Câu hỏi đặt ra là trong một gia đình nhiều thành viên thì sao? Ngôi nhà sẽ chịu ảnh hưởng bởi gu thẩm mỹ của ai?
Trong nhiều trường hợp, cái gu của một ngôi nhà có khi là sự cộng hưởng những ý tưởng sáng tạo của các thành viên trong gia đình, lắm khi là sự thoả hiệp lẫn nhau để hướng đến sự hài hoà mang tính chất an toàn, nhưng không tránh khỏi trường hợp tệ hại hơn, đó là nơi tập hợp những thứ “lu xu bu” đầy chỏi nghịch.
Ảnh minh họa
Chín người mười ý là chuyện khó tránh khỏi trong khi sắm sửa, sắp đặt, trang trí cho nhà cửa. Những nhân viên bán hàng nội thất hẳn có nhiều dịp chứng kiến cái cảnh vợ chồng cãi nhau, giận hờn, thậm chí, nặng lời khi đứng trước quyết định chọn một món đồ nào đó cho ngôi nhà vừa xây xong. Cách giải quyết ổn thoả có thể là phải đợi cho “những cái đầu bớt nóng”, rồi tìm một giải pháp trung gian an toàn sao cho “những chiến tuyến chấp nhận đình chiến để thương lượng hợp tác vì hoà bình lâu dài”. Giải pháp được đưa ra trong sự nhân nhượng hợp lý giữa các bên; chấp nhận được nhau mà không rơi vào ám ảnh bị đánh mất chính mình trong không gian mình sống.
Nhưng trong trường hợp không tìm thấy giải pháp trung gian khả dĩ, thì xu hướng thường là một trong hai sẽ là kẻ thoái lui “sống chung với lũ”, để “đối phương” tha hồ tự biên tự diễn. Đây có lẽ là trường hợp xấu nhất. Nó cho thấy một sự phụ thuộc cá tính, thiếu gắn kết giữa cá nhân còn lại với ngôi nhà của mình. Sự chịu đựng hay thoát ly với không gian sống không thuộc về mình sẽ dẫn đến những rạn nứt khác âm ỉ trong quan hệ tình cảm gia đình. Không ít trường hợp cảm thấy khó chịu bực dọc khi về nhà chỉ vì không thấy ở ngôi nhà sự thân thương gần gũi.
Trong thời buổi mà mọi phương tiện phát minh đều tập trung phục vụ cho nhu cầu cá nhân hoá ngày càng cao, thì sự áp đặt hay gia trưởng biểu hiện qua không gian sống là điều không nên. Việc tôn trọng tiếng nói, nguyện vọng cá nhân, huy động và dung hoà sự ý tưởng sáng tạo của những cá nhân để tạo ra một môi trường chung sống hoà hợp và văn minh là mục tiêu cần đạt đến.
Nhưng, một ngôi nhà đa phong cách, đa cá tính trong sự thống nhất và hài hoà xem ra không hề đơn giản. Ngày nay, trong một số trường hợp xảy ra xung đột về gu thẩm mỹ, chủ nhà giao hẳn cho kiến trúc sư “đặt đâu ngồi đó”, hoặc chí ít là đóng vai trò “trọng tài”. Nhưng đây chỉ là giải pháp mang tính tương đối và tình thế. Sau đó, là cuộc sống gia đình với không ít những thay đổi cụ thể, lúc đó, gia chủ phải đóng vai trò chính. Sớm muộn gì, những cái đầu lạnh trong gia đình vẫn phải ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp có tính lâu dài.
Vậy, nói một ngôi nhà thể hiện gu thẩm mỹ của gia chủ chẳng khác nào cách nói một cộng một bằng hai, phép tính này trẻ con đều biết. Sâu xa phía sau phép tính hiển nhiên đó, là câu chuyện dài về quan điểm sống, về nếp nhà.
Sự hài hoà của nếp nhà, sự hoà bình trong thế giới sống của con người sẽ cho thấy qua tính hài hoà, ăn nhịp về ngôn ngữ, qua lối bài trí những đồ vật, cách sắp xếp hợp lý tạo cho không gian một sức sống ấm cúng, dễ chịu.
(Theo SGTT)
Nói, nhìn nhà biết gu thẩm mỹ, thậm chí, xa hơn, là tính cách của gia chủ thì không có gì sai. Nhưng nói vậy vẫn còn qua loa lắm, ấy là khi ta chưa trải nghiệm những cuộc va chạm về gu nảy lửa rất thường xảy ra trong quá trình hoàn thiện ngôi nhà về mặt thẩm mỹ.