Tin tức: Kịch 'Con ma nhà họ Hứa' đan xen chất hài và kinh dị

Kịch 'Con ma nhà họ Hứa' đan xen chất hài và kinh dị

Nội dung

Vở diễn mới trên sân khấu Bệt (TP HCM) được dàn dựng với phong cách ma mị kết hợp nét hài hước để kể về bi kịch một gia đình Sài Gòn xưa giàu có.

Tối 6/11, sân khấu kịch Bệt công diễn vở Con ma nhà họ Hứa. Điểm diễn này vừa mở cửa trở lại sau hai năm ngừng hoạt động. Con ma nhà họ Hứa là vở mới được ban tổ chức đầu tư về dàn dựng, kịch bản nhằm thu hút khán giả.

Trên không gian sân khấu có diện tích khoảng 80 m2, sáu diễn viên gồm: Quốc Thịnh, Lương Duyên, Cao Tiến, Thanh Tuấn, Công Danh, Đoàn Thanh Phượng hóa thân vào các nhân vật trong nhà đại gia bất động sản Hứa Minh Nhân. Họ kể cho khán giả nghe về một thảm kịch gia đình xảy ra ở Sài Gòn vào năm 1945.

kich-con-ma-nha-ho-hua-dan-xen-chat-hai-va-kinh-di

"Con ma nhà họ Hứa" kể về bi kịch của một gia đình giàu có.

Câu chuyện gia đình họ Hứa có con gái bị bệnh hủi (phong, cùi) và hồn ma lẩn khuất trong biệt thự nổi tiếng từ lâu được đồn đại, trở thành giai thoại với nhiều người Sài Gòn. Đây là cảm hứng cho tác giả Hoàng Mẫn viết ra kịch bản mới. Dù khán giả đã nắm được phần nào nội dung, vở kịch vẫn cuốn hút người xem nhờ vào tiết tấu nhanh, nội dung cô đọng.

Các diễn viên Thanh Tuấn, Lương Duyên, Công Danh và Đoàn Thanh Phượng nằm ở tuyến nhân vật thể hiện chất bi của vở diễn. Trong khi hai diễn viên Quốc Thịnh (vai Bảy Dúi) và Cao Tiến (Thám tử Ca Nô) nằm ở tuyến nhân vật hài. Đây đều là các diễn viên trung thành với sân khấu kịch Bệt qua nhiều giai đoạn khó khăn. Trên một không gian nhỏ, gọn và rất gần với khán giả, họ tung hứng ăn ý, chặt chẽ qua từng tình huống kịch bằng lối diễn xuất thông minh.

kich-con-ma-nha-ho-hua-dan-xen-chat-hai-va-kinh-di-1

Âm nhạc, ánh sáng kịch mang đến hiệu ứng ma mị cho người xem.

Chất ma mị và nét hài hước được cân bằng để dẫn dắt người xem vào mạch kịch. Có lúc, khán giả ấn tượng với hình bóng "con ma áo đỏ" ẩn hiện trong ngôi nhà, gian phòng thờ bí ẩn, chiếc xích đu kẽo kẹt lắc lư mang đến không khí lành lạnh. Có lúc, người xem bật cười vì những câu thoại hóm hỉnh, nét diễn tưng tửng, hài hước của diễn viên. Thêm vào đó, ánh sáng, đạo cụ sân khấu và âm nhạc cũng được xử lý tốt tạo hiệu ứng thị giác, âm thanh, mang tới cảm xúc cho người xem. Ca khúc Đừng bỏ em một mình của cố nhạc sĩ Phạm Duy được chọn làm nhạc chủ đề của vở diễn.

Tuy diễn ra ở quán cà phê, tác phẩm sân khấu của đạo diễn Tuyết Mai được thực hiện tròn trịa, chỉn chu. Khác với nhiều sân khấu lớn, vốn thường diễn những vở có thời lượng kéo dài từ hơn hai giờ đến ba giờ đồng hồ, kịch Bệt tiết chế sự rườm rà để gói gọn nội dung trong vòng 90 phút. Mỗi chuyển cảnh, đóng mở màn mới, người xem lại dành những tràng pháo tay để cổ vũ cho êkíp.

Anh Đức Long, nhà ở Gò Vấp và là khán giả của suất diễn đầu tiên, nhận xét: "So với quy mô của một quán cà phê, vở diễn đạt yếu tố giải trí lẫn nghệ thuật, thu hút người xem bằng một câu chuyện cảm động, đậm chất nhân văn. Tôi rất thích cách chuyển cảnh nhanh gọn của vở này".

kich-con-ma-nha-ho-hua-dan-xen-chat-hai-va-kinh-di-2

Poster vở diễn.

Sân khấu Bệt ra đời từ năm 2008, được cấp phép hoạt động từ năm 2011 và mau chóng được khán giả xem là "đặc sản" kịch nói của thành phố. Dù trở lại hoạt động trong tình hình sân khấu chung của TP HCM đang gặp khó khăn, nhóm kịch thể hiện quyết tâm chinh phục đối tượng khán giả riêng của mình. Chị Nguyễn Thiên Kim - người chịu trách nhiệm sản xuất kịch mục trên sân khấu Bệt - cho biết êkíp mất khoảng hai tháng để hoàn thiện vở diễn mới.

"Trở lại sau thời gian vắng bóng, chúng tôi vui vì khán giả còn nhớ và đón nhận nhóm kịch của mình nhiệt tình. Khó khăn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là người xem dần quay lưng với nghệ thuật sân khấu. Vì vậy, để tạo độ hút, nhóm phải tập trung cao độ làm ra được các vở mới, phong phú thêm kịch mục", chị Kim nói.

Mục tiêu của nhóm kịch Bệt là từ đây đến cuối năm có thể ra mắt bốn vở mới, trong đó có hai vở phục vụ khán giả dịp Tết. Êkíp không đặt ra mục tiêu kéo khán giả bằng kịch kinh dị, chỉ có những vở diễn có nội dung tốt như Con ma nhà họ Hứa mới dàn dựng, còn lại, họ tập trung vào kịch hài và tình cảm.

Thoại Hà

Vở diễn mới trên sân khấu Bệt (TP HCM) được dàn dựng với phong cách ma mị kết hợp nét hài hước để kể về bi kịch một gia đình Sài Gòn xưa giàu có.

Nguồn: giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/san-khau-my-thuat/san-khau/kich-con-ma-nha-ho-hua-dan-xen-chat-hai-va-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận