Theo chủ một vựa cát lớn bên sông Sài Gòn tại phường An Phú Đông, quận 12, lượng cát cung ứng từ địa bàn miền Tây có dấu hiệu giảm xuống và giá tăng liên tục từ sau khi Chính phủ có chủ trương hạn chế các dự án nạo vét tận thu cát. Chủ vựa cát này cho biết: “Hiện vựa của tôi phải mua thêm cát Dầu Tiếng, Tây Ninh mới đủ cung ứng cho khách hàng. Tuy nhiên, giá cát Dầu Tiếng cũng tăng khá cao, hiện giá cát bê tông (cát xây) đã lên đến 450.000 đồng. Trước đây giá cát Dầu Tiếng chỉ khoảng 300.000 đồng”.
Nhiều chủ vựa cát ở quận 12 khẳng định, nguồn cát từ sông Đồng Nai hiện rất khan hiếm và hầu như không có cát sạch. Một chủ vựa cát lớn ở địa bàn phường Thạnh Lộc, quận 12 nói: “Trước đây cát sông Đồng Nai nổi tiếng sạch đẹp nên rất hút hàng. Tuy nhiên, gần 1 năm nay, cát sạch Đồng Nai rất ít, chỉ có cát san lấp do các đơn vị nạo vét tận thu cung cấp. Song lượng cát từ dự án nạo vét tận thu trên sông Đồng Nai hiện cũng còn rất ít. Có thể do nguồn cát từ Đồng Nai cũng ít dần nên các nguồn cung cấp cát khác nhân cơ hội này đẩy giá lên cao”.
Là chủ doanh nghiệp từng nạo vét tận thu cát ở sông Đồng Nai, ông T., xác nhận, hiện dự án của đơn vị đã dừng hoạt động. Theo ông T., trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, hiện nay chỉ còn 1 dự án nạo vét tận thu cát đang hoạt động ở khu vực gần sông Thị Vải. Tuy nhiên, vì chất lượng không cao nên giá bán tại chỗ cát nạo vét chỉ khoảng 200.000 đồng/m3. Sau khi sàng lọc, làm sạch, cát được bán cho các vựa với giá khoảng 400.000 đồng/m3.
Hoạt động khai thác cát vẫn diễn ra nhộn nhịp trên sông Tiền
Cát miền Tây không giảm nhưng giá vẫn tăng
Trao đổi với phóng viên, nhiều nhà thầu xây dựng ở Tp.HCM cho rằng, hiện nay thị trường cát xây dựng ở thành phố phụ thuộc chính vào nguồn cát từ các tỉnh miền Tây. Cần khảo sát xem nguồn cung này có thật sự thiếu hụt hay không, hay các đơn vị cung cấp cát lợi dụng việc dừng các dự án nạo vét tận thu để tăng giá.
Về vấn đề này, ông Đ., chủ doanh nghiệp có nhiều sà lan chở cát từ các tỉnh miền Tây cung cấp cho địa bàn Tp.HCM khẳng định, từ khi Chính phủ có chủ trương dừng các dự án nạo vét tận thu cát, giá cát mua tận gốc bắt đầu tăng. Ông Đ. nói thêm: “Mấy ngày nay, cát có dấu hiệu khan hiếm dần. Hiện cát xây đã tăng gần 100.000 đồng/m3. Hôm nay, lượng cát công ty chúng tôi gom được rất ít. Một số đơn vị cung cấp nói “hết cát” và nhiều khả năng họ tăng giá lên nữa”.
Khi tìm hiểu, phóng viên nhận thấy, giá cát xây dựng không chịu nhiều ảnh hưởng bởi việc dừng các dự án nạo vét tận thu cát. Cát từ các dự án nạo vét chủ yếu dùng cho san lấp do đây là cát tạp nhiều bùn. Hơn nữa, các dự án nạo vét, tận thu khối lượng cát không lớn bằng các dự án khai thác cát. Chẳng hạn, như trên sông Tiền, đoạn đi qua tỉnh Đồng Tháp, tính đến tháng 3/2017 vẫn còn 18 giấy phép khai thác cát với khối lượng đến 8,9 triệu tấn/năm. Trong khi, tại thời điểm đó, tỉnh chỉ có 1 dự án nạo vét, tận thu đang hoạt động với khối lượng chỉ vài trăm ngàn tấn mỗi năm. Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp cho rằng, khối lượng cát từ dự án nạo vét, tận thu trên địa bàn tỉnh không đáng kể so với các dự án khai thác cát được cấp phép đang hoạt động.
Nên khảo sát nhu cầu sử dụng cát
Là người có nhiều công trình nghiên cứu về tác động của các dự án khai thác cát ở khu vực ĐBSCL, TS Dương Văn Ni cho rằng, nên khảo sát nhu cầu sử dụng cát ở các địa bàn quan trọng, đặc biệt là các thành phố lớn như Tp.HCM. Từ đó, xem xét lượng cát được khai thác trên các lưu vực sông hiện có đủ nguồn cung cho thị trường không. Từ đó có hướng giải quyết hợp lý. Ngoài ra, cũng nên xem xét lại việc dùng cát san lấp mặt bằng một cách ồ ạt như hiện nay. Vì về mặt kỹ thuật xây dựng, có nhiều giải pháp có thể lựa chọn mà không cần phải san lấp cát nhiều. Trong khi đó, những tác động tiêu cực từ các dự án nạo vét, tận thu cát lẫn dự án khai thác cát là rất lớn và khó lường.
Nhiều nhà thầu xây dựng ở Tp.HCM cho biết, sau khi Chính phủ có chủ trương dừng các dự án nạo vét, tận thu cát, giá cát tăng vọt là điều bất thường. Vì đúng ra, thị trường cát phải phụ thuộc vào các dự án khai thác cát chứ không phải các dự án nạo vét luồng sông có tận thu cát.
Liên quan đến hiện tượng giá cát tăng vọt, nhiều chủ vựa cát lớn ở Tp.HCM cho rằng họ không “găm cát” để đẩy giá lên mà nguyên nhân là do các đơn vị cung cấp cát cho địa bàn liên tục tăng giá.