Tin tức: Hàng loạt hệ lụy khi các dự án bị đình trệ do "đói vốn"

Hàng loạt hệ lụy khi các dự án bị đình trệ do "đói vốn"

Nội dung

Trong quá trình thực hiện, nhiều dự án xây dựng không thể cân đối nguồn vốn và bố trí kịp thời để đảm bảo đúng tiến độ. Thậm chí, nhiều dự án còn rơi vào tình trạng “bất động”, khiến quá trình phát triển đô thị bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Kiện tụng và bê trễ

Năm 2012, thuộc dự án AZ Land (lô đất CT-01 thuộc dự án Khu đô thị Vân Canh), nhà thầu là Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Long Giang (Long Giang Land) tố chủ đầu tư HUD có dấu hiệu “bùng” 2 tỷ đồng tiền thi công của đơn vị này. Khi thi công xong toàn bộ cọc thí nghiệm, số tiền mà AZ Land phải thanh toán 718.010.400 đồng. AZ Land phải thanh toán cho Long Giang Land 95% giá trị khối lượng hoàn thành sau khi hoàn tất thi công 30 ngày và có kết quả thí nghiệm nén tĩnh. Nhưng đến ngày 2/3/2012, AZ Land không thanh toán cho nhà thầu, khiến tiến độ dự án và tình hình tài chính của công ty bị ảnh hưởng. Sau nhưng lùm xùm kéo dài vài năm trời, dự án đã liên tục chậm tiến độ, thậm chí còn rơi vào khủng hoảng.

Không chỉ công ty AZ Land, nhiều người còn biết đến việc Công ty TNHH Phát triển công nghiệp năng lượng gửi thư kêu cứu và “tố” Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà (SDU) chây ỳ việc trả nợ hơn 11 tỷ đồng tiền thi công lắp đặt hệ thống điều hòa, thông gió tại dự án tòa nhà hỗn hợp Sông Đà Hà Đông.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết, đến ngày 31/5/2017, hơn 1.653 tỷ đồng là số tiền mà chủ đầu tư còn nợ công ty. 991 tỷ đồng là giá trị sản xuất dở dang chưa được nghiệm thu. Tổng số nợ tồn đọng lên tới 2.644 tỷ đồng. Điển hình các công trình chủ đầu tư chưa bố trí đủ vốn như dự án mở rộng QL 1A, dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, thủy điện Lai Châu, chương trình rà phá bom mìn vật nổ 504, thủy điện Sơn La…

dự án chậm tiến độ
Nhiều công trình dính ''nợ đồng lần'' dẫn đến ngưng, giãn tiến độ. Ảnh: Công Hùng

Phân tích về sự bất hợp lý, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, để đảm bảo vốn sản xuất kinh doanh, chủ yếu đơn vị phải sử dụng vốn vay từ các tổ chức tín dụng với lượng vay cao trung bình khoảng 1.500 tỷ đồng. Ngoài ra phải trả lãi vay này là 126 tỷ đồng/năm và cũng phải nộp ngay các khoản thuế phải nộp cho nhà nước. Ngược lại, các khoản mà nhà nước (chủ đầu tư) chưa thanh toán, còn nợ thì không tính lãi cho nhà thầu. Điều này gây ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư, kế hoạch tài chính của công ty cũng như dự án đang thi công.

Theo nhận định của TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chính nợ đọng xây dựng cơ bản đã sinh ra nợ xấu và gây khó khăn dây chuyền cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người mua nhà. Không ít dự án đối diện với nguy cơ bị dừng, giãn tiến độ do thiếu vốn khi nợ đọng lớn. Hơn nữa, ông Thiên cho rằng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã và đang có nguy cơ bị phá sản do nợ đọng xây dựng cơ bản quá lớn và kéo dài. Khi hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp thường có kế hoạch tài chính dài hạn và ngắn hạn cụ thể. Trong đó, các doanh nghiệp tổ chức huy động vốn ngắn hạn để mua nguyên vật liệu, thiết bị, xe - máy, nhân công phục vụ thi công… dựa trên hợp đồng đã ký với chủ đầu tư vàtiến độ thanh toán trong hợp đồng. Tuy nhiên, do không có vốn, việc thanh quyết toán kéo dài dẫn đến kế hoạch sử dụng vốn bị điều chỉnh, gây khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp lo phá sản

Tại hội thảo chuyên đề mới đây, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp bày tỏ sự lo lắng trước tác động của khoản nợ xây dựng cơ bản đến sức khỏe của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Quốc Hiệp mở rộng vấn đề: "Trong hoàn cảnh các doanh nghiệp chỉ có khoảng 200-300 tỷ đồng vốn công ty nhưng phải vật lộn với số nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách nhà nước tới 2.000 tỷ đồng thì sẽ có bao nhiêu đơn vị có nguy cơ chết hoặc chờ chết do không thu được nợ? Đây là vấn đề cần sớm đưa ra lời giải".

Trên cả nước hiện nay, các dự án từ nguồn vốn ODA đa phần đều không được thanh toán theo Hợp đồng Fidic (Luật Hiệp hội các nhà thầu quốc tế). Theo các nhà thầu, nhà thầu luôn ở thế nắm đằng lưỡi trong khi chủ đầu tư được cầm dao đằng chuôi. Điều này là do chủ đầu tư nợ khối lượng nhà thầu, cả các dự án đã đưa vào sử dụng, khai thác trong nhiều năm hoặc những dự án chưa được hoàn thành. Hệ quả kéo theo là nhà thầu không có vốn thi công, rơi vào tình trạng “nợ đồng lần”. Nghĩa là nhà nước nợ doanh nghiệp A, doanh nghiệp A lại nợ doanh nghiệp B, các doanh nghiệp lại nợ tiền vay vốn ngân hàng, tiền lương công nhân, tiền cung ứng vật liệu… Nợ cũ không đòi được, trong khi nhà thầu vẫn phải vay thêm tiền để tiếp tục các dự án cũ hoặc thực hiện các dự án mới. Vô hình trung, nhà thầu vừa là “con nợ” của ngân hàng, vừa là “chủ nợ” của chủ đầu tư. Đỉnh điểm trong năm 2014, hơn 20 công nhân đã căng biểu ngữ đòi nhà thầu là Công ty CP Vinaconex 15 hoàn trả 1,02 tỷ đồng. Thời điểm đó, đại diện công ty từng thừa nhận một vài công trình chưa được quyết toán do khâu tổ chức, quản lý có vấn đề, khiến công ty bị đọng vốn, không có kinh phí trả ngân hàng (khoảng 20 tỷ đồng), thanh toán nợ tiền lương và bảo hiểm xã hội cho công nhân.

Cản trở đô thị phát triển

Thực tế, pháp luật lâu nay dường như đang “nương nhẹ” chủ đầu tư và chưa có chế tài đủ mạnh nên tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản có dấu hiệu tăng. Câu chuyện một công trình xây dựng trễ hẹn 3-5 năm đã không còn mới lạ tại Việt Nam. Sự trì trệ của không ít dự án lớn đã gây nên sự cản trở đối với sự phát triển của bộ mặt đô thị. Từ đó, dẫn đến tình trạng ngân sách thất thu, lãng phí đất đai, môi trường ô nhiễm, giao thông ùn tắc, thậm chí gây bức xúc trong xã hội.

Khi thị trường BĐS phát triển mạnh đến đỉnh cao, nhiều nhà thầu đã chấp nhận vay ngân hàng, bỏ hàng nghìn tỷ đồng tiền vốn để đền bù, GPMB. Nhưng nhiều dự án sau đó đã trở thành bãi cỏ mọc hoang và doanh nghiệp đãphải trả lãi 19-20%/năm. Đơn vị này gánh nợ của đơn vị kia rồi dẫn tới phá sản khi không gánh nổi. Tại Khu đô thị Bắc An Khánh, một dự án đình đám từng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo khu Tây Hà Nội và trở thành một khu đô thị thuộc “top” đầu khu vực này. Tuy nhiên, sau khi hạng mục phần móng của dự án được thi công xong, chủ đầu tư vẫn chưa trả nợ cho nhà thầu. Sự “tháo chạy” của nhà thầu nhưng vẫn để lại một phần máy móc khiến đơn vị thi công phần thân tòa nhà không thể tiếp quản. Chủ đầu tư không còn tiền, dự án dang dở, người mua nhà rơi vào vòng xoáy kiện tụng.

Đưa ra đề xuất mạnh mẽ hơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty 36 Nguyễn Thanh Giang cho rằng: Khi thị trường sốt nóng, cần tránh tình trạng cam kết “yên tâm đi” như dự án chung cư cao cấp Westa 18 (Hà Đông). Khi thi công xong, chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính, nợ đọng còn khoảng 5-7 tỷ đồng/dự án. Trong trường hợp bất khả kháng, phải làm quen với việc nhà thầu kiện ngược chủ đầu tư. Đã đến lúc áp dụng chế tài bằng pháp luật. Khi giải quyết tranh chấp, nhà thầu nước ngoài sẽ lập tức khởi kiện theo luật pháp quốc tế. Còn ở nước ta, khi nhà thầu kiện, được xem là có “vết”, khi đàm phán hợp đồng khác sau này sẽ gặp phải khó khăn. Đó là sự không công bằng và bất hợp lý.

Mối quan hệ nhà thầu - chủ đầu tư phải đảm bảo công bằng để bố trí kịp nguồn vốn, tránh tình trạng nhiều dự án bị bê trễ, mỹ quan đô thị bị ảnh hưởng. Dự án nào chưa khởi công thì phải xem lại cụ thể, hạn chế tối đa nợ đọng. Dự án nào đang dở dang thì tập trung vốn xử lý. Bởi các dự án bị đình trệ đang là yếu tố làm diện mạo thành phố xấu đi.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam
Nợ đọng trong xây dựng cơ bản được ví như cục máu đông của nền kinh tế. Hiện số nợ đọng đã lên tới 40.000 tỷ đồng.
Thị trường bất động sản 2017

Nguồn: batdongsan.com.vn/tin-thi-truong/hang-loat-he-luy-khi-cac-du-an-bi-dinh-tre-do-doi-von-ar86842


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận