địa phương; tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu được thông điệp du lịch phát triển không chỉ mang lại lợi ích cho người làm công tác này mà mang tại lợi ích cho mỗi người Việt Nam”.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh: “Trách nhiệm của các bộ ngành ở đây là cần tăng cường hơn nữa việc tham mưu, đề xuất các chính sách mới, nhân rộng các điển hình làm tốt, chỉ ra những nơi còn hạn chế, rút kinh nghiệm để thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch mới được ban hành ngày 2/7/2015 tốt hơn”.

“Chúng ta cần làm tốt công tác truyền thông cho cộng đồng, bởi chỉ khi nào người dân nhận thức được vấn đề, chung tay hành động vì quyền lợi chung sẽ giải quyết được vấn đề. Bên cạnh đó, vai trò của doanh nghiệp; sự liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương cũng cần được đề cao”, ông Nguyễn Văn Tuấn nói.

Ngành du lịch bước đầu có sự phục hồi nhưng chưa thật sự vững chắc. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 6/2015 tiếp tục giảm 1,9% so với cùng kỳ tháng 6/2014 và giảm 8,2% so với tháng 5/2015, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết trong cuộc họp báo kỷ niệm 55 thành lập ngành du lịch.

vietnamnet.vn

Đà Nẵng, Hội An tích cực quản lý điểm đến, Sầm Sơn tạo hình ảnh mới, không chặt chém, không đeo bám, không ép khách… Đó là những bài học thành công điển hình cho thấy Du lịch Việt...

Nguồn: www.baomoi.com/Du-lich-Viet-dat-khach-nho-cu-hich-dia-phuong/c/18301545.epi


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận