Tin tức: Hàng trăm biệt thự cũ tại Hà Nội đã ở mức báo động

Hàng trăm biệt thự cũ tại Hà Nội đã ở mức báo động

Nội dung

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Thịnh, Nguyên Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng).

Biệt thự cổ

Ông Lê Văn Thịnh, chuyên gia chất
lượng công trình xây dựng

- Phóng viên: Hà Nội hiện có 312 biệt thự cũ tuổi đời từ hàng chục năm đến hơn 100 năm, theo quy định hiện hành của Nhà nước thì việc quản lý và kiểm tra chất lượng các công trình này như thế nào, thưa ông?

Nghị định 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, đặc biệt là Điều 45 về xử lý đối với công trình hết thời hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp như sau:

Với những công trình hết thời hạn sử dụng thì chủ sở hữu hoặc người quản lý và sử dụng công trình phải thực hiện: Kiểm tra, kiểm định và đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình; cải tạo, gia cố, sửa chữa hư hỏng công trình (nếu có) nhằm đảm bảo công năng và an toàn sử dụng trước khi quyết định việc tiếp tục sử dụng công trình.

Vì công trình này không thuộc đối tượng phụ lục II Nghị định 46/2015/NĐ-CP nên Ban quản lý dự án đường sắt là chủ sở hữu và quản lý, sử dụng công trình được quyền tự quyết định việc tiếp tục sử dụng sau khi thực hiện các công việc nêu trên.

- Sau sự cố làm 2 người chết và 5 người bị thương tại biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo, ông có cho rằng một phần trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương?

Với tư cách là chủ sở hữu thì trách nhiệm này trước hết thuộc về Ban quản lý dự án đường sắt (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam). Bởi khi phát hiện công trình có dấu hiệu nguy hiểm và không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng thì Ban quản lý dự án đường sắt phải thực hiện các việc như: Tổ chức kiểm tra lại hiện trạng công trình; đồng thời quyết định thực hiện các biện pháp khẩn cấp như ngừng sử dụng công trình, hạn chế sử dụng công trình, di chuyển người và tài sản để bảo đảm an toàn đề phòng công trình có nguy cơ sập đổ.

Nhưng đáng tiếc là Ban quản lý dự án đường sắt chưa tổ chức kiểm định chất lượng công trình; cũng không sửa chữa những hư hỏng có nguy cơ làm ảnh hưởng đến an toàn vận hành của công trình, an toàn sử dụng hoặc phá dỡ công trình khi cần thiết, sau đó báo cáo ngay với chính quyền địa phương nơi gần nhất là UBND phường.

Sập biệt thự Trần Hưng Đạo
Vụ việc biệt thự 107 Trần Hưng Đạo bất ngờ đổ sập là điều đáng tiếc không ai mong muốn
 
Trong trường hợp nhận được thông tin công trình có dấu hiệu nguy hiểm và không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng thì chính quyền địa phương phường có trách nhiệm như sau:

Một là, tổ chức kiểm tra, ra thông báo, yêu cầu và hướng dẫn Ban quản lý dự án đường sắt tổ chức khảo sát, kiểm tra, kiểm định chất lượng, sau đó đánh giá mức độ nguy hiểm, đưa ra giải pháp thực hiện sửa chữa, nếu cần thiết có thể phá dỡ một bộ phận công trình hoặc cả công trình.

Hai là, yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt thực hiện các biện pháp khẩn cấp như hạn chế sử dụng công trình hoặc ngừng sử dụng công trình, khẩn trương di chuyển người và tài sản nhằm bảo đảm an toàn nếu công trình có nguy cơ sập đổ.

- Được biết, thì biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo được cải tạo lần gần nhất là năm 1990. Như vậy, căn cứ theo Nghị định 46 thì chính quyền địa phương phải kiểm tra định kỳ công trình có dấu hiệu nguy hiểm trên địa bàn, thưa ông?

Nếu công trình xây dựng có dấu hiệu nguy hiểm có thể dẫn tới nguy cơ sập đổ thì UBND TP có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với Ban quản lý dự án đường sắt thực hiện ngay các biện pháp an toàn gồm hạn chế sử dụng công trình hoặc ngừng sử dụng công trình, nhanh chóng di chuyển người và tài sản nếu cần thiết để bảo đảm an toàn.

Biệt thự cổ
Hiện nay, Hà Nội có hàng trăm biệt thự tuổi thọ lâu đời và chất lượng
các công trình này vẫn chưa được kiểm định chính xác

- Thưa ông, trước tình trạng một loạt biệt thự như vậy thì chính quyền Hà Nội, Tp.HCM  cũng như các tỉnh, TP khác  phải quản lý các công trình từ thời Pháp thuộc như thế nào?

Trên thực tế, các biệt thự được xây dựng từ thời Pháp thuộc được giao cho nhiều người sử dụng. Hơn nữa, việc cơi nới tùy tiện đã làm hỏng cả về kiến trúc lẫn công năng sử dụng l lần kết cấu công trình. Bên cạnh đó, công tác bảo trì không được thực hiện vì có quá nhiều chủ, mà thực chất là vô chủ nên đe dọa đến khả năng chịu lực của các tòa biệt thự vốn chỉ dành cho một chủ sử dụng.

Sự cố sập công trình 107 Trần Hưng đạo vừa qua không phải là vụ việc đầu tiên và duy nhất đối với loại biệt thự cổ này. Do đó, Hà Nội cũng như các tỉnh, TP cần kiểm tra rà soát lại biệt thự mà mình đang quản lý theo đúng tinh thần Nghị định số 46/2015 mà Chính phủ đã ban hành.

Vụ việc xảy ra sự cố tại biệt thự số 107 Trần Hưng đạo là một điều đáng tiếc không ai mong muốn. Vì vậy, chính quyền các đô thị cần nhìn vào đó làm bài học để rút kinh nghiệm.

Sáng 22/9, ngôi biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ đổ sập khiến 2 người tử vong và 5 người bị thương. Từ sự cố đáng tiếc này, rất nhiều người dân Hà Nội đang băn khoăn đến chất lượng hàng trăm biệt thự cũ trên địa bàn Thủ đô, nơi có hàng ngàn con người đang sinh sống.
Quản lý, sử dụng nhà, đất

Nguồn: batdongsan.com.vn/chinh-sach-quan-ly/hang-tram-biet-thu-cu-tai-ha-noi-da-o-muc-bao-dong-ar72403


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận