Tin tức: Hiến kế dạy lịch sử qua ngoại ngữ

Hiến kế dạy lịch sử qua ngoại ngữ

Nội dung

"Để học sinh học thuộc lịch sử, đam mê học cũng khó, vậy hãy chuyển sang chiều khác là dạy sử qua ngoại ngữ", ông Nguyễn Huy Cường với 18 năm nghiên cứu về giáo dục đề xuất.

Ngày 5/11, Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển RED tổ chức hội thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - từ tầm nhìn đến hiện thực. Nhiều người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục tham dự và có những đóng góp thiết thực như tiến sĩ Phạm Thị Ly, Giám đốc chương trình nghiên cứu - Viện đào tạo quốc tế Đại học Quốc gia TP HCM; TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội; Giám đốc hãng phim An Sơn Nguyễn Huy Cường...

Với 18 năm nghiên cứu về giáo dục, phần phát biểu của ông Cường nhận được nhiều tràng pháo tay tán đồng vì ý kiến đóng góp mang tính thực tiễn cao. "Nếu nói đổi mới giáo dục và đào tạo là trận đánh, thì cần thỏa mãn cùng lúc nhiều yêu cầu của lịch sử. Đó là khẩn trương, chuẩn xác, khoa học và hiệu quả cao. Không được phép thử và sai", ông Cường nói.

Ông nhấn mạnh cần sáng tạo trong đào tạo, điều này không khó trong giáo dục, thậm chí rất dễ thực hiện. Việc dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường đang có nhiều tranh cãi xem dạy thế nào để tạo hứng thú cho học sinh, vì thực tế môn này được đánh giá là khô khan và quá nhiều số liệu cần nhớ. "Để các em thuộc lòng rồi đam mê là việc khó, vậy ta hãy chuyển sang chiều khác, dạy sử qua ngoại ngữ xem sao", ông Cường kiến nghị.

Qua nghiên cứu, ông biết học sinh một số địa phương đang học tiếng Anh từ lớp 6. Tuy nhiên với 7 năm học phổ thông, hơn 700 tiết học nhưng khi ra trường vẫn không thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Kỹ năng nghe nói rất yếu, vốn từ và khả năng vận dụng hẹp. "Với khoa học sáng tạo, chúng ta có thể vận dụng nguyên tắc chứa trong để giải quyết cả 2 vấn đề học ngoại ngữ và học lịch sử", ông nói.

Với nguyên tắc chứa trong, nhiều nội dung của môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân có thể lồng vào nội dung ngoại ngữ. Điều này, theo ông Cường về chuyên môn thì phải bàn thêm nhưng hoàn toàn có thể làm được. Vì người ta có thể dạy học sinh một bài khó về chuyến du lịch châu Âu thì cũng có thể dạy về lịch sử của đất nước.

"Nếu giảm môn Sử thì số tiết dạy ngoại ngữ sẽ tăng từ 700 lên 1.200 tiết, như vậy có thể truyền tải được nội dung của lịch sử, địa lý Việt Nam một cách căn bản, lý thú. Điều này chắc chắn sẽ hiệu quả hơn việc dạy khuôn bó như hiện nay", vị này khẳng định.

Lan Hạ

"Để học sinh học thuộc lịch sử, đam mê học cũng khó, vậy hãy chuyển sang chiều khác là dạy sử qua ngoại ngữ", ông Nguyễn Huy Cường với 18 năm nghiên cứu về giáo dục đề xuất.

Nguồn: vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/hoc-tieng-anh/hien-ke-day-lich-su-qua-ngoai-ngu-3307647.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận